Từ làng quê nghèo khó tại thôn Bình An, xã Tân Việt, huyện Bình Giang, Hải Dương, năm 13 tuổi Hào với đôi mắt không thấy ánh sáng từ khi ra đời quyết định vào Sài Gòn theo lời giới thiệu của chủ tịch Hội Người mù huyện Bình Giang. Nào ngờ trước lúc đi một tuần, mẹ anh đột ngột qua đời để lại mong ước con trai có thể học hành nên người.
Lo tang cho mẹ xong, Hào vào mái ấm Thiên Ân ở TP HCM, học chữ nổi rồi hoàn thành chương trình học phổ thông, thi đậu vào khoa âm nhạc, ngành Sư phạm Âm nhạc CĐ Văn hóa Nghệ thuật TP HCM và tốt nghiệp xuất sắc.
Vũ Công Hào dạy nhạc cho các học viên khiếm thị ở mái ấm Thiên Ân (quận Tân Phú, TP HCM) - Ảnh: Tuổi Trẻ. |
Hiện Hào theo đuổi ngành Sư phạm Âm nhạc tại Nhạc viện TP HCM hệ vừa làm vừa học.
Ngoài giờ học trên lớp, Hào còn đi dạy thêm, làm nhạc công cho các quán cà phê, tiệc cưới. Những học trò đầu tiên của Hào là các em khiếm thị sống tại mái ấm Thiên Ân và mái ấm Nhật Hồng (quận Bình Thạnh).
Đối với các em ở mái ấm, Hào vừa là một người thầy vừa là một thần tượng đúng nghĩa. Biết phương pháp giảng dạy của mình còn mới nên lúc nào Hào cũng từ tốn, ân cần sửa từng lỗi nhỏ cho học trò của mình.
Nguyễn Xuân Dưng (21 tuổi, sống tại mái ấm Nhật Hồng, quận Bình Thạnh) chia sẻ: “Thầy Hào là giáo viên khiếm thị đầu tiên dạy tụi em học nhạc theo phương pháp giảng dạy cho người sáng. Ban đầu khó theo lắm nhưng thầy Hào nói phải cố gắng".
Không chỉ dạy nhạc cho người khiếm thị, Hào còn nhận dạy và luyện thi cho học viên sáng mắt. Dù đã ra trường nhưng Hào vẫn thường xuyên quay về CĐ Văn hóa Nghệ thuật TP HCM để dạy thêm cho các bạn sinh viên theo mô hình lên lớp cá nhân.
Tuy không thể tương tác qua ánh mắt nhưng họ luôn nhìn thấy nhau, cảm nhận được nhau qua niềm đam mê âm nhạc.
Thầy Phùng Đăng Quang, Trưởng khoa Âm nhạc, CĐ Văn hóa Nghệ thuật TP HCM, chia sẻ: “Trình độ chuyên môn của Hào rất nổi bật, cả tác phong, thái độ học tập và giờ giấc đều rất chuyên nghiệp. Hào nói em không muốn người khác thương hại hay đối xử với mình quá đặc biệt nên tôi luôn sắp xếp Hào thi chung với các sinh viên khác một cách công khai, minh bạch.
Khi Hào nhận học bổng khuyến học của trường, tôi vỗ vai Hào và nói: Em hãy tự hào về thành quả em đạt được! bởi đó là nỗ lực của chính Hào chứ không phải đặc ân mà nhà trường dành cho một người khiếm thị”.
Hào suy tư: “Nhiều người khiếm thị có khả năng hát, chơi nhạc và biểu diễn nhưng ít ai được học bài bản. Do đó người đi trước muốn truyền trao kỹ năng, kinh nghiệm cho người đi sau đều hướng dẫn bằng phương pháp giữa người khiếm thị với người khiếm thị.
Tôi thì khác, tôi muốn được học bài bản và sau này sẽ biên soạn một giáo trình nhạc lý cho người khiếm thị theo phương pháp giảng dạy cho người sáng. Có như thế, sau này công việc giảng dạy âm nhạc mới rộng cửa hơn với người khiếm thị”.
Thạc sĩ, NSƯT Huỳnh Thị Hoàng Điệp - nguyên quyền Trưởng khoa Nhạc nhẹ & Âm nhạc Công nghệ của Nhạc viện TP HCM - cho biết: "Công Hào là một học viên rất siêng năng, mạnh dạn và cởi mở của lớp. Tôi tin trong tương lai Hào không chỉ làm tốt công việc đã và đang theo đuổi mà còn có thể đứng lớp giảng dạy những môn tập thể khác như nhạc lý cơ bản - ký xướng âm cho người khiếm thị".