Nghe chuyện Hồ Tiến Nam trở thành người Rục ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) đầu tiên làm thầy giáo, tôi đã vượt hàng trăm cây số lên với núi rừng Trường Sơn để gặp anh. Đến trường tiểu học Yên Hợp, thầy hiệu trưởng Trần Thanh Bun dẫn tôi đến lớp học Nam đang dạy. Nhìn qua, tôi không tin vào mắt mình rằng chàng trai nhỏ bé, có nước da ngăm đen, tóc xoăn đang đứng trên bục giảng kia là thầy giáo. Thấy tôi có vẻ nghi ngờ, thầy Bun liền nói ngay: “Nam đó, cậu ấy là giáo viên mới về trường hơn tháng nay rồi. Cậu ấy chính là người Rục đầu tiên làm thầy giáo đó”.
Đôi chân không mỏi
Để có được ngày hôm nay, Hồ Tiến Nam đã trải qua một tuổi thơ đầy cơ cực. Nhà có tám anh chị em, Nam là con thứ bảy trong gia đình nghèo. Trước năm 1959, ông bà và bố mẹ Nam còn ở trong hang đá. Sau đó bộ đội biên phòng phát hiện và đưa những người “con út” về với thế giới văn minh.
Khi được giáo viên vận động đến lớp, Nam cũng theo bạn đi học cho vui. Nhưng không ngờ cậu bé nhỏ con ấy lại ham học đến lạ. Không lâu sau, Nam đã biết đọc, biết viết rồi nói tiếng Kinh thành thạo. Được thầy cô dạy bảo, anh đã sớm nhận thức rằng: chỉ có học được cái chữ mới hi vọng thoát nghèo. Từ suy nghĩ đó, Nam càng quyết tâm học hành.
Trong ba năm đầu học tại trường tiểu học Yên Hợp, Nam luôn dẫn đầu lớp về thành tích học tập. Xong học kỳ 1 năm lớp 3, anh phải băng rừng vượt suối trên con đường Huynh Đệ về Trường dân tộc nội trú huyện học.
Anh nhớ lại: “Ngày đó đường đi lại khó khăn vất vả lắm. Những lần đầu “hạ sơn” về trường còn có bạn và người lớn đi cùng nên đỡ sợ. Do đi lại vất vả quá nên các bạn bỏ học dần, nhiều khi đi một mình nhưng em cũng quyết tâm đến trường bằng được. Có lần từ nhà đến trường, bố mẹ không có tiền nên em phải gùi theo ít củ sắn ra chợ Trung Hóa bán lấy tiền đi xe ôm. Nhiều lần không bán được sắn, em phải đi bộ về xuôi luôn”. Gần bảy năm trôi qua, đôi chân bé nhỏ, đen nhẻm của anh vẫn bền bỉ như một con sóc trên con đường mòn xuyên qua những cánh rừng già, những con suối sâu thẳm. Cũng chừng ấy thời gian, Nam đi mòn không biết bao nhiêu đôi dép mà anh không thể nhớ nổi.
Niềm tự hào của bản làng
Học xong cấp II, Nam tiếp tục học cấp III ở trường THPT dân tộc nội trú tỉnh. Ba năm sau, Nam được tuyển vào trường ĐH Quảng Bình chuyên ngành sư phạm tiểu học. Sau năm năm dùi mài kinh sử, năm 2013 Nam đã tốt nghiệp ĐH với tấm bằng loại khá. Đúng ngày 10/10, Nam nhận được quyết định phân công về trường tiểu học Yên Hợp công tác.
Nam tâm sự: “Mình rất vui khi trở thành người Rục đầu tiên làm thầy giáo. Lúc cầm quyết định trên tay, mình mừng đến phát khóc. Để có được ngày hôm nay là nhờ công lao dạy bảo, yêu thương hết mực của thầy cô giáo, đó là những người mà trọn đời mình luôn mang ơn”. Trưởng bản Cao Ngọc Hà tự hào nói: “Sự kiện Hồ Tiến Nam làm thầy giáo là cả một niềm tự hào rất lớn của bản làng miềng đó. Miềng sẽ vận động con cháu trong bản phải noi gương Nam mà phấn đấu học hành. Nhìn Nam nhỏ con rứa nhưng rất chăm chỉ, chịu thương chịu khó lại có hiếu với cha mẹ”.
Gia đình Nam rất nghèo, bố mẹ năm nay đã ngoài 70 tuổi. Suốt cuộc đời họ sống với nhau hòa thuận trong gian khó, cùng chung lưng đấu cật nuôi con khôn lớn. Hồ Tiến Nam nói: “Bố mẹ già cả lại thường xuyên đau ốm. Vậy nên mình sẽ cố gắng làm việc thật tốt để có tiền nuôi dưỡng bố mẹ, báo hiếu công sinh thành”.
Nhìn Hồ Tiến Nam trên bục giảng viết những dòng chữ thẳng hàng, đến từng học sinh trong lớp nắn nót những con chữ, phép tính cho học trò khiến tôi không khỏi xúc động. Em Hồ Thị Ánh, một học sinh, bộc bạch: “Thầy Nam là người trong bản nên cháu thấy rất gần gũi. Thầy rất yêu thương học trò nên mỗi lần cháu và các bạn trong bản chưa hiểu bài thì thầy đến nhà dạy tiếp”.