Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người sống trong nhà di động vật lộn với giá xăng tăng

Để tiếp tục xê dịch, họ phải ở lại các điểm đến lâu hơn, dùng ứng dụng theo dõi giá xăng và đăng ký thẻ thanh toán nhiên liệu nhằm cắt giảm chi phí.

Tháng 2 năm ngoái, Britt Ruggiero (30 tuổi) và Justin Giuffrida (29 tuổi) mua xe buýt chở học sinh để hoán cải thành nhà di động. Họ đã đính hôn và mới theo đuổi lối sống du mục trên xe van.

Thời điểm đó, giá dầu diesel ở quê hương Colorado của hai người là khoảng 3 USD/gallon (gần 3,8 l) - bằng với mức trung bình trên toàn nước Mỹ.

Bên trong xe, Ruggiero và Giuffrida thiết kế bếp, nhà tắm, phòng ngủ, đồng thời lắp đặt hệ thống ống nước và năng lượng mặt trời.

Cặp đôi lên kế hoạch cho chuyến đi xuyên Mỹ kéo dài một năm: Tới Florida đầu tiên, sau đó đi về phía bắc đến Long Island, rồi khám phá California trước khi quay trở lại khu vực Đông Nam vào kỳ nghỉ đông.

Hai người khởi hành vào tháng 3 nhưng nhanh chóng nhận ra rằng giá xăng tăng chóng mặt, theo The New York Times.

Cuoc song tren xe van anh 1

Brittany Ruggiero và Justin Giuffrida bên trong chiếc xe buýt trường học đã được hoán cải của họ.

“Khi tới Florida, chúng tôi như bị tát vào mặt. Chúng tôi ước tính tiền đổ nhiên liệu khoảng 200 USD nhưng thực tế là 300 USD”, Giuffrida nói.

Chỉ riêng chuyến đi đầu tiên của họ đã tiêu tốn gần 2.000 USD cho nhiên liệu.

Không ngừng tăng

Giữa tháng 3, một gallon dầu diesel có giá trung bình 5,25 USD và không ngừng tăng. Tuần này, con số lên tới 5,72 USD/gallon, trong khi giá xăng không pha chì khoảng 5 USD/gallon. Đây là mức giá trung bình cao nhất từng được ghi nhận, theo tập đoàn ôtô AAA.

Ruggiero và Giuffrida hiện dừng chân ở Santa Cruz, California. Để đối phó với giá xăng dầu tăng, họ phải thay đổi lộ trình, dành nhiều thời gian hơn ở mỗi điểm đến và cắt bỏ một số nơi tham quan.

Giống như cặp đôi, nhiều người chọn cuộc sống trên xe van đang thích ứng bằng cách cắt giảm chi phí. Ngoài nán lại các điểm đến lâu hơn, họ dùng ứng dụng theo dõi xăng và đăng ký thẻ thanh toán nhiên liệu để tiếp tục cuộc sống xê dịch.

Jupiter Estrada (28 tuổi, đến từ tiểu bang Texas) lên đường rong ruổi trên chiếc RV của mình từ năm 2020 và không có kế hoạch định cư.

“Xăng dầu rất đắt. Nhưng tôi đang ở nơi khá ổn và có thể dừng lại bất cứ đâu mình muốn”, anh nói.

Cuoc song tren xe van anh 2

Sau khi loại bỏ nội thất của xe buýt, Ruggiero và Giuffrida làm bếp, khu vực sinh hoạt, nhà tắm, phòng ngủ, đồng thời lắp đặt hệ thống ống nước và năng lượng mặt trời.

Số lượng người lấy xe van làm nhà ở Mỹ không được thống kê rõ ràng. Tuy nhiên, xu hướng này bùng nổ vào năm 2020 nhờ giá xăng thấp và Covid-19 khiến mọi người cân nhắc về phương tiện đi lại khi chuyển sang làm việc từ xa.

Nhưng trước khi Covid-19 bùng phát ở Mỹ, hashtag #vanlife trên mạng xã hội đã gắn với hàng loạt bức ảnh “sống ảo” từ những người chọn sống và làm việc từ xa trên xe tải van, buýt và RV được hoán cải. Dù trông có vẻ hào nhoáng, họ phải đối mặt với nhiều thách thức như tìm nơi đậu xe miễn phí hoặc giá rẻ vào ban đêm; chia sẻ không gian sống chật chội với bạn đời và thú cưng; tìm kiếm vòi sen hoặc nhà vệ sinh công cộng.

Năm 2018, Chris Kochan (31 tuổi) và bạn gái Sarah Shaeffer (26 tuổi) lập trang web riêng, nơi mọi người có thể mua bán xe buýt đã qua sử dụng cũng như chia sẻ mẹo cải tạo phương tiện, sau khi mua xe buýt chở học sinh vào để khám quê hương Wisconsin.

Ngay cả khi giá xăng tăng cao và nhiều người quay trở lại văn phòng hơn, họ cho biết trang web vẫn tiếp tục phổ biến, tăng 200% lưu lượng truy cập trong quý đầu tiên của năm nay so với cùng kỳ 2021.

“Chúng tôi thấy sự gia tăng số người hỏi về mức tiêu hao nhiên liệu của các loại xe buýt khác nhau cũng như chi phí sinh hoạt của lối sống trên loại phương tiện này. Điều đó không làm giảm hứng thú với lối sống du mục trên xe buýt chở học sinh được hoán cải”, Kochan nói.

Cuoc song tren xe van anh 3

Xu hướng sống và đi du lịch trên xe van bắt đầu vào năm 2020, khi giá khí đốt thấp và đại dịch Covid-19 bùng phát.

Ngoài xe buýt trường học, xe tải cắm trại và RV là những lựa chọn phổ biến để sống rong ruổi. Mặc dù loại nhiên liệu có thể khác nhau tùy theo loại xe và kiểu dáng, phần lớn xe buýt đường trường chạy bằng nhiên liệu diesel, thường đắt hơn xăng không pha chì.

Xe tải cắm trại giá 100.000-200.000 USD (chưa hoán cải) có khả năng tiết kiệm xăng tốt nhất, khoảng 32-48 km/gallon, trong khi xe buýt trường học và RV là 13-24 km/gallon.

Ngoài chi phí nhiên liệu, những tiện nghi như hệ thống ống nước và sưởi ấm có thể làm tăng thêm hàng nghìn USD chi phí chuyển đổi. Kochan và Shaeffer đã chi hơn 4.500 USD để lắp thêm bếp củi, lò đốt khí propan, bể chứa nước và nhà vệ sinh cho xe của họ.

Ruggiero và Giuffrida bỏ 4.500 USD mua xe buýt nhưng tốn 25.000 USD cho việc hoán cải.

Ruggiero cho biết giá xăng được cân nhắc, nhưng họ không nghĩ rằng nó sẽ là vấn đề lớn. Ở Colorado, họ cần khoảng 2.000 USD/tháng cho chi phí sinh hoạt.

“Chúng tôi thường đi du lịch khắp nơi vào cuối tuần nhưng giá xăng chưa bao giờ tăng vọt như bây giờ. Mọi thứ đã hoàn toàn thay đổi”, cô nói.

Đi chậm lại

Trong khi nhiều người lấy xe van làm nhà tránh các tiểu bang có nhiên liệu đắt đỏ nhất như California, Nevada và Illinois, số khác lựa chọn tiết kiệm tiền bằng cách đậu xe ở một chỗ trong nhiều tháng, làm việc theo hợp đồng tự do và chờ giá nhiên liệu hạ nhiệt.

Berkeley Martinez (29 tuổi) và Monica Ourada (26 tuổi) dừng xe tải van của họ ở thành phố Bellingham, Washington từ tháng 12 năm ngoái.

“Chúng tôi không định ở lại lâu lắm, nhưng giá xăng đột ngột tăng vọt lên khoảng 5 USD/gallon. Đã nửa năm trôi qua”, Martinez cho biết.

Cặp đôi dự định tiếp tục đậu xe suốt mùa hè để tránh mùa du lịch đắt đỏ và đông đúc trong năm, đồng thời hy vọng tháng 9 giá xăng sẽ giảm.

“Mục tiêu của chúng tôi là rời đi sau Ngày Lao động 5/9. Nếu giá xăng là 4 USD hoặc thấp hơn, chúng tôi có thể đi nhanh hơn một chút và ở 4-5 ngày tại một điểm. Nếu giá cả không hạ nhiệt, chúng tôi có thể khám phá mỗi nơi trong 1-2 tháng”, Ourada nói.

Cuoc song tren xe van anh 4

Ruggiero và Giuffrida chi 4.500 USD mua xe buýt và thêm 25.000 USD cho việc hoán cải.

Navod Ahmir (28 tuổi) chọn lái xe chậm hơn. Năm ngoái, anh nhận được công việc cho phép làm việc từ xa trong khi lái xe từ quê hương North Carolina đến California. Giờ đây, thách thức mà anh phải đối mặt là lập ngân sách cho chuyến đi xuyên quốc gia.

“Tôi vừa đến California, giá xăng ở Bờ biển phía Đông cũng vậy. Nhưng khi quay về, tôi tính đi chậm hơn để tiết kiệm tiền. Thông thường, tôi lái xe qua một tiểu bang trong 2-3 ngày, sau đó dành một hôm ở đó trước khi tiếp tục. Giờ tôi xem xét ở lại mỗi tiểu bang trong 2-3 tuần”.

Jupiter Estrada (28 tuổi), người sáng tạo nội dung đến từ Texas, đi vòng quanh New Mexico, Colorado, Arizona, California và Baja, Mexico, kể từ năm 2020.

“Trước đây, tôi mất 150 USD để đổ đầy bình xăng chiếc RV mới của mình và giờ lên tới 250 USD. Tôi ở Utah vài tuần trước và giá xăng khoảng 4,80 USD. Tôi thấy tiếc tiền khi băng qua biên giới Colorado và nhìn thấy xăng có giá 3,89 USD”.

Estrada cũng bắt đầu tải các ứng dụng để lập kế hoạch tuyến đường.

Khí thải carbon dioxide từ các phương tiện chạy bằng động cơ diesel hoặc xăng gây biến đổi khí hậu và các hạt vật chất nhỏ từ ống xả thải có tác động tiêu cực đến sức khỏe con người. Tuy nhiên, những người đang tìm kiếm các giải pháp thay thế nhiên liệu sạch hơn có thể không gặp may.

Cuoc song tren xe van anh 5

Ngoài chi phí nhiên liệu, hệ thống ống nước, sưởi và điện có thể làm tăng thêm hàng nghìn USD chi phí hoán cải phương tiện thành nhà di động.

Rob Novotny là người sáng lập và chủ sở hữu của Glampervan - công ty sản xuất xe tải tùy chỉnh ở Oakland, California. Ông cho biết khách du lịch có thể được hưởng lợi từ các lựa chọn xe tải điện tốt hơn nhưng pin hiện tại quá hạn chế.

“Nếu có xe tải điện với tầm hoạt động ngắn, bạn có thể gặp rắc rối, đặc biệt khi ở giữa Thung lũng Chết vì chỉ có 3 trạm sạc Tesla ở đó”.

Ahmir nằm trong số người vẫn gắn bó với sự tự do và cơ hội mà lối sống du mục mang lại, bất chấp nhiên liệu đắt đỏ.

“Trước khi đại dịch bùng phát, tôi không đi xa khỏi các bang lân cận. Cuộc sống mới đã mở ra rất nhiều cánh cửa để làm nhiều công việc khác nhau và bất cứ khi nào tôi muốn”.

Lối sống xa xỉ của nhiều người trẻ Mỹ đến hồi kết

Sự biến mất của các ưu đãi, mã giảm giá từ ứng dụng gọi xe, giao đồ ăn khiến chi phí sinh hoạt ở những thành phố lớn tại Mỹ tăng chóng mặt.

Thiên Nhi

Ảnh: Jason Henry

Bạn có thể quan tâm