Bà Đ.T.P. (Hà Nội) đi khám bệnh định kỳ do tuổi già dễ bị mỡ máu, tiểu đường. Cứ mấy tháng, bà lại đi khám bệnh định kỳ và siêu âm ổ bụng phát hiện có 2 nốt giảm âm ở gan.
Bà P. được chuyển tới Bệnh viện 198 (Bộ Công an). Sau khi soi, chụp cắt lớp, cộng hưởng từ ổ bụng, bà P. được các bác sĩ đưa ra nghi ngờ khả năng bị áp xe gan hoặc u gan.
Bà được giới thiệu sang Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (thuộc Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương). Qua thăm khám và làm xét nghiệm, bà P. được xác định có bị nhiễm sán lá gan lớn. May mắn, kết quả chẩn đoán bà bị sán lá gan lớn, không có khối u gan.
Bà Đ.T.P. điều trị sán lá gan tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ. |
Nguy cơ tiềm ẩn từ ăn gỏi cá và rau thủy sinh
TS.BS Trần Huy Thọ, Phó Giám đốc thường trực Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, cho biết một trong những bệnh sán hay gặp hiện nay là sán lá gan nhỏ và sán lá gan lớn.
BS Thọ cho biết, sán lá gan nhỏ có trong các loại thực phẩm ăn sống như gỏi cá, thường xuất hiện nhiều ở các vùng như Nam Định, Hòa Bình, Ninh Bình, Hà Nội, Thanh Hóa, Phú Yên, Bình Định, Phú Thọ... là các vùng hay có thói quen ăn gỏi cá nước ngọt.
Sán lá gan nhỏ ký sinh ở đường mật, nhiều trường hợp không phát hiện ra. Nhiều người bị tắc mật, sỏi mật, thậm chí ung thư đường mật, đi khám mới phát hiện ra nhiễm sán lá gan nhỏ.
Một số trường hợp đi khám sức khỏe định kỳ, xét nghiệm phân mới thấy sán lá gan nhỏ. Sán lá gan nhỏ xâm nhập vào cơ thể có khi vài năm không phát hiện được do không có triệu chứng. Thi thoảng, bệnh nhân tức ở hạ sườn phải do sán ký sinh túi mật.
Bệnh nhân có thể đi khám, siêu âm, thấy thành túi mật dày, làm xét nghiệm thấy trứng sán lá gan nhỏ trong phân. Khai thác tiền sử, bác sĩ thường nhận định những bệnh nhân ở các vùng hay ăn gỏi cá nên nguy cơ nhiễm sán lá gan nhỏ.
Sán lá gan lớn thường ký sinh ở nhu mô gan, tạo thành ổ áp xe giống như khối u ở trong gan.
Sán lá gan lớn vào cơ thể do thói quen người dân ăn các loại rau trồng dưới nước như rau cần, ngổ, muống nước, cải xoong, thậm chí là ngó sen. Sán lá gan lớn có giai đoạn ấu trùng bơi trong nước, bám vào thực vật thủy sinh như các loại rau và ốc nước ngọt.
Sán lá gan nếu không được điều trị sẽ dẫn tới tổn thương gan, ung thư gan… |
Khi ăn ốc nước ngọt và các loại rau thủy sinh chưa được nấu chín, nguy cơ nhiễm sán lá gan lớn là rất cao. Bệnh nhân bị sán lá gan lớn giai đoạn cấp sẽ đau dữ dội vùng hạ sườn phải, thậm chí kèm theo sốt và ngứa, đau dữ dội từng cơn.
Một số người bị đau vùng mũi ức, cảm giác như đau dạ dày, sau đó điều trị dạ dày mãi không khỏi. Khi làm các xét nghiệm, siêu âm thì được chẩn đoán mắc sán lá gan lớn.
Sau khi được tẩy sán lá gan lớn, triệu chứng đau dạ dày của bệnh nhân cũng hết vì tổn thương thùy gan trái nằm sát dạ dày, nên bệnh nhân có cảm giác giống như đau dạ dày nhưng thực ra không phải.
"Thậm chí, có trường hợp bệnh nhân phát hiện khối u ở gan, được chỉ định cắt bỏ một thùy gan. Khi làm các xét nghiệm lại thì phát hiện khối u chính là sán lá gan, điều trị sán là hết bệnh, không phải phẫu thuật cắt gan như chỉ định trước đó", BS Thọ cho biết.
Các bệnh có tổn thương ở gan nên đi xét nghiệm sán lá gan lớn
Khi bị sán lá gan lớn, giai đoạn cấp có bệnh nhân đau dữ dội, ngứa, sốt cao, bệnh nhân có thể rối loạn tiêu hóa.
Một số bệnh nhân không có triệu chứng gì, thi thoảng tức nhẹ vùng hạ sườn phải, đi khám sức khỏe định kỳ phát hiện tổn thương gan. Xét nghiệm bạch cầu ái toan tăng, siêu âm phát hiện tổn thương do sán lá gan lớn.
"Có bệnh nhân nhiễm sán lá gan lớn, đi khám ở bệnh viện tuyến tỉnh bị chẩn đoán là u gan và được chuyển khám ngoại khoa. Khi khám ngoại khoa chẩn đoán u gan được chỉ định cắt thùy gan trái nhưng khi phẫu thuật cắt gan và xét nghiệm lại chẩn đoán nhiễm sán lá gan lớn. Chúng tôi khuyến cáo trước khi có chỉ định phẫu thuật cắt thùy gan, nên làm các xét nghiệm loại trừ sán lá gan lớn, tránh tình trạng phẫu thuật nhầm", BS Thọ khuyến cáo.
TS.BS Trần Huy Thọ, Phó Giám đốc thường trực Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, khuyên người dân nên làm các xét nghiệm loại trừ sán lá gan lớn, tránh tình trạng phẫu thuật nhầm. |
Đối với bệnh sán lá gan lớn, ngoài tổn thương trong gan, nhiều bệnh nhân có lượng bạch cầu ái toan tăng rất cao, thậm chí tăng đến 80%. Một số bệnh nhân đúng giai đoạn chu kỳ sinh sản của sán có thể nhìn thấy trứng trong phân.
Sán lá gan lớn cần điều trị nội khoa, theo dõi sau điều trị một tháng, 3 tháng, 6 tháng đến một năm để xác định giai đoạn lành tổn thương của gan, từ đó đánh giá bệnh nhân khỏi bệnh.
Ngoài bệnh sán lá gan lớn, 80% bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ là do ngứa, mày đay, dị ứng và những đám tổn thương kéo dài trên da.
Bệnh nhân được điều trị theo hướng chuyên khoa da liễu, miễn dịch nhiều năm được chẩn đoán viêm da cơ địa, mày đay, dị ứng nhưng không khỏi. Sau đó, đến điều trị tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ mới phát hiện nhiễm ấu trùng giun đũa chó, mèo.
Bệnh ấu trùng giun đũa chó, mèo trong thời gian gần đây ngày càng nhiều. Nguyên nhân là một số gia đình có sở thích nuôi thú cưng và coi chúng là những người bạn thân thiết, chơi và thậm chí ngủ cùng.
Bệnh nhân thường đến khám khi đã điều trị thời gian dài theo hướng chuyên khoa da liễu, dị ứng miễn dịch không khỏi nên mới đến cơ sở điều trị bệnh ký sinh trùng.
Đa số bệnh nhân đến khám là đã dùng thuốc chuyên khoa rất nhiều năm nên khả năng đáp ứng thuốc khi điều trị bệnh ký sinh trùng ở mỗi người là khác nhau.
Hiện người dân có thể xét nghiệm các bệnh ký sinh trùng tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ thuộc Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung. Miền Trung có Viện Sốt rét, Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn, miền Nam có Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP.HCM.
Cuốn sách bên bờ sự sống
Ngành y là ngành luôn chứng kiến ranh giới sự sống - cái chết của người khác, nhưng Khi hơi thở hóa thinh không lại là một cuốn sách đặc biệt khi nó là khoảnh khắc đối diện cái chết của người viết trong cả vai trò bác sĩ lẫn bệnh nhân. Cuốn hồi ký được bác sĩ thần kinh Paul Kalanithi viết khi căn bệnh ung thư trở nặng, anh ngồi trên xe lăn và nhớ về những tháng ngày cống hiến cho ngành y.