Từ khi chuyển sang làm trợ lý MC hơn một năm nay, khái niệm “nghỉ lễ” từ lâu đã không còn trong suy nghĩ của Phương Trinh (22 tuổi, quận 7).
Bất cứ lúc nào sếp có lịch dẫn chương trình, Trinh đều phải gạt kế hoạch cá nhân để đi làm. Kỳ nghỉ 30/4 và 1/5 cũng không ngoại lệ.
“Lịch trình của sếp mình luôn thay đổi đột xuất nên khi được gọi là mình phải có mặt ngay. Mấy đợt trước mình cũng xếp lịch đi chơi nhưng mà sau vài lần hủy kèo như vậy, mình rút kinh nghiệm tổ chức ăn uống ở nhà với gia đình cho gọn”, Trinh chia sẻ.
Không chỉ riêng Phương Trinh, khá nhiều bạn trẻ cũng chọn đi làm xuyên lễ hoặc tranh thủ những ngày nghỉ để hoàn thành nốt công việc còn tồn đọng. Mặt khác, với nhiều người, dịp lễ là cơ hội giúp họ kiếm được khoản tiền cao hơn gấp hai, gấp ba lần so với ngày thường.
Phương Trinh phải đi làm kể cả ngày nghỉ. Ảnh: NVCC. |
Tranh thủ làm xong việc
Lan Chi (20 tuổi, quận 6, TP.HCM) làm nhân viên thiết kế đồ họa khoảng 2 năm. Cứ mỗi lần đến dịp lễ, cô lại nhận được hàng loạt đơn đặt hàng của các nhãn hàng lớn nhỏ. Công việc thường ngày đã bận rộn đến mùa lễ còn căng thẳng hơn.
Mong muốn lớn nhất của Chi vào những ngày nghỉ là “không phải đụng đến laptop, không bị sếp kêu sửa file”.
Tháng trước, Chi và bạn bè đã chốt xong lịch đi Vũng Tàu 4 ngày. Nhưng càng gần đến ngày đi, cô vẫn làm không hết việc.
Nhiều bạn trẻ cho biết làm việc vào mùa lễ còn vất vả hơn ngày thường. Ảnh: Getty. |
“Khách hối liên tục, vừa gửi bản thảo cho bên này duyệt xong mình lại phải chuyển sang brief khác liền luôn. Ngày nào cũng thiết kế quần quật từ sáng đến tối muộn. Về nhà phải vật lộn với đồ án ở lớp, sửa brief, chuyển file. Đến giờ vẫn còn nhiều đơn chờ mình xử lý”, Chi nói.
Không biết phải làm thế nào, Chi đành hủy kèo đi chơi với nhóm bạn để ở nhà giải quyết cho xong công việc. “Mình cũng thấy có lỗi với đám bạn lắm nhưng không thể vừa đi chơi, vừa làm việc được, như thế mất vui lắm”, cô gái 20 tuổi nói thêm.
Cùng chung cảnh ngộ với Lan Chi, Việt Dũng (21 tuổi, sinh viên ĐH Kinh Tế TP.HCM), photographer tự do, cũng “sấp mặt” với lịch chụp cho khách. Trong dịp lễ 30/4 và 1/5, Dũng cùng ê-kíp ra Phú Quốc để chụp đám cưới 4 ngày.
“Thế là hết nghỉ lễ”, Dũng nói với Zing.
Dũng cho biết công việc của anh có chút ngược với mọi người. Thường những ngày nghỉ như cuối tuần, dịp lễ là lúc Dũng bận rộn nhất. “Vì lúc đó khách mới rảnh để chụp, còn ngày thường thì họ đi làm, sắp xếp công việc cũng khó lắm”, Dũng giải thích thêm.
Vì tính chất công việc, Việt Dũng thường xuyên phải đi làm vào dịp lễ. Ảnh: NVCC. |
Cũng vì vậy mà những lần bạn bè rủ đi chơi, Dũng đều bận việc. Chàng trai 21 tuổi chia sẻ điều khiến anh ngại nhất khi chụp hình trong mùa lễ là đông người. Những ngày gần đây, khi theo dõi tình hình Covid-19 ở các nước láng giềng, Dũng e ngại dịch bệnh tại Việt Nam có thể bùng lại bất cứ lúc nào.
“Mình và mọi người trong ê-kíp luôn cảnh giác cao với Covid-19, thực hiện nghiêm túc biện pháp phòng, chống dịch như đeo khẩu trang, khai báo y tế để hạn chế nguy cơ lây nhiễm”, Dũng nói.
Kiếm thêm thu nhập
Dịp lễ là thời gian để giải lao, nghỉ ngơi sau những ngày học tập, làm việc áp lực. Thế nhưng, với nhiều bạn trẻ, thay vì đi du lịch, về quê hay ngủ bù, họ chọn đi làm vì lương nhân ba, nhân bốn.
Triệu Thiên (20 tuổi, Kiên Giang), sinh viên năm 2 Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, đã gắn bó với công việc part-time tại rạp chiếu phim được hơn một năm.
Thiên kể mỗi năm chỉ về quê vào Tết Nguyên đán, còn những dịp lễ khác đều tranh thủ đi làm kiếm tiền. Dù khá nhớ nhà, cậu vẫn ở lại thành phố vì điều kiện không cho phép. Mặt khác, Thiên muốn “cày thêm” để đỡ đần tiền sinh hoạt phí cho bố mẹ.
“Đăng ký trực rạp nguyên ngày là 14 tiếng, được trả 20.000 đồng/giờ. Vào những ngày lễ, nhân viên rạp chiếu phim sẽ được hỗ trợ thêm 30% lương, cộng thêm tiền phụ cấp làm nguyên ca, mỗi ngày mình nhận được 420.000 đồng. Làm cả mùa lễ là cũng đủ đóng tiền nhà”, Thiên nói.
Thấy bạn bè ai cũng háo hức về quê, Ngọc Ánh (20 tuổi, Đắk Lắk), nhân viên PG (viết tắt của Promotion Girl), cũng buồn vì nhớ gia đình.
Tuy nhiên, do giá vé dịp lễ tăng cao, lịch trình dày đặc, Ánh không thể về thăm bố mẹ trong đợt này.
Lương nhân ba, nhân bốn là lý do khiến nhiều bạn trẻ chọn đi làm xuyên lễ. Ảnh: NVCC. |
“Bình thường chỉ tốn 150.000 đồng mà nay đội lên tận 300.000 đồng. Thà ở lại đi làm mệt nhưng có tiền tự trang trải sinh hoạt phí, dư giả chút gửi về cho bố mẹ cũng cảm thấy vui vẻ và ý nghĩa”, Ánh chia sẻ.
Cô cho biết do lịch học trên trường nhiều nên ngày thường chỉ nhận ít show. Vào những dịp được nghỉ lâu và có nhiều sự kiện, cô mới tranh thủ nhận 2-3 show một ngày.
“Mình cũng thấy tủi thân khi mọi người đi chơi còn mình phải đi làm. Nhưng mình cũng không hủy show được. Chắc phải đợi dịp khác để về quê, chứ đợt này không được rồi”, Ánh nói.