Coralie Charriol là nhà lãnh đạo nữ hiếm hoi trong lĩnh vực đồng hồ. Ảnh: The New York Times. |
Từ tay đua trên đường băng trở thành Giám đốc điều hành thương hiệu đồng hồ, Coralie Charriol là nhà lãnh đạo nữ hiếm hoi trong lĩnh vực này. Coralie trở thành người đứng đầu nhãn hàng Charriol từ sau khi cha cô mất vào năm 2019.
Làm việc trong thế giới vốn bị cho là chỉ dành cho đấng mày râu, cô gặp nhiều khó khăn, thử thách. Theo The New York Times, Coralie Charriol đang tập trung phục vụ nhóm khách hàng nữ giới và Gen Z. Đây là nỗ lực của cô trong việc loại bỏ định kiến giới tính và tuổi tác trong ngành hàng đồng hồ.
Tiếp quản công việc kinh doanh của thương hiệu đồng hồ cao cấp Charriol, Coralie Charriol phải vượt qua cái bóng của cha cô. Ảnh: The New York Times. |
Từ tay đua đường băng đến nữ lãnh đạo thương hiệu đồng hồ
Xuất thân từ một vận động viên đua xe trên băng, Coralie Charriol quen thuộc với sự mạo hiểm của những chiếc xe hơi không có bánh răng, tháo phanh.
Bản lĩnh này giúp cô xác định phong cách lãnh đạo trong ngành hàng đồng hồ do nam giới thống trị.
Thương hiệu Charriol được thành lập bởi cha cô, Philippe Charriol, từ năm 1983. Trước đó, ông đã có kinh nghiệm 15 năm làm việc với Cartier. Đây là nhãn hàng xa xỉ bậc trung, theo tiêu chuẩn của ngành đồng hồ Thụy Sỹ. Charriol nổi tiếng với họa tiết Celtic trên dây đeo phụ kiện.
Bắt đầu làm việc tại đây từ năm 2000 khi mới 23 tuổi, Coralie Charriol đang nỗ lực phát triển dòng sản phẩm dành cho nữ giới, tập trung phục vụ người dùng nữ.
“Tôi đã ở trong thế giới của đàn ông một thời gian dài, bắt đầu với môn thể thao đua xe trên băng. Tôi đam mê tốc độ và lấy cảm hứng từ cha mình”, Coralie chia sẻ với The New York Times.
Thừa kế vị trí của cha, nhà lãnh đạo mới của Charriol cảm thấy căng thẳng, đối mặt với áp lực vượt qua cái bóng lớn mà ông Philippe Charriol để lại. Tiếp quản công việc kinh doanh trong giai đoạn đại dịch Covid-19 hoành hành, cô dành toàn bộ tâm sức lãnh đạo doanh nghiệp vượt qua thời kỳ khó khăn.
Stephanie Phair, chủ tịch tập đoàn Farfetch - nền tảng mua sắm trực tuyến, cho biết doanh số bán hàng của Charriol đang tăng trưởng mạnh. Ngoài sàn thương mại điện tử, đồng hồ và trang sức của thương hiệu cũng được bày bán tại 208 cửa hàng trên toàn thế giới.
Mẫu đồng hồ St. Tropez được Coralie Charriol tái thiết kế cho người dùng nữ, nhằm chinh phục nhóm khách hàng này. Ảnh: The New York Times. |
Loại bỏ định kiến giới tính và tuổi tác
Ngay khi kế thừa vị trí lãnh đạo từ cha, Coralie tái thiết kế đồng hồ dành cho nữ St. Tropez, làm cho khung bezel và dây đeo mỏng hơn. Sản phẩm này có giá trị khoảng 1.384 USD đến 3.209 USD, tùy thuộc vào chất liệu.
Cô cũng lên kế hoạch giới thiệu 2 bộ sưu tập mới của thương hiệu tại triển lãm Đồng hồ và Kỳ quan tại Geneva (Thụy Sỹ) vào mùa xuân năm nay. 2 mẫu phụ kiện được trình làng tại sự kiện này là đồng hồ lặn St. Tropez Surf và St. Tropez Cruise.
“Thông thường, các nhà sản xuất giới thiệu đồng hồ thể thao cho nam giới trước, sau đó ra mắt phiên bản dành cho phụ nữ. Tôi quyết định làm điều ngược lại”, Coralie Charriol cho biết.
Các số liệu trong ngành hàng đồng hồ chỉ ra rằng sản phẩm của thương hiệu này có sức hấp dẫn lớn đối với người dùng nữ.
Dưới sự lãnh đạo của Coralie, nhãn hàng đã sản xuất một mẫu dây đeo cho đồng hồ thông minh Apple Watch nhằm thu hút khách hàng Gen Z. Được giới thiệu vào tháng 8/2022, màn kết hợp này đã góp phần kéo người tiêu dùng trẻ vào thế giới phụ kiện cao cấp.
Hiện nay, thị trường đồng hồ đang chứng kiến sự lên ngôi của những sản phẩm sở hữu chức năng phức tạp. Tính năng bấm giờ, sắp xếp chuyến du lịch, tính tuần trăng được tích hợp vào các mẫu phụ kiện dành cho nam giới.
“Phụ nữ không thích những tính năng phức tạp, khiến họ gặp khó khăn trong quá trình xem đồng hồ. Tôi muốn tiên phong giải thích cho họ khi khiến các chức năng này trở nên dễ tiếp cận và hấp dẫn hơn”, Coralie Charriol nói.
Để chứng minh cho phát ngôn này, nữ lãnh đạo đã giới thiệu phiên bản thạch anh GMT của mẫu đồng hồ St. Tropez Surf. Đây là sản phẩm được nhiều khách hàng nữ của thương hiệu săn lùng, đặt mua ngay khi vừa được chào bán.
Sự bất công với phụ nữ luôn ẩn mình trong xã hội hiện đại
Khi nghiên cứu về nhiều mặt của đời sống như: Giao thông, y tế, giáo dục, phúc lợi xã hội… phần lớn dữ liệu được thu thập từ nam giới, hoặc không phân biệt giới tính khi tiến hành khảo sát. Từ đó các nhu cầu của phụ nữ không được quan tâm đúng mức. Cuốn sách Phụ nữ vô hình của tác giả Caroline Criado Perez mang đến cho người đọc một cái nhìn khác về bình đẳng giới. Bình đẳng không nằm ở việc đặt hai giới ngang nhau khi suy xét một vấn đề cụ thể. Sự công bằng đến từ việc nhìn nhận một cách đúng đắn về các hạn chế của phụ nữ từ đó giúp họ thể hiện hết khả năng của mình và không bị tụt lại phía sau.