Đầu năm 2022, video một cô gái vừa khóc, vừa nói về tình bạn và sự cô đơn được lan truyền trên mạng xã hội, theo VICE.
“Tôi có những người yêu thương và quan tâm đến mình. Nhưng rõ ràng, tôi chỉ là loại bạn hạng 2, hạng 3 đối với họ. Điều đó đẩy tôi vào cảnh sống một mình suốt 2 năm qua theo đúng nghĩa đen”, người này chia sẻ.
“Tôi dành nhiều thời gian cố gắng tìm hiểu xem mình đã làm gì để trở nên cô đơn như hiện nay. Tôi tưởng rằng mình đã nuôi dưỡng những mối quan hệ vững chãi”, cô nói thêm.
Hơn 1/3 người 16-24 tuổi ở Vương quốc Anh cảm thấy cô đơn hơn bao giờ hết. Ảnh: Cotton Bro/Pexels. |
Người dùng mạng xã hội phản ứng theo những cách khác nhau. Có người bày tỏ sự cảm thông và đề nghị trở thành bạn bè với cô gái. Có người thúc giục cô hãy trưởng thành lên và tự mở rộng vòng xã hội của mình.
"Những người bạn cô giao du còn tùy thuộc vào hành động và năng lượng mà cô đem lại. Câu hỏi thực sự cần được đặt ra ở đây là cô thuộc kiểu bạn nào?", một số khác thắc mắc.
Bất chấp sự khác biệt đáng kể giữa những cách phản ứng, không thể phủ nhận rằng đại dịch khiến tình bạn và sự cô đơn thêm phần khó khăn.
Theo một nghiên cứu của Prince’s Trust, sau 2 năm kể từ khi những lệnh phong tỏa lần đầu được áp dụng, 1/3 thanh niên ở Vương quốc Anh nói rằng họ không biết cách kết bạn mới, và 35% người chưa bao giờ cảm thấy cô đơn như vậy.
Dường như, sự cô đơn đang lan rộng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, thật khó để khẳng định rằng liệu Covid-19 chính là nguyên nhân, hay nó chỉ làm bộc lộ một cuộc khủng hoảng đang chực chờ xảy ra.
Năm 2015, tỷ lệ cô đơn ở nhóm người trẻ tương đương với nhóm người già ở Vương quốc Anh. Ảnh: VICE. |
Những năm trước đây, người trẻ (16-24 tuổi) không được coi là nhóm nhân khẩu học “cô đơn”.
Nhưng năm 2015, dự án BBC’s Loneliness đã khảo sát trên 50.000 người thuộc nhóm nhân khẩu này và nhận thấy tỷ lệ cô đơn của họ tương đương với nhóm người cao tuổi.
“Có rất nhiều chuyển đổi cuộc sống diễn ra trong giai đoạn đó của cuộc đời”, tiến sĩ Timothy Matthews, người có nghiên cứu tâm thần học tập trung vào sự cô đơn ở người trẻ, nói về nhóm nhân khẩu 16-24 tuổi.
Theo nghiên cứu của ông Matthews, những người trải qua sự cô đơn ở trường trung học sẽ tốt nghiệp với trình độ học vấn thấp hơn, đồng thời có nhiều khả năng phải vật lộn với nỗi căng thẳng hàng ngày, gặp các vấn đề về giấc ngủ và bị trầm cảm, lo âu.
“Ở giai đoạn hậu tốt nghiệp trung học, người trẻ có thể vào đại học, chuyển ra sống riêng hoặc đến thành phố mới trong khi cố gắng trở thành một người trưởng thành độc lập. Đó có thể là trải nghiệm cô đơn nếu họ gặp khó khăn để thành công trên con đường đã lựa chọn”, tiến sĩ nói.
Việc thay đổi môi trường sống, học tập có thể dễ khiến người trẻ cảm cô đơn. Ảnh: Sofia Alejandra/Pexels. |
Jasmine Grimshaw, một sinh viên mỹ thuật 23 tuổi, nằm trong số những người trải qua sự cô đơn đó.
“Tại khuôn viên trường đại học, bạn có thể gặp ít nhất 3 người mình quen biết trong một ngày. Nhưng điều đó không có nghĩa bạn có bất kỳ mối liên hệ nào với họ”, cô nói.
Grimshaw nghĩ rằng sự kết nối hời hợt trên mạng xã hội, cùng với giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi thiếu niên sang tuổi trưởng thành đồng nghĩa số lượng cuộc gặp mặt trực tiếp suy giảm.
“Hồi cấp 3, bạn gặp mọi người mỗi ngày. Nhưng sau khi tốt nghiệp, thật khó để bắt kịp tình hình của họ bởi ai nấy đều có cuộc sống riêng. Nó khiến chúng ta cảm thấy cô đơn dù đang sống ở thế giới rất nhiều người”.
Tam Adisi (24 tuổi, sống ở Manchester, Anh) nhận thấy rằng việc phải di chuyển khắp nơi vì học vấn và sự nghiệp gây ra cảm giác cô lập.
“Tôi cảm thấy thật vất vả để tìm bạn - những người có thể thấu hiểu và cảm thông với mình. Là một người da đen, queer và phi nhị nguyên giới, điều đó càng khó gấp bội. Nhiều sở thích, cách sống và điều tôi tìm kiếm ở tình bạn rất khác so với số đông”, Adisi chia sẻ.