Zing.vn trích dịch bài viết trên South China Morning Post, đề cập đến câu chuyện một người từng sống sót sau khi bị nhiễm SARS vào năm 2003 đưa ra lời khuyên về cách phòng chống lây nhiễm virus corona trong đại dịch lần này.
Cựu kiếm sĩ người Hong Kong – cô Maria Chan Siu-san – là một người từng chiến thắng cuộc chiến với dịch bệnh SARS hồi năm 2003. Khi đó, cô từng trải qua 5 ngày chăm sóc đặc biệt sau khi nhận kết quả dương tính với căn bệnh chết người này.
Trong cuộc khủng hoảng của dịch Covid-19 hiện nay, Chan nhấn mạnh cô không phải là một anh hùng hay hình mẫu. Cô khuyến cáo mọi người, đặc biệt là người dân Hong Kong cần rút kinh nghiệm từ những sai lầm mà nơi này từng vấp phải khi bùng phát đại dịch SARS.
Maria Chan Siu-san là người từng chiến thắng cuộc chiến với dịch bệnh SARS hồi năm 2003. Ảnh: SCMP. |
Trong số 329 người nhiễm bệnh và 42 người chết vì dịch SARS tại khu dân cư nơi cô sống vào năm 2003, cựu vận động viên Asian Games 46 tuổi đã may mắn sống sót. Bởi thế, Maria Chan từng được ca ngợi trên các phương tiện truyền thông như một tấm gương về cách chiến đấu với dịch bệnh.
Thế nhưng, Chan cho biết cô không phải là một ví dụ điển hình cho việc “Làm thế nào bảo vệ bản thân tốt nhất trong bối cảnh đại dịch hoành hành?”
“Đó là những lời khen tốt đẹp nhưng tôi thực sự không thể coi mình là anh hùng, cũng không phải là một hình mẫu. Thực ra, tôi muốn khuyên mọi người hãy làm ngược lại với những gì tôi đã làm hồi đó”, cô Chan chia sẻ.
“Khi đó, tôi đã rất bất cẩn. Tôi không đeo mặt nạ và vẫn thường xuyên đi đến trung tâm mua sắm – nơi có đông người lui tới. Tôi nghĩ chỉ có những người bị bệnh mới cần phải đeo khẩu trang. Tôi còn không dự trữ khẩu trang và nước rửa tay để bảo vệ mình và gia đình”, cô nói thêm.
Đi đến nơi đông người mà không đeo khẩu trang là một trong những hành vi nguy hiểm trong mùa dịch. Ảnh: Eater. |
Chan cho rằng cô đã có thể bị nhiễm bệnh từ một cái hắt hơi của một người nào đó mà cô vô tình gặp ở trung tâm thương mại nhưng thật may là điều đó đã không xảy ra. Vì vậy, cô khuyên người Hong Kong nên ở nhà, tránh đám đông và nếu phải ra ngoài thì hãy đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên.
Đại dịch SARS được thống kê là đã giết chết 813 người, lây nhiễm cho 8.437 người trên toàn thế giới, hầu hết trong số họ là người Trung Quốc. Tại Hong Kong, có 299 người chết trong số 1.755 người mắc bệnh.
Amoy Gardens trở thành tâm dịch trong cuộc khủng hoảng dịch SARS với nhiều ca nhiễm bệnh và tử vong ở cùng một khu dân cư hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.
Vào thời điểm đó, Maria Chan sống ở Nhà F, bên cạnh Nhà E – nơi bắt đầu của sự bùng phát cục bộ. Hơn 200 người từ Nhà E đã bị nhiễm bệnh và 22 người chết. Những ca nhiễm bắt đầu lan sang Nhà B, Nhà C sau đó không lâu.
“Nhà F nơi tôi sống và Nhà E gần nhau tới nỗi tôi có thể ném một đồng xu từ cửa sổ nhà mình cho một người ở bên đó”, cô Chan kể.
Maria Chan đang ở đỉnh cao của sự nghiệp đấu kiếm khi bị nhiễm SARS. Ảnh: SCMP. |
Maria Chan là một trong những người đầu tiên được đưa vào Bệnh viện Princess Margaret vào 29/3/2003. Thời điểm đó, cô mới 29 tuổi và đang ở đỉnh cao của sự nghiệp đấu kiếm.
“Những gì tôi đã học được sau 17 năm kể từ cuộc khủng hoảng SARS là mỗi người cần làm đúng trách nhiệm của mình. Nếu có khả năng nào đó giúp chúng ta ngăn chặn được sự bùng phát dịch bệnh trong cộng đồng như tránh đám đông, rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang và thực hiện các nhiệm vụ cơ bản khác thì mọi người cần phải tuân thủ. Tôi đã không làm những điều đó hồi dịch SARS nên giờ tôi không thể trách ai”, cô Chan nhấn mạnh.