Tối 16/9, lễ hội âm nhạc điện tử ở Công viên hồ Tây (quận Tây Hồ, Hà Nội) náo loạn khi có nhiều người ngất xỉu nghi do sử dụng chất kích thích. Các nạn nhân được đưa đi viện ngay sau đó.
Đến sáng 17/9, cơ quan chức năng xác định 7 người tử vong và 5 người trong tình trạng hôn mê. Toàn bộ nạn nhân trên đều dương tính với ma túy đá, cần sa, thuốc lắc.
Khám nghiệm hiện trường khu vực tổ chức đêm nhạc hội, công an phát hiện có nhiều “bóng cười” và một số vật chất nghi ma túy.
"Bóng cười" được phát hiện tại không gian đêm nhạc hội có 7 người chết. Ảnh: H.Hằng. |
Sau khi vụ việc nghiêm trọng xảy ra, nhiều người đặt câu hỏi về trách nhiệm của cơ quan chức năng khi để giới trẻ tham gia đêm nhạc hội mang theo cả các chất cấm sử dụng.
Tuy nhiên, không ít người thắc mắc, liệu những thanh niên đã sử dụng trái phép chất ma túy trong đêm hội sẽ bị xử lý thế nào?
Trao đổi với Zing.vn, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội) cho hay cá nhân sử dụng trái phép các chất ma túy theo pháp luật hình sự hiện hành, không còn bị coi là tội phạm.
Trước đó, theo Bộ luật Hình sự 1999, người sử dụng ma túy dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm; nếu tái phạm có thể lĩnh án tù đến 5 năm.
Ngoài ra, người góp tiền để mua ma túy sử dụng chung hoặc bỏ tiền mua hàng cấm cho những người khác sử dụng cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tang vật gồm ma túy dạng đá, thuốc lắc, hồng phiến bị Công an Hà Nội phát hiện. Ảnh: Hoàng Lam. |
Theo luật sư, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2018) không coi hành vi đó là tội phạm. Theo luật mới, người sử dụng trái phép chất ma túy sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà chỉ bị xử phạt hành chính.
Cụ thể, căn cứ Điều 21, Nghị định 167 ngày 12/11/2013, hành vi sử dụng trái phép chất ma túy bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.
Đối với người sử dụng ma túy, Luật phòng, chống ma túy (sửa đổi bổ sung 2008) quy định việc đưa họ vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong thời hạn từ 1 - 2 năm.
Phạm vi áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc là cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên, đã được giáo dục tại địa phương mà vẫn còn nghiện hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú ổn định.