Hai mùa VietChallenge đã kết thúc thành công. Năm 2016, VietChallenge thu hút đông đảo tài năng kinh doanh trẻ tham gia. Ở vòng loại, gần 400 thí sinh từ 21 quốc gia gửi 82 hồ sơ về ý tưởng kinh doanh với nhiều lĩnh vực khác nhau như y tế, giáo dục, công nghệ...
Nhiều dự án đến với cuộc thi có sức hấp dẫn với nhà đầu tư tại Mỹ và Việt Nam. Một số dự án của bạn trẻ Việt được đánh giá có cơ hội vươn ra thế giới và được tài trợ để hiện thực hóa. Tháng 10 vừa qua, VietChallenge năm 2017 chính thức khởi động với nhiều điểm mới và quy mô hoành tráng hơn.
'Quý các cháu bác mới tài trợ'
Nhớ những ngày đầu gây dựng VietChallenge, Hiếu và bạn lo lắng đặt câu hỏi dự án có viển vông. Chàng trai sinh năm 1989 còn nhớ một doanh nhân Việt uy tín từng nói thẳng với cậu rằng: “Quý các cháu bác mới tài trợ, chứ chẳng doanh nghiệp nào hứng thú đâu”.
Câu nói rất thực và có phần phũ phàng của vị doanh nhân như cú thúc rất mạnh, rất đau nhưng cả nhóm không bỏ cuộc mà quyết định tập trung sức lực "làm đến cùng".
Bước sang năm thứ ba, VietChallenge trở thành cầu nối giúp cộng đồng khởi nghiệp trẻ Việt ở toàn cầu học hỏi, biến ý tưởng kinh doanh thành hiện thực.
“Thuyền trưởng” Trung Hiếu là người đưa VietChallenge vượt qua nhiều khó khăn. Xuất thân từ gia đình có truyền thống làm kinh doanh, bố mẹ chính là nguồn cảm hứng để chàng trai lựa chọn và quyết tâm theo đuổi ngành Quản trị Kinh doanh tại Đại học Suffolk, Mỹ (khóa 2011-2015).
Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh (thứ hai từ trái sang), Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Liên Hợp Quốc Nguyễn Phương Nga (thứ 4 từ trái sang) và Phan Võ Trung Hiếu (giữa) tại VietChallenge 2016. Ảnh: NVCC. |
Từng là hạt nhân Ban điều phối của Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Mỹ, Hiếu đã gặp nhiều anh chị, bạn bè và mời họ chung tay xây dựng mạng lưới liên kết các bạn trẻ Việt tại Mỹ.
VietChallenge cũng chính là “đứa con tinh thần” của 8X và những anh chị em cùng chí hướng trong việc tạo sân chơi giúp bạn trẻ đam mê kinh doanh gặp đúng người họ cần, mở rộng các mối quan hệ trong lĩnh vực kinh doanh và rút ngắn quãng đường khởi nghiệp.
Theo chàng trai "máu kinh doanh" này, khó khăn lớn nhất của nhóm là format cuộc thi. Với tính chất là cuộc thi khởi nghiệp được cho là đầu tiên hướng đến quy mô người Việt trẻ khắp thế giới, VietChallenge không bám theo mô hình mẫu nào.
Mặt khác, các thành viên ban tổ chức đều là những bạn trẻ đang học, đi làm cả ngày nên ai cũng ít thời gian. Bộ phận nòng cốt có 12 người, mỗi bạn ở một bang của Mỹ và thậm chí ở quốc gia khác nên ít nhiều gặp khó khăn trong công tác bàn bạc, tổ chức.
> Chủ đề: Người trẻ vươn mình ra thế giới |
'Bệ phóng' cho bạn trẻ khởi nghiệp
Những cuộc thảo luận bàn tròn cởi mở với nhiều chuyên gia đầu ngành ở các lĩnh vực khác nhau của cuộc thi có khả năng định hướng, truyền cảm hứng mạnh mẽ cho người trẻ.
Trả lời câu hỏi về bí quyết giúp nhóm mời được các diễn giả uy tín, có tầm ảnh hưởng trong và ngoài nước ở mỗi mùa thi, Hiếu bảo: "Nhóm may mắn có những bạn trẻ tài năng và đam mê, quyết liệt trong công việc”.
Một cuộc họp của các bạn trẻ VietChallenge. Ảnh: NVCC. |
"Bạn có thể hình dung năm đầu tiên trong tay chúng mình không có gì ngoài tập giấy kế hoạch. Điều gì có thể thuyết phục những diễn giả uy tín nếu không phải sự chân thành và nghiêm túc? Những người thành công đều rất bận, họ không bỏ thời gian đến với những sự kiện qua loa, thiếu chuyên nghiệp hoặc mơ hồ”, Hiếu nói.
Mỗi mùa chạy sự kiện, chàng trai 8X và cộng sự lại có thêm những ngày căng mình thức đến 4h sáng để đêm chung kết cuộc thi thành công.
GS Nguyễn Đình Phú, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ (AVSPUS) đánh giá VietChallenge là đại diện xuất sắc cho một trong những sứ mệnh và nguyện vọng của sinh viên, thanh niên Việt Nam tại Hoa Kỳ. Đó là cầu nối giữa giới trẻ Việt Nam và thế giới.
“Những thành viên VietChallenge một lòng tin tưởng Hiếu và đó là yếu tố quan trọng đối với lãnh đạo của bất kỳ tổ chức nào. Hành trình này dài nhưng với năng lực của cả nhóm VietChallenge, tôi tin các bạn sẽ đến đích”, GS Phú nói.
Đối tượng dự thi VietChallenge là các nhóm (tối thiểu 2 thành viên) từ 18 tuổi trở lên và có ít nhất một người Việt hoặc gốc Việt.
Cuộc thi bao gồm 3 vòng và các đội sẽ sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh. Ở vòng hồ sơ, mỗi đội nộp một ý tưởng dự thi (gồm slide và video trình bày ý tưởng của đội) trực tuyến ở các lĩnh vực, chủ đề ban tổ chức đưa ra. Cụ thể, năm 2017, cuộc thi tập trung 4 lĩnh vực: Công nghệ, nông nghiệp, năng lượng sạch và chăm sóc sức khỏe.
Tiếp đó, 16 đội xuất sắc lọt vòng bán kết được tham gia chương trình cố vấn VietChallenge kéo dài gần 2 tháng, do những doanh nhân tại Hoa Kỳ đảm nhiệm.
Đêm Chung kết được tổ chức tại Học viện Công nghệ Massachusetts, Boston, Hoa Kỳ vào ngày 1/4/2017 với tổng giải thưởng dự kiến 30.000 USD.
Diễn giả danh dự là tiến sĩ Kerry Healey, Hiệu trưởng Đại học Babson (xếp hạng nhất thế giới ở ngành Khởi nghiệp), đồng thời là cựu Phó thống đốc bang Massachusetts.