Ngày 22/10, Công an huyện Chương Mỹ (Hà Nội) cho biết, một người phụ nữ trên địa bàn đã bị chiếm đoạt 500 triệu đồng khi cài đặt phần mềm dịch vụ công giả mạo.
Cụ thể, vào ngày 16/10, chị H. (SN 1989, ở huyện Chương Mỹ) có nhận được cuộc gọi của đối tượng thông báo tài khoản VNeID của con trai chị chưa được kích hoạt mức 2.
Đối tượng hướng dẫn chị cài đặt phần mềm dịch vụ công giả mạo, chụp ảnh căn cước công dân, xác thực khuôn mặt, quét mã QR...
Sau khi làm theo đối tượng, chị H. phát hiện tài khoản ngân hàng bị chuyển mất 500 triệu đồng nên đã đến cơ quan công an trình báo.
Để phòng tránh lừa đảo, Công an TP Hà Nội đề nghị người dân cảnh giác trước thủ đoạn trên. Việc kích hoạt định danh điện tử mức 2 phải được thực hiện tại trụ sở công an xã, phường, thị trấn hoặc nơi làm thủ tục cấp thẻ căn cước chứ không làm online.
Người dân tuyệt đối không thực hiện theo yêu cầu từ các cuộc gọi lạ tự xưng cơ quan nhà nước, công an; không cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản, mã OTP... cho người lạ, tránh sập bẫy lừa đảo của tội phạm. Nếu người dân cài đặt phần mềm giả mạo thì sẽ có nguy cơ bị chiếm quyền điều khiển toàn bộ điện thoại.
Khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần kịp thời trình báo cơ quan công an để ngăn chặn và xử lý theo quy định của pháp luật.
Sách về Pháp luật
Cuốn sách "Công tác thi hành án hình sự thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã" giới thiệu phạm vi nghiên cứu về 3 vấn đề: Thi hành án treo, thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ và áp dụng biện pháp tái hòa nhập cộng đồng tại địa phương. Cuốn sách đánh giá toàn diện cơ sở pháp lý về thi hành án hình sự, trọng tâm là về hình phạt và trách nhiệm của UBND cấp xã.