Khi bệnh viện Hoài Đức (Hà Nội) đã thưa bóng bệnh nhân, chị Phan Thị Oanh vào một căn phòng nhỏ của khoa Xét nghiệm tranh thủ nghỉ ngơi. Khuôn mặt nhỏ nhắn, chị nở nụ cười hiền hậu.
Giọng nói vẫn chưa hết vui dịp xuân về, chị chia sẻ: "Hôm đó, chiều ngày 15/1, tôi cùng chồng lên VKSND Hà Nội nhận quyết định đình chỉ điều tra. Thực sự phấn khởi vô cùng. Người ta nói nhất tội nhì lợi. Mình là người tham gia tố cáo nếu bị xét xử nữa thì sẽ thế nào đây".
Theo lời chị Oanh, hơn chục năm làm chuyên môn nhưng chưa bao giờ chị phải gánh trọng trách lớn như vậy. Đó là thu thập bằng chứng để vạch trần hành vi sai trái từ chính những người đồng nghiệp. Do chỉ một mình là cán bộ lâu năm duy nhất của bệnh viện nên, người phụ nữ này được ra vào căn phòng chưa đầy 20 mét vuông.
Oanh bảo, lúc đó chị lo lắng và căng thẳng đến mất ăn mất ngủ. Tuy nhiên, nghĩ chuyện những người khác làm vẩn đục tà áo blouse trắng, chị cùng Hoàng Thị Nguyệt quyết làm đúng với lương tâm của người thầy thuốc để đưa vụ việc ra ánh sáng.
“Không ngờ lại gian nan đến vậy. Đến giờ phút này vẫn bị áp lực quá lớn!”, chị Oanh thở dài. Ảnh: Đỗ Mến. |
Cái lo lớn nhất, chị Oanh cho biết đó là đặt camera trong phòng mà không bị mất máy và không bị lãnh đạo, nhân viên trong phòng phát hiện. Tranh thủ những buổi trưa, chị phải bỏ ăn để đến cửa hàng photo, cách bệnh viện cả cây số để sao chép kết quả xét nghiệm làm bằng chứng.
Rồi cũng chính vì áp lực quá lớn từ gia đình, chị cố ngăn dòng nước mặt để ký vào lá đơn tường trình, gửi lãnh đạo Bệnh viện Hoài Đức, xin rút đơn tố cáo do người em ruột viết. Nghe đứa con trai 10 tuổi thắc mắc "Tại sao mẹ làm như thế", chị Oanh chia sẻ lúc đó cổ họng như đắng lại. "Không ngờ lại gian nan đến vậy. Đến giờ phút này vẫn bị áp lực quá lớn”, người phụ nữ thở dài.
Cầm quyết định đình chỉ điều tra trong tay, chị quay lại với công việc vốn đam mê. Nhưng mọi thứ đã khác.
Người từng bị truy cứu trách nhiệm hình sự bảo khi trở lại viện làm việc, chị vẫn thường nhận những lời nói bóng gió, chửi đổng từ các đồng nghiệp. Do phải chịu áp lực, chị đã dùng hết những ngày nghỉ phép trong năm để tránh mặt.
Chị Hoàng Thị Nguyệt mong mỏi ngành y sẽ có những thay đổi để người dân được khám chữa bệnh thực sự. Ảnh: Đỗ Mến. |
Hỏi chị đã sắm sửa gì cho ngày tết, chị cười buồn. Ngồi giường bên cạnh, chị Nguyệt đỡ lời: “Năm nay thoải mái hơn dù chúng tôi cũng chỉ xác định ăn tết bằng tinh thần là chính. Khi biết tin Oanh không bị điều tra, tâm trạng của chúng tôi vui và mong đợi nhiều lắm. Ít nhất chiến thắng đã thuộc về lẽ phải, công lý cũng thuộc về chúng tôi".
Nói về phiên xử sắp tới, chị Nguyệt bảo: "Tôi tin rằng pháp luật rõ ràng, công bằng. Không ai muốn đẩy những đồng nghiệp của mình vào vòng tù tội chỉ mong họ nhận ra cái sai của bản thân để thay đổi. Chúng tôi cũng mong ngành y có những thay đổi cho người dân được khám chữa bệnh thực sự, lấy lại lòng tin cho nhân dân.
Liên quan đến vụ án, 9 bị can bị truy tố gồm: Nguyễn Trí Liêm (Giám đốc bệnh viện), Nguyễn Thị Nhiên (Phó giám đốc bệnh viện) bị khởi tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. 7 người còn lại đều là nhân viên dưới quyền của ông Liêm bị khởi tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ. Họ gồm: Vương Thị Kim Thành (Trưởng khoa xét nghiệm), Nguyễn Thị Xuyên, Nguyễn Thị Nga, Vương Thị Lan( Kỹ thuật viên); Nguyễn Thị Thu Trang, Nguyễn Thị Hồng Nhung, Nguyễn Đồng Sơn (Kỹ thuật viên hợp đồng).