Vừa trở về từ Hà Nội, ông Bùi Công Hiệp (62 tuổi, ngụ quận 9, TP.HCM) lại tất bật chuẩn bị trở lại Thủ đô. Ông nói những chuyến đi xa, ông không mệt mỏi mà chỉ nhớ hơn 100 đứa con của mình.
Từ lâu, ông được biết đến như một nhà thiện nguyện đặc biệt. Bởi, ông đã chuyển nhượng toàn bộ cơ ngơi trị giá hơn 100 tỷ đồng của mình cho những đứa trẻ có hoàn cảnh nghiệt ngã được ông nhận nuôi. Ông nói ông để lại số tài sản này cho các con của mình nên không hề luyến tiếc.
Ông Bùi Công Hiệp bên các bé tại cơ sở Bảo trợ trẻ em Thiên Thần. Ảnh: Nguyễn Sơn/VietNamNet. |
Chuyển nhượng cơ ngơi trăm tỷ cho trẻ cơ nhỡ
Ông chia sẻ: “Tôi đã ngoài 60 rồi, các bé nên gọi tôi bằng ông mới đúng. Nhưng tôi muốn các bé gọi tôi bằng bố để các bé thấy mình cũng có bố như bao đứa trẻ khác ngoài kia. Hơn thế, cách gọi này giúp tôi tự nhắc mình phải làm tròn trách nhiệm của một người bố đúng nghĩa đối với các con của mình”.
“Nghĩa là phải đùm bọc, dạy dỗ, lo lắng cho các con chứ không phải chỉ là quẳng tiền ra cho mấy cô bảo mẫu chăm lo còn họ đối xử với các bé thế nào thì không quan tâm. Đã là cha con, việc cha để lại tài sản cho con có gì lạ đâu. Tôi không hề luyến tiếc mà ngược lại còn rất hạnh phúc”, ông nói thêm.
Căn nhà 3 tầng mới được ông Hiệp xây thêm trong khuôn viên cơ sở Bảo trợ trẻ em Thiên Thần. Ảnh: Nguyễn Sơn/VietNamNet. |
Với tinh thần một người cha lo cho con, dù đã có tuổi và đứng đầu cơ sở Bảo trợ trẻ em Thiên Thần (quận 9, TP.HCM), ông vẫn ngày ngày tận tuỵ chăm sóc cho hơn 100 đứa trẻ. Một ngày của ông bắt đầu từ 4h30 sáng.
Đó là thời gian ông cùng nhân viên trong cơ sở thức dậy lo cho các bé. Cho các bé ăn xong, ông đôn đốc các con vệ sinh, thay quần áo rồi đưa con đi học. Chiều, ông lại lái xe đến trường đón các con về. Tối, ông lặng lẽ xem con học các môn năng khiếu rồi đợi các bé lên giường ngủ mới về phòng riêng chợp mắt.
Ông nói năm ngoái, cơ sở chỉ có 88 bé. Bây giờ, nơi đây đã trở thành mái nhà chung của 121 bé lớn, nhỏ. Không đành lòng để con sống trong cảnh nhà chật, đông người, ông quyết định xây thêm một ngôi nhà khang trang phía sau căn nhà cũ.
Căn nhà được xây dựng theo kiến trúc hiện đại, kiên cố cao 3 tầng, rộng 800 m2 với nhiều phòng lớn, nhỏ. Sảnh lớn căn nhà được ông để trống, không ngăn phòng. Nơi đây tập trung các lớp học năng khiếu, khu vui chơi của các bé.
Phía trước căn nhà khang trang là hồ bơi nước xanh biếc, được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc gia. Sau mỗi giờ học, các bé có thầy đến dạy bơi lội. Cuối tuần, nơi đây trở thành địa điểm vui chơi, diễn ra các trò chơi cảm giác mạnh của các bé.
Ông Hiệp giới thiệu hồ bơi theo chuẩn quốc gia được ông đầu tư làm nơi vui chơi, học tập kỹ năng bơi lội cho các bé. Ảnh: Nguyễn Sơn/VietNamNet. |
Ông Hiệp kể hai hạng mục công trình trên tiêu tốn của ông và gia đình trên 7 tỷ đồng. Không chỉ thế, khi quyết định đầu tư cơ sở vật chất hiện đại cho mái ấm Thiên Thần, ông vấp phải sự phản đối của người thân.
Ông nói: “Ban đầu, vợ tôi không đồng ý và cho rằng tôi quá phung phí khi đầu tư hồ bơi chuẩn quốc gia với giá trên 1,5 tỷ đồng. Tôi giải thích rằng đây là mình đầu tư cho con mình. Khi mình nghĩ các bé là con mình chứ không phải đang nuôi dùm người ta thì mình sẽ cảm thấy nhẹ nhàng”.
“Cha mẹ nào lại không muốn điều tốt nhất cho con. Sau này, khi bà ấy đến đây, các bé cứ nhao ra quấn quýt gọi 'Mẹ ơi, mẹ ơi', thế là bà thương các bé và đồng ý đầu tư. Gia đình tôi cũng vừa mua thêm hơn chục ha đất ở Lâm Đồng. Tôi dự định đến hè sẽ dẫn các bé đến đó trải nghiệm vừa mang tính giáo dục vừa để các con dã ngoại”, ông Hiệp kể thêm.
Bé gái tên Quỳnh cho biết bé rất yêu bố Hiệp “vì bố cho con đi học, mặc quần áo đẹp”. Ảnh: Nguyễn Sơn/VietNamNet. |
Cho con cả cuộc đời
Cơ sở mới và nhận thêm nhiều con, đặc biệt có các bé sơ sinh, ông Hiệp thông tin mình cũng phải thuê thêm bảo mẫu, giáo viên. Hiện nay, cơ sở có đến 15 bảo mẫu. Có trong tay cơ sở khang trang, ông Hiệp ngay lập tức tổ chức các lớp học năng khiếu, kỹ năng cho con ngay tại nhà.
Ông chia sẻ cơ sở đã ký hợp đồng với một tổ chức đào tạo âm nhạc uy tín bậc nhất Việt Nam để cho các bé tham dự, học các khóa học đàn piano, organ. Các lớp học này sẽ được tổ chức tại mái nhà chung của các bé .
“Ngoài ra, các con cũng được chúng tôi cho học lớp vi tính lập trình. Vì chưa có điều kiện mở lớp, mời thầy cô về dạy, tôi phải đưa các con đến quận 1 để học vi tính”, ông tiết lộ thêm.
Ông Hiệp nói rằng ông lặng lẽ thực hiện các công việc thiện nguyện nhưng vẫn được cộng đồng, chính quyền các cấp ghi nhận. Điều này khiến ông rất vui và hạnh phúc.
Ông tâm sự: “Tôi rất vui và trân trọng tấm lòng của bạn đọc, người dân, chính quyền các cấp, những ai đã tin tưởng việc làm của chúng tôi”.
“Từ sự trân trọng này, tôi luôn nghĩ mình sẽ cố gắng phấn đấu nhiều hơn nữa để chăm lo cho các con. Tôi đang ấp ủ nhiều dự án trong tương lai cho các con và vẫn đang cố gắng hoàn thiện”, ông chia sẻ thêm.
Một trong số đó là dự án huấn luyện cho các bé trở thành “những chú bộ đội nhỏ”. Dự án này đến nay, ông vẫn nỗ lực thực hiện. Ông luôn mong muốn khi lớn lên, các con của mình đều sẽ trở thành các cô, chú bộ đội.
“Tôi luôn tâm niệm, khi các con lớn lên phải thực hiện nghĩa vụ của mình đối với đất nước đã rồi mới tính đến chuyện phát triển nghề nghiệp…Thế nên, ngay từ lúc này, chúng tôi đã quan tâm việc rèn luyện kỷ luật, thể chất cho các con”, ông Hiệp chia sẻ.
Để rèn luyện thể lực, sức bền, các bé được huấn luyện kỹ năng leo dây, đu dây, trèo thang dây. Ảnh: Nguyễn Sơn/VietNamNet. |
Nói xong, ông dẫn chúng tôi ra sân xem các bé biểu diễn đu đây lên tầng cao. Từ trần nhà cách mặt đất 6 m, một sợi dây thừng được treo xuống chạm đất. Một cách nhẹ nhàng, các bé chỉ 5 tuổi đu sợi dây rồi trèo lên cho đến khi tay chạm trần nhà mới trèo trở xuống. Ông kể môn học này, bé gái chưa đầy 6 tuổi luôn là người dẫn đầu.
Ngoài ra, các bé cũng được huấn luyện đu dây vượt hồ bơi, kỹ năng lặn sâu, trượt dây cáp từ trên tầng 3 xuống mặt nước, trèo thang dây… Dù mới được huấn luyện ít tháng, các bé đã có thể biểu diễn một cách thuần thục, tự tin cho khách xem.
Ông nói: “Tôi huấn luyện các con như vậy để tăng sức dẻo dai, sức mạnh thể chất. Ngay từ khi còn rất nhỏ như thế này, các con đã được tôi đào tạo theo mô hình quân đội. Mỗi sáng, các con đều đi hành quân. Trong lúc hành quân, các bé đeo ba lô chứa gạo bên trong. Các bé ít tuổi thì đeo ba lô chứa 5 kg gạo, các bé lớn đeo 10 kg”.
“Nếu thời tiết tốt, các bé đi hành quân ở ngoài mái ấm, ngược lại, các bé sẽ đeo ba lô leo cầu thang trong nhà. Tôi rèn luyện các con theo phong cách quân đội như thế với hy vọng, khi các con ra đời, đầu tiên là chúng tự tin và tự giải quyết được các tình huống khó khăn. Sau nữa, các con có thể trở thành những người lính, quân nhân tốt khi được đào tạo bài bản hơn”, ông Hiệp nói.
Tại cơ sở bảo trợ, các bé được rèn luyện như bộ đội. Mỗi sáng, các em đều phải đeo ba lô chứa gạo bên trong để hành quân. Ảnh: Nguyễn Sơn/VietNamNet. |
Trao đổi thêm với PV, ông Hiệp tâm sự trong kế hoạch dài hơi của mình, ông sẽ cho xây một trường học gần mái ấm với chất lượng đào tạo theo chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, hiện nay, kế hoạch này vẫn chưa thể thực hiện bởi ông đã dành nhiều tâm, sức vào tòa nhà 3 tầng làm nơi cho các con ở, sinh hoạt.
Trong lúc trò chuyện với PV, không lúc nào ông không nhắc đến tương lai của các bé trong mái ấm. Ông nói nếu chỉ đơn thuần nuôi các bé, cho các bé sinh trưởng như một cái cây hoang thì đơn giản lắm.
Điều ông mong ước là khi lớn lên, các con phải là những con người tốt, công dân tốt, có ích cho xã hội. Để làm được điều này, ông chấp nhận đầu tư một cách khoa học cho các con từ tinh thần đến vật chất ngay từ lúc này.
Mới đây, ngày 27/11, ông vừa được Thủ tướng tặng bằng khen “Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng".