Nữ y tá đến bên giường bệnh nhân nữ có tấm thân gầy chỉ còn da boc xương, khoảng 40 tuổi, da tái xanh vằn vện đầy sẹo đen. Cô nhẹ nhàng quấn chiếc máy đo huyết áp vào tay để kiểm tra tình trạng sức khỏe. Đó là nữ y tá Thảo, Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện 09, Thanh Trì, Hà Nội, đã có gần 4 năm công tác tại bệnh viện này.
Kiểm tra huyết áp cho bệnh nhân HIV/AIDS tại bệnh viện 09 Hà Nội. Ảnh: Xuân Hải. |
Y tá Thảo năm nay 27 tuổi, quê ngoại thành Hà Nội, đã có thâm niên công tác tại bệnh viện này gần 4 năm. Thảo cho hay, những bệnh nhân khi được chuyển đến bệnh viện này thường đã bị AIDS giai đoạn cuối, đặc biệt những bệnh nhân chuyển về khoa hồi sức cấp cứu thì sức khỏe của họ rất yếu nên tỷ lệ tử vong cao.
Chỉ nữ bệnh nhân trên mặt, tay chân đầy mụn nhọt lở loét đang rên hừ hừ trên chiếc giường bên cạnh, Thảo cho biết, đây là bệnh nhân H ở Từ Liêm hiện nay sức khỏe rất yếu, có thể tử vong bất cứ lúc nào, hiện nay các y bác sĩ của khoa đang tìm mọi cách để duy trì sự sống cho người bệnh.
Với công việc y tá điều dưỡng, thường xuyên tiếp xúc, chăm sóc trực tiếp cho các bệnh nhân AIDS nặng tại khoa nên việc chứng kiến các ca bệnh nhân tử vong ngay tại giường bệnh là chuyện thường ngày.
Nhớ lại lần đầu tiên chứng kiến cảnh tượng ấy, Thảo kể: “Lúc đó khoảng 2 giờ sáng, ngoài trời tối đen, khi đi kiểm tra phòng bệnh nhân nặng, em phát hiện bệnh nhân duy nhất trong phòng đã tắt thở, dưới ánh điện sáng xanh, huyền ảo, nhìn người bệnh khuôn mặt thâm sì, lở loét, lúc đó em sợ hãi đến mức răng va vào nhau lập cập."
Thời gian đầu làm việc tại đây, một công việc cũng khiến cô "nổi da gà" đó là thay quần áo cho các bệnh nhân AIDS tử vong trước khi chuyển xuống phòng đại thể. Khi đó trời rạng sáng, ngoài trời tối đen, các bệnh nhân phòng khác đã chìm trong giấc ngủ.
Khi đi kiểm tra phòng bệnh nhân nặng, cô phát hiện bệnh nhân duy nhất trong phòng đã tắt thở. Thảo rùng mình lùi lại, dưới ánh điện sáng xanh, huyền ảo, nhìn người bệnh khuôn mặt thâm sì, lở loét. Xung quanh không một tiếng người. Nhìn qua cửa sổ thấy trời tối đen như mực, Thảo nổi hết da gà, sợ hãi đến mức hai hàm răng va vào nhau cầm cập, người đứng im nhưng đôi chân run lẩy bẩy, nước mắt ứa ra vì sợ hãi.
Phải đến 20 phút sau, Thảo mới lấy lại bình tĩnh, đến sát giường bệnh, tìm trong đống hành lí của bệnh nhân để lấy bộ quần áo còn mới, tay run run thay quần áo cho người chết.
Trong đêm tối, một mình trong căn phòng rộng khoảng 30 m2, vắng lặng, đối mặt với xác chết, vừa run vì sợ và do sức phụ nữ yếu nên khó khăn lăm cô mới thay xong quần áo cho người bệnh xấu số. Qua 20 phút một mình xoay xở, xong việc Thảo chạy ào về phòng trực vừa xả nước đầy người vừa khóc vì sợ.
“Nhiều bệnh nhân khi tử vong, người cứng đờ, gầy đét, nằm bất động trên giường, toàn thân đầy mụn nhọt thâm đen, chỗ khô đóng vảy, cái còn lở loét. Là điều dưỡng em phải thay quần áo, lau chùi cho bệnh nhân trước khi chuyển xuống phòng đại thể - nhà xác. Mỗi khi lau vào chỗ mụn lở loét bong vảy, chảy máu, lúc đó chỉ cần sơ sảy một chút như găng tay bị rách, tay bị xước là có thể bị phơi nhiễm HIV ngay. Mỗi khi nhớ đến những trường hợp như vậy em lại không ăn nổi cơm” - Thảo kể.
Thảo nói “Khi mới vào làm việc tại bệnh viện này, tiếp xúc với bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối, đặc biệt là bệnh nhân tử vong em rất sợ, nhưng làm nghề y là để chăm sóc cho người bệnh nên em lại quyết tâm làm việc”.
Tiếp xúc hàng ngày với bệnh nhân là “bạn thần chết”, cũng như hàng chục bệnh nhân đã tử vong, những y tá điều dưỡng như Thảo chỉ cần sơ suất một chút là có thể “lĩnh án tử”, sơ suất không cẩn thận trong lúc tiêm, truyền, lấy ven hay tay bị xước, găng tay bị thủng khi làm việc...họ sẽ nhận hậu quả khôn lường nếu không phát hiện kịp thời.
Chia sẻ sự hiểm nguy của nghề, bác sĩ Tạ Đăng Lưu, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện 09 cho biết, tất cả bệnh nhân đến đây đều phụ thuộc 100% vào đội ngũ y bác sỹ của bệnh viện, từ chăm sóc, chữa trị đến khi bệnh nhân tử vong nên bất cứ ở giai đoạn nào chúng tôi cũng gặp phải sự nguy hiểm bị phơi nhiễm bệnh.
“Tại bệnh viện cũng đã có không ít trường hợp y bác sĩ bị phơi nhiễm HIV, không những vậy cũng đã có trường hợp y bác sĩ chúng tôi bị lây nhiễm bệnh lao phổi từ người bệnh do bệnh viện chưa có khu điều trị cách ly giữa bệnh nhân và y bác sĩ” – bác sĩ Lưu nói.