Đã có giấy báo tử 5 năm, bỗng một ngày, bà mẹ nhận tin con mình vẫn còn sống trong sự bàng hoàng của cả gia đình. Tuy nhiên, khi trở về, người thương binh đã không còn trí nhớ.
|
Tại trung tâm Điều dưỡng thương binh Kim Bảng (Hà Nam), không ai không biết hoàn cảnh đặc biệt của vợ chồng thương binh Nguyễn Xuân Ngọc(1951) và chị Nguyễn Thị Hợi (1971). Là gia đình duy nhất không có nhà, 2 người được trung tâm cho mượn một căn phòng để ở trong suốt hơn 10 năm qua.
|
|
Ông Ngọc vốn là y tá trưởng trong chiến tranh chống Mỹ. Năm 1974, căn hầm của ông bị trúng bom. Cả tiểu đội hy sinh hết còn ông thì bị sức ép mà văng ra xa dẫn đến mất trí nhớ. Quân đội sau đó gửi giấy báo tử về cho gia đình.
|
|
Sau khi đất nước giải phóng, 5 năm liền ông u mê với những cơn khóc cười trong trại điều dưỡng ở TP HCM. Bỗng một ngày, khi đang tiêm thì ông hô to, dõng dạc tên bố mẹ và địa chỉ quê quán. Bác sĩ điều trị liền ghi lại và viết thư về cho gia đình. Không tin đây là sự thực vì đã lập bàn thờ 5 năm, người mẹ nhờ bác sĩ chụp cho một tấm ảnh làm tin. Khi nhận được ảnh một thương binh già nua, xộc xệch, nét mặt ngơ ngác nhưng bà vẫn nhận ra con. Ngay lập tức, bà đã đưa con về miền Bắc để điều trị.
|
|
Số phận đẩy đưa ông gặp bà Hợi vào năm 2002. Khi ấy, người vợ hiện nay đến gặp ông chỉ vì tò mò. Bà nhìn thấy ông ngồi khoanh chân trên giường, hai tay trước ngực, mặt hớn hở như đứa trẻ nhận được quà. Rồi bất giác ông chạy ra sân chơi, quần áo lấm lem bùn đất, thậm chí có lúc còn xé quần, xé áo, uống cả nước tiểu. Lúc này bà thấy thương ông, muốn sống cùng, muốn chăm sóc cho ông dù rằng ông không phải lúc nào cũng là "đứa trẻ" ngoan ngoãn.
|
|
Trước khi cưới một tuần, ông được cho uống thuốc ngủ để lấy sức. Vậy mà khi đám cưới vừa tổ chức xong, ông đã ngã vật xuống vì quá mệt.
|
|
Năm 2004, bé Nga, đứa con duy nhất của 2 người chào đời và cũng là đứa trẻ đầu tiên ra đời tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Kim Bảng.
|
|
Nhớ về lúc bé Nga còn nhỏ, bà Hợi kể, đó là những ngày tháng vất vả nhất khi chồng thì vẫn bệnh nặng mà con thì chưa biết gì. Nhiều lúc ông cởi truồng chạy khỏi trung tâm, còn bé Nga cứ khóc ngằn ngặt, tôi một chị không biết phải làm sao. "May mà còn có các cô hộ lý chia nhau đi tìm giúp. Bây giờ, cuộc sống đã dễ thở hơn nhưng cả nhà vẫn chỉ trông vào hơn 4 triệu tiền trợ cấp của chồng, phải tằn tiện lắm mới đủ sống", bà nói. |
|
Bé Nga giờ đã lớn, đã biết rửa bát giúp mẹ. Tuy vậy do di truyền của bố nên Nga không được nhanh nhẹn, phải học đúp một năm để theo kịp chúng bạn.
|
|
Từ khi có vợ, có con, bệnh tình của ông dần thuyên giảm. Mỗi sáng thức dậy người thương binh tự động vào nhà vệ sinh để đánh răng.
|
|
Do không biết đếm nên cứ mỗi khi ăn xong một bát là ông lại đứng dậy lên giường ngồi. Vì thế, bà Hợi luôn phải để chồng ăn một bát to cho đủ no.
|
|
Cứ cách một ngày, ông lại được vợ tắm cho một lần. Ngày còn lại thì ông học cách tự tắm cho bản thân. Người thương binh không còn nghịch bẩn, không còn cởi truồng chạy lung tung.
|
|
Trở về từ cõi chết trong một phút tỉnh hiếm hoi, thương binh Nguyễn Xuân Ngọc đang sống trong tình yêu thương của gia đình, của trung tâm và cộng đồng. Cứ thế, mỗi ngày trôi qua, ông dần bước qua bóng tối để sống nốt những ngày bình yên của cuộc đời. |
người thương binh trở về từ cõi chết
Hà Nam
trở về từ cõi chết
từ cõi chết trở về
nguyễn xuân ngọc
trung tâm điều dưỡng thương binh Kim Bảng