Dù Tết Nguyên đán Bính Thân đã cận kề nhưng người phụ nữ 61 tuổi quê Tiền Giang vẫn phải cật lực kéo hàng thuê ở TP HCM, mong kiếm thêm tiền để về quê sum vầy cùng con cháu.
|
Bà Nguyễn Thị Ba (61 tuổi, quê Tiền Giang) làm nghề bốc vác, kéo hàng thuê ở chợ đầu mối Bình Điền hơn 20 năm nay. Những ngày giáp Tết, bà vẫn miệt mài làm việc để kiếm từng đồng kịp về quê vào ngày 29 tháng Chạp. |
|
Cuộc đời bà Ba không suôn sẻ như những người phụ nữ khác. Khi bà 36 tuổi đang mang bầu đứa con trai út cũng là lúc chồng bị tử vong trong một lần đi chở hàng thuê trên ghe cho chủ. |
|
Mất đi trụ cột trong gia đình, một mình bà Ba phải gánh vác thay nhiệm vụ của chồng. Ở quê chỉ có mấy mẫu ruộng, vì thế đó bà quyết định gửi con cho họ hàng rồi lên thành phố tìm công việc với hy vọng cuộc sống bớt khó khăn hơn, có tiền để nuôi các con ăn học. |
|
Người phụ nữ 61 tuổi lên Sài Gòn làm đủ thứ nghề trước khi được người quen giới thiệu vào kéo hàng thuê ở chợ Bình Điền. "Công việc tuy đòi hỏi nhiều sức lực, nhưng có đồng ra đồng vào đủ để nuôi các con nên tôi ráng sức làm", bà Ba tâm sự. |
|
Những ngày đầu chưa quen với công việc nên mỗi lần kéo hàng suốt đêm về bà lại đau nhức khắp người. Lâu dần rồi cũng quen, bà quyết định gắn bó với cái nghề nặng nhọc này. |
|
Quê nhà chỉ vài giờ đi xe đò nhưng bà Ba ít khi về vì sợ tốn tiền. Bà bảo, thà để số tiền ấy gửi cho các con ở quê có thêm bữa ăn. Mỗi năm bà chỉ về quê vào những ngày cuối năm để đoàn tụ. |
|
Khi con cái bà lớn và có thể tự đi làm nuôi bản thân, nhiều người can ngăn, khuyên bà nên nghỉ việc vì sợ tuổi cao, làm nặng lại đổ bệnh. Nhưng bà không chịu vì đã gắn bó với nghề và cảm thấy còn khỏe. |
|
Mỗi ngày, bà làm việc từ 0h tới tận 7h sáng mới kết thúc công việc, sau đó về nhà trọ nghỉ ngơi. |
|
Thu nhập lúc ít, lúc nhiều. Lúc nhiều người kêu kéo hàng thì bà kiếm được khoảng 150.000 đồng. Khi vắng khách thì chỉ được mấy chục. "Nghề này thu nhập bấp bênh lắm chú ơi, nhưng mình ít học thì phải ráng dùng sức mà làm, được đồng nào hay đồng đó", người phụ nữ 20 năm bốc vác thuê trải lòng. |
|
Những lúc kéo hàng, bà tranh thủ lượm mấy chai nhựa trên đường gom vào bịch về bán đồng nát. Gặp mấy con cá, con cua người ta vứt đi bà Ba cũng lượm. "Nếu còn nấu được thì đỡ một bữa tốn tiền đi chợ", bà nói. |
|
Lớn tuổi, nhưng sức khỏe của người phụ nữ quê Tiền Giang vẫn còn dẻo dai, đi liên tục suốt đêm. "Có khách gọi thì tôi kéo, những lúc không có thì phải chạy vòng vòng đi hỏi từng quầy hàng để người ta biết mình rảnh mà kêu chứ ngồi không là không có tiền", bà Ba chia sẻ. |
|
Những ngày cận kề Tết, bà tranh thủ nán lại cho đến khi chợ tan hết không còn người gọi thuê mới đi về. |
|
Bà ở khu trọ nằm ngay cạnh chợ đầu mối, thuê mỗi tháng 300.000 đồng cùng mấy người nghiệp. Đối với họ, Tết chỉ mong có đông khách kiếm thêm được đồng nào hay đồng ấy để có tiền về quê chứ không dám mơ sắm sửa được đồ dùng gì có giá trị. |
|
Căn trọ lụp xụp được dựng tạm bằng tấm tôn che mưa nắng, là nơi bà Ba cùng 4 người khác làm chỗ chui ra vào sau những giờ lao động mệt nhọc. |
|
Tết Bính Thân năm nay, bà Ba quyết định nghỉ làm sớm hơn mọi năm để về quê, vì vợ chồng cậu con trai út mới sinh cho con gái. "Tôi gắn bó với nghề cũng gần nửa đời người rồi, làm thêm mấy ngày cũng không khá nổi, tình cảm gia đình là quan trọng nhất. Tết này về, tôi mua cho các cháu vài bộ quần áo mới, sắm ít đồ ăn để cho có Tết", bà tâm sự |
Hà Nội, Sài Gòn ngập tràn không khí Tết
10:11 5/2/2016
10:11
5/2/2016
Xã hội
0
Từ trong nhà ra đến ngoài đường, khắp nơi tràn ngập hình ảnh hoa đào, mai cùng các tiểu cảnh, trang trí khiến cho không khí xuân ở Hà Nội và TP HCM trở nên rộn rã, sôi động.
Tiền Giang
Phụ nữ
bốc vác
kiếm tiền
tết
Sài Gòn
Tết Bính Thân