Vài ngày nay, câu chuyện nữ nhiếp ảnh gia tố đôi bạn quỵt tiền chụp ảnh cưới thu hút sự chú ý của dân mạng.
Trên Facebook cá nhân, Lương Thi Hồng Vy (sinh năm 1992) đăng tải một bộ ảnh mang tên "Album bị quỵt tiền", và câu chuyện cho rằng, cô bị khách hàng "xù" tiền công.
Theo lời Vy, cô đã phải theo hai vợ chồng sắp cưới lên Đà Lạt chụp ảnh rất vất vả, sửa hết hàng nghìn tấm ảnh, mất chi phí trang phục, trang điểm, nhưng đến khi thanh toán, chú rể chê hình xấu, không trả tiền và vẫn cầm hết ảnh.
9X cho biết, giao dịch được làm việc thông qua chị của chú rể, một người cô từng làm việc cùng, nên rất tin tưởng và không đòi hỏi bất cứ khoản tiền cọc hoặc hợp đồng nào. Nữ nhiếp ảnh gia cũng từ chối chia sẻ thêm về thông tin của cặp bị cô tố quỵt tiền.
Zing.vn đã liên hệ với cô dâu chú rể nhưng vẫn chưa nhận được hồi âm. Nhân vật bị tố cáo không có ý định lên tiếng trước dân mạng.
Đăng tải này hiện đã được 46.000 người biết đến, gần 2.000 người bình luận và hơn 16.000 chia sẻ. Rất nhiều người trẻ đồng cảm với nữ nhiếp ảnh gia và chia sẻ câu chuyện tương tự khi đi làm thêm của mình.
Ship hàng bị quỵt tiền, dọa đánh
Tháng 4/2016, mạng xã hội lan truyền clip ghi cảnh một chủ shop dọa đánh và mắng chửi người chuyển hàng (shipper) sau khi nhận được yêu cầu trả 50 nghìn đồng.
Chủ shop trong clip bán đồ trẻ em trên mạng. Ngày 11/4, chị thuê đôi nam nữ đi giao hàng từ Mai Dịch sang Long Biên, Hà Nội. Tuy nhiên, khi đến nơi khách không nhận hàng nên 2 bạn đành quay lại và yêu cầu chủ shop thanh toán tiền công.
Lúc này chị chủ không có thái độ hợp tác, nhất quyết không đưa cho 2 người số tiền trên với lý do "hàng chưa bán được, không trả tiền", đồng thời buông lời nhục mạ, thậm chí đe dọa đánh người.
Quá bức xúc, một trong hai người đã quay clip và yêu cầu được trả đúng số tiền mới ra khỏi nhà. Khi bị dọa đăng video lên Facebook, chủ cửa hàng cũng thách thức "Tao không sợ".
Đoạn video sau đó được đăng lên nhóm "Ship tìm người - Người tìm Ship" - một cộng đồng lớn của những shipper Hà Nội trên Facebook - và nhận được nhiều sự quan tâm.
Chủ cửa hàng, sau khi phát hiện video trên mạng, đã nhắn tin đe dọa, thách thức hai bạn trẻ. Đỉnh điểm của sự việc là khi chị ta buông lời bình luận xúc phạm cộng đồng các shipper.
Điều này khiến hàng trăm shipper tức giận, đồng loạt chia sẻ số điện thoại của chủ cửa hàng để nhắn tin, gọi điện "khủng bố". Sáng 12/4, một số người đã ném mắm tôm vào cửa hàng.
Chủ cửa hàng phải lên tiếng nhận sai và xin lỗi. Shop cũng đã đăng tin sang nhượng lại.
Một trường hợp khác, Trần Minh Công (sinh năm 1993) có công việc làm thêm là nhận chuyển hàng cho một cửa hàng ăn vặt. Công chia sẻ đã phải chuyển chỗ làm vài lần vì gặp những người chủ "khó đỡ".
"Mùa đông, đồ ăn nguội nhanh, chỉ cần đi 5 phút là nem chua rán, phô mai que cứng đơ. Mùa hè, các loại chè dễ chảy nước, đá tan nhanh, đi trời nắng nước cứ chảy tong tong xuống chân. Nhưng, chủ và khách đâu có hiểu. Chủ thì trách mình không đi nhanh, khách kêu đồ ăn không tươi ngon. Mình phải nói khó để lấy được tiền ship".
Công kể thêm, việc gặp khách hẹn nhưng đến nơi thì mất tích, khách hồn nhiên đưa sai địa chỉ, kêu ship đắt, nhất quyết không trả tiền thường xuyên xảy ra.
Sự việc shipper bị dọa đánh và mắng chửi vì muốn lấy tiền công chuyển hàng xôn xao mạng xã hội tháng 4/2016. |
Bị trừ lương, nợ tiền là bình thường
Phạm Thu Ngọc, sinh viên năm 2, CĐ Sư phạm Trung Ương, đang làm nhân viên tại một quán cà phê trên phố Quang Trung.
"Lương sinh viên làm thêm rất ít, thường 12 - 13.000 đồng một giờ. Làm cả tuần, mỗi ngày 8 tiếng cũng chưa được 2 triệu đồng, nhưng mức phạt rất cao. Thỉnh thoảng, mình lỡ tay làm vỡ cái cốc, giá gốc khoảng 30.000 đồng, nhưng sẽ bị trừ 50.000 đồng. Quán đông, khách đứng lên mà chưa lau bàn ngay sẽ bị trừ 50.000 đồng, vài lần như thế là hết lương".
Nguyễn Anh Tùng, sinh viên năm thứ ba ĐH Kinh tế Quốc dân làm thêm tại một nhà hàng ở phố Hàng Tre, Hà Nội. Tùng theo học ngành Du lịch- Khách sạn nên xác định đi làm ở đây để lấy thêm kinh nghiệm, không đặt nặng việc lương.
"Nhưng đôi khi cũng bức xúc với kiểu bóc lột sức lao động sinh viên làm thêm của các ông chủ. Chỗ mình làm áp dụng quy tắc 20 giây. Nghĩa là đi làm chậm 20 giây, đồ ăn đưa ra chậm 20 giây, khách gọi không đến ngay sau 20 giây..., sẽ bị trừ 100.000 đồng. Lương mình 2,5 triệu đồng, nhiều tháng nhận tiền chỉ còn 1 triệu mà cười buồn", Tùng nói.
Trong các công việc đi làm thêm, sinh viên dạy gia sư dễ bị nợ tiền nhất. Chuyện phụ huynh không trả tiền, khất lương xảy ra thường xuyên.
Đỗ Huy An (sinh viên ĐH Bách Khoa) nhớ lại thời gian dạy thêm học sinh lớp 5. "Học sinh hư, hay nói dối, bịa chuyện, học kém. Cha mẹ thấy con học 1 tháng mà điểm vẫn chưa thay đổi liền không trả lương. Mình thấy vô lý hết sức, làm gì có ai học giỏi lên chỉ sau 1 tháng" Huy An bức xúc nói.
Ngoài ra, PG được biết đến là công việc đem lại nguồn thu nhập đáng kể đối với những bạn trẻ còn đi học. Thế nhưng, Nguyễn Hoàng Ngân (sinh viên trường Ngoại giao) lại cho hay, đây không phải "công việc trong mơ" như nhiều người vẫn nghĩ.
"Trang phục khi làm việc chủ yếu là váy ngắn hoặc đồ bó sát và gắn liền với những đôi giày cao gót. Người làm phải đứng một chỗ hoặc đi lại suốt ngày nhưng không được ngồi. Sau vài tiếng như thế, bắp chân mình đau nhức. Ăn mặc sai quy định sẽ bị phạt và trừ lương. Nhiều khi, vào mùa đông, thời tiết lạnh thấu xương, mình vẫn phải mặc hở hang để thu hút sự chú ý của khách hàng", nữ sinh tâm sự.
Không dừng lại ở đó, Ngân còn hay gặp những vị khách thiếu lịch sự, có hành động kệch cỡm, trêu đùa khiếm nhã. "Nhiều khi, họ không mua nhưng vẫn gọi chúng mình đến để được tư vấn, thực ra là chọc ghẹo. Có những người ngà ngà say, họ lợi dụng và động chạm cơ thể, ép mình uống rượu".
Vất vả thế nhưng PG rất hay bị chậm, nợ lương. "Mình có một món tiền từ cuối năm 2015 vẫn chưa được trả. Khả năng lớn là tiền không đến tay, vì chủ đã mất liên lạc từ lâu", Ngân kể.
Những hệ lụy đáng buồn
Nhiều cha mẹ không ủng hộ con đi làm thêm vì lý do thanh niên là đối tượng dễ bóc lột sức lao động và dễ lừa nhất.
Nhiều người chủ cũng thừa nhận, họ muốn thuê thanh niên làm vì đó là những những người trẻ tuổi, chưa có kinh nghiệm, sẵn sàng làm việc hết sức mà không đòi hỏi nhiều quyền lợi.
Việc người trẻ đi làm bị quỵt tiền, chậm lương... cũng mang lại không ít hệ lụy. Người bị tố sẽ ảnh hưởng không ít đến uy tín làm ăn. Chủ cửa hàng quần áo dọa đánh cặp shipper đã sang nhượng lại cửa hàng, việc bán hàng gặp khó khăn, phải đổi số điện thoại vì liên tục bị nhắn tin chửi bới, chỉ trích.
Những người chủ phạt tiền nhân viên vô tội vạ sẽ không có được những người làm lâu năm, trung thành và chăm chỉ, mà chỉ sở hữu những cấp dưới sợ sệt, nhanh bỏ việc, lười biếng.
Những phụ huynh thường xuyên chậm lương gia sư, con họ sẽ không nhận được sự nhiệt tình chỉ dạy, mà thay vào đó là việc đổi thầy cô liên tục, ảnh hưởng kết quả học tập.
Trên hết, những bạn trẻ đi làm sẽ bị thiệt khi đối mặt những tình huống "tai nạn nghề nghiệp".