1. Người phụ nữ có hành trình bay đơn vào vũ trụ dài nhất là ai?
Theo Washington Post, Christina Koch gia nhập phi hành đoàn của NASA từ năm 2013. Đến tháng 10/2019, bà đã thực hiện chuyến bay ngoài không gian để sửa một bộ sạc bị lỗi. Cụ thể, bà đã trải qua 328 ngày trong không gian, trong đó có 6 lần đi bộ, 42 giờ 15 phút bên ngoài nhà ga. Điều này đã giúp nữ phi hành gia lập kỷ lục, trở thành người phụ nữ có hành trình bay đơn vào vũ trụ dài nhất thế giới. Kỷ lục trước đó được thiết lập vào năm 2017 bởi Peggy Whitson, người đã dành 288 ngày trong không gian để thực hiện một nhiệm vụ duy nhất. Ảnh: CNBC. |
2. Người phụ nữ da màu đầu tiên bay vào vũ trụ là ai?
Mae Jemison là người phụ nữ Mỹ gốc Phi đầu tiên bay vào vũ trụ. Theo Biography, Mae Jemison từng là một bác sĩ. Tháng 6/1987, bà được nhận vào chương trình đào tạo phi hành gia của NASA. Tháng 9/1992, trên tàu vũ trụ Endeavour, bà cùng 6 phi hành gia khác bay vào không gian. Trong 8 ngày thực hiện nhiệm vụ, Jemison đã tiến hành các thí nghiệm về tình trạng không trọng lực và chứng say tàu. Đến nay, bà vẫn là người truyền cảm hứng làm khoa học cho hàng nghìn người phụ nữ khác. Ảnh: NASA. |
3. Nữ phi hành gia Peggy Whitson đã đạt được kỷ lục nào?
Trong hơn 30 năm làm việc tại NASA, Peggy Whitson đã làm việc ở nhiều vị trí, nhiệm vụ khác nhau và đạt được hàng loạt kỷ lục. Tháng 10/2008, bà trở thành nữ chỉ huy đầu tiên của Trạm vũ trụ Quốc tế (ISS). Theo NASA, tính đến tháng 5/2017, bà đã thực hiện chuyến đi bộ ngoài không gian lần thứ 10, trở thành nữ phi hành gia có nhiều lần đi bộ nhất. Đến tháng 11/2016, ở tuổi 56, bà là nữ phi hành gia lớn tuổi nhất bay vào vũ trụ, đồng thời là người phụ nữ đầu tiên đảm nhiệm vị trí chỉ huy Trạm vũ trụ Quốc tế hai lần. Ảnh: Guinness World Records. |
4. Nữ kỹ sư đầu tiên của NASA là ai?
Năm 1939, Kitty O’Brien Joyner gia nhập NACA, tiền thân của NASA, trở thành nữ kỹ sư đầu tiên của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ. Ngoài ra, bà cũng là người phụ nữ đầu tiên tốt nghiệp chương trình đào tạo kỹ sư của Đại học Virginia, Mỹ. Trong 32 năm làm việc tại NASA, Joyner đã làm các nghiên cứu về thiết kế tàu không gian, quản lý đường hầm gió, đường hầm gió siêu thanh... Sau nhiều năm làm việc, bà được bổ nhiệm làm Trưởng Chi nhánh Dự toán Chi phí Cơ sở vật chất. Đến năm 1971, nữ kỹ sư rời NASA. Ảnh: Next Magazine. |
5. Người phụ nữ được mệnh danh "Mẹ đẻ của Hubble" là ai?
Kính viễn vọng không gian Hubble là một sản phẩm nổi bật của NASA. Đây là kính viễn vọng lớn và mạnh nhất được phóng vào vũ trụ tính đến thời điểm hiện tại. Năm 1946, nhà thiên văn học Lyman Spitzer đề xuất ý tưởng về kính viễn vọng quay quanh Trái Đất. Tuy nhiên, đến năm 1960, Nancy Roman mới chính thức đưa ra đề án nghiên cứu, thiết kế và ứng dụng kính viễn vọng Hubble. Vì thế, bà được ưu ái gọi với cái tên "Mẹ đẻ của Hubble". Trong sự nghiệp, Nancy Roman đã có nhiều khám phá quan trọng cho khoa học vũ trụ. Đặc biệt, bà là người phát hiện những ngôi sao hình thành từ hydro và heli chuyển động nhanh hơn những ngôi sao có cấu tạo từ các nguyên tố nặng. Ảnh: NASA. |
6. Có bao nhiêu phụ nữ của NASA từng bay vào vũ trụ?
Theo thống kê mới nhất của NASA, tính đến tháng 3/2021, có 65 phụ nữ làm việc tại NASA từng bay vào vũ trụ, trong đó có phi hành gia, chuyên gia tải trọng và các thành viên thuộc trạm vũ trụ. Người phụ nữ đầu tiên bay vào không gian là nữ phi hành gia người Nga Valentina Tereshkova. Bà thực hiện nhiệm vụ vào tháng 6/1963, trên chuyến bay Chayka trên tàu Vostok 6. Ảnh: NASA. |