Ngày 8/1, TAND huyện Trần Đề (Sóc Trăng) cho biết, cơ quan này đang thụ lý lại vụ tranh chấp quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn Nguyễn Thị Nhài (77 tuổi, ngụ thị trấn Trần Đề) với trên chục bị đơn là láng giềng của bà ở ấp Cảng.
Vụ án dân sự này kéo dài do sự bất nhất của chính quyền cơ sở và các cấp giải quyết của tòa án.
Đã 3 lần nguyên đơn thua cuộc nhưng hồ sơ pháp lý của bà Nhài được cho là vẫn trên thế thắng. Hiện, sự việc đã quay lại vạch xuất phát vì bản án trước đó vi phạm tố tụng nghiêm trọng.
Bà Loan đã 18 năm thay mẹ đi kiện đòi đất và vụ án quay lại từ đầu sau 5 lần xét xử. Ảnh: Việt Tường. |
Theo hồ sơ vụ án, chồng bà Nhài là cán bộ tiền khởi nghĩa, tập kết ra Bắc và quay về Sóc Trăng công tác sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước. Năm 1980, cán bộ hưu trí này được chính quyền sở tại cấp 3.536 m2 đất ven tỉnh lộ 8 ở ấp Cảng, xã Trung Bình.
Tháng 11/1995, UBND huyện Long Phú (nay tách ra thêm huyện Trần Đề) cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Nhài, thời gian sử dụng 50 năm. Ba năm sau, tỉnh lộ 8 mở rộng, bà Nhài phát hiện hộ của ông Châu lùi nhà ra sau, lấn lên đất gia đình bà.
Ngày 10/3/1998, UBND xã Trung Bình ra quyết định ngăn cản việc xây cất của ông Châu. Nhà chức trách buộc hộ này đình chỉ xây dựng nhà ở trên phần đất bị bà Nhài tranh chấp.
Việc khiếu kiện của nguyên đơn kéo dài đến mười năm sau thì tháng 4/2008, TAND huyện Long Phú đưa ra xét xử với 15 bị đơn. Trong đó, bà Lê Thị Tuyết Loan (con bà Nhài) được mẹ ủy quyền tham gia tố tụng.
Bà Loan cho biết, đất của gia đình bị các hộ lân cận lấn chiếm khoảng 700 m2. Những hộ này không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc và quyền sử dụng đất nhưng xây cất lấn chiếm, lấp mương và lấy luôn vườn dừa của gia đình nguyên đơn.
Các bị đơn đưa ra quan điểm ngược lại với mẹ con bà Nhài. Họ cho rằng đất có được là mua của người khác nhưng không xuất trình giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Chứng cứ khác được bị đơn đưa ra là mương nước vẫn còn, không bị san lấp đã được HĐXX chấp nhận nên bà Nhài thua kiện.
Tháng 9/2008, TAND tỉnh Sóc Trăng xử phúc thẩm, tiếp tục tuyên bà Nhài thua kiện. Nguyên đơn khiếu nại bản án phúc thẩm lên cấp cao hơn và được Hội đồng giám đốc thẩm của Tòa dân sự TAND tối cao chấp nhận.
Theo quyết định giám đốc thẩm tháng 6/2010, bà Nhài được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 3.536 m2. Khi xảy ra tranh chấp, diện tích đo đạc thực tế của hộ này chỉ còn 2.610 m2 (thiếu 926 m2).
Như vậy, hai cấp tòa án ở Sóc Trăng đã chưa xác minh để làm rõ việc nhà chức trách cấp giấy tờ cho bà Nhài vào năm 1995 là có đúng quy định của pháp luật hay không. Cấp sơ thẩm và phúc thẩm cũng không xác minh lý do vì sao bà Nhài bị thiếu đất so với giấy tờ. Vì vậy, các cơ quan xét xử tuyên bác đơn của nguyên đơn là chưa có căn cứ.
Sơ đồ các hộ được cho là lấn chiếm quanh đất của gia đình bà Loan. Ảnh: Việt Tường. |
Bà Loan cho biết, thời gian diễn ra kiện cáo, bà đã sao chụp được bản mục kê, sổ dã ngoại tại Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất tỉnh Sóc Trăng và hồ sơ thực hiện nghĩa vụ thuế của gia đình. Theo đó, UBND xã Trung Bình từng xác nhận cách đây gần 20 năm, 3.536 m2 đất trên đã được đăng ký vào sổ địa chính, bà Nhài có chứng nhận quyền sử dụng.
Tuy nhiên, khi hồ sơ được TAND tối cao giao về thì cấp sơ thẩm là TAND huyện Trần Đề tiếp tục xử là Nhài thua kiện vào tháng 5/2014. Theo HĐXX, UBND huyện Trần Đề có trả lời tòa án rằng, thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Nhài là lúc đăng ký đại trà nên diện tích trong giấy và thực tế có sự chênh lệch.
Không đồng ý với bản án sơ thẩm lần hai này, bà Loan tiếp tục được mẹ ủy quyền kháng cáo đòi lại trên 900 m2 đất. Tháng 9/2015, TAND tỉnh Sóc Trăng cho rằng án sơ thẩm vi phạm tố tụng nghiêm trọng nên hủy để TAND huyện Trần Đề thụ lý, xét xử lại.
"Gần 20 năm qua tôi liên tục kiện đòi lại thực tế và công bằng. Mất quá nhiều thời gian và chi phí cho vụ kiện nhưng tôi vẫn tiếp tục thay mặt mẹ đòi lại giá trị quyền sử dụng đất", bà Loan nói.