Tấn Sang (20 tuổi, quận 12, TP.HCM) chi 60 triệu đồng mua chiếc Vespa Sprint 090 phiên bản năm 1969. Đây là chiếc xe máy cổ đầu tiên mà anh sở hữu, không quá khó tìm nhưng giá trị tương đối cao.
Sau đó, anh còn mua thêm Honda Cub 1986 và Honda Cub "cánh én" 1978 với tổng số tiền hơn 60 triệu đồng.
Bắt đầu thú chơi xe cổ từ năm 2020, Sang không tiếc tiền cho sở thích của mình. Chi phí mua xe được anh tích cóp từ tiền làm thêm hoặc tiết kiệm nhiều năm.
"Tiền mua xe thôi là chưa đủ, tôi còn chi hơn 15 triệu đồng để tân trang, sơn sửa và lắp ráp lại bộ máy của chiếc Vespa. Mua phụ tùng từ Italy giá rất đắt, tôi cân nhắc thay thế bằng phụ kiện nhập từ Ấn Độ, Indonesia… Xe cổ là thú chơi thật sự tốn kém", anh nói với Zing.
Tấn Sang đầu tư hơn 120 triệu đồng cho những chiếc xe Honda và Vespa cổ của mình, chưa kể chi phí tân trang, sơn sửa và bảo dưỡng. |
Sẵn sàng tốn kém
Theo Tấn Sang, việc sở hữu cùng lúc 3 chiếc xe máy khiến số tiền sửa chữa, bảo dưỡng bị độn lên nhiều. Linh kiện xe đắt đỏ, nhưng anh không dám thay thế bằng loại rẻ tiền bởi lo sợ hư hại phương tiện.
"Cứ khoảng 1-2 tháng, tôi lại mang xe đi bảo dưỡng một lần. Mỗi chiếc xe tiêu tốn 500.000-1 triệu đồng cho một lần 'thăm khám' như vậy. Chăm xe rất mệt, nếu không kiểm tra thường xuyên xe sẽ dễ bị hỏng, khi đó lại tốn kém thêm", anh tâm sự.
Tương tự Tấn Sang, Hoàng Duy (28 tuổi, Bình Dương) cũng khẳng định thú chơi xe cổ tiêu tốn cả thời gian, công sức và tiền bạc.
Anh hiện sở hữu Vespa mini 1963, Vespa Sprint và Vespa Px đời cũ. Trong đó, chiếc Vespa mini được anh mua và tân trang bộ máy cách đây vài năm với giá hơn 100 triệu đồng.
Theo Hoàng Duy, chiếc Vespa mini khan hiếm trên thị trường. Anh rất khó khăn để tìm được một chiếc ưng ý, đầy đủ giấy tờ với bộ máy còn tốt.
"Tính đến hiện tại, xe cổ là đam mê tốn kém nhất của tôi", anh bày tỏ.
Chiếc Vespa mini của Hoàng Duy được sơn sửa kỹ lưỡng theo yêu cầu. |
Thừa nhận tốn kém, nhưng hầu hết người chơi xe cổ đều đánh giá các dòng xe cổ nói chung và Vespa cổ nói riêng hầu như không mất giá. Nhiều bạn trẻ còn cho đây là khoản đầu tư hợp lý, vừa phục vụ sở thích cá nhân, vừa có thể bán lại mà vẫn đảm bảo giá trị.
Thái Băng (24 tuổi, Đồng Nai) hiện sở hữu Vespa Sprint Veloce 1972 - một trong những chiếc xe cổ khá hiếm tại Việt Nam. Anh cho rằng giá xe cổ đang tăng rất nhanh ở thời điểm hiện tại.
"Những năm trước, giá xe cổ rẻ vì không có phụ tùng để thay thế, sửa chữa. Nhưng vài năm gần đây, lượng người quan tâm, tìm hiểu đến xe cổ tăng cao vì vấn đề phụ tùng đã được giải quyết. Giá trị xe cũng từ đó mà được nâng lên", anh lý giải.
Tuy nhiên, Thái Băng cho rằng nếu xem xe cổ là một hình thức đầu tư, người bán cần phải có kiến thức rất sâu rộng. Còn không, họ chỉ nên xem đây là một sở thích, thú chơi để kết nối bạn bè, cộng đồng yêu xe.
Kén người chơi
Theo một số người trẻ sở hữu và đam mê xe cổ, họ không chỉ phải dành tiền bạc và thời gian để "chăm sóc" xe. Bên cạnh đó, mỗi người còn cần trang bị nhiều kiến thức về máy móc, phụ tùng, đồng thời có gu thẩm mỹ để mang lại cho chiếc xe vẻ ngoài độc đáo.
Trước khi quyết định mua chiếc Vespa Sprint Veloce, Thái Băng phải dành thời gian dài nhằm tìm hiểu kỹ về đời xe và cách thức bảo trì, bảo dưỡng. Sau đó, anh nhờ chuyên gia tư vấn xem mình nên giữ xe ở màu sắc nguyên bản hay thay đổi để phù hợp cá tính.
Chiếc Vespa Sprint Veloce được giữ lại nguyên bản. Trước khi ra quyết định này, Thái Băng phải tốn nhiều thời gian cân nhắc. |
"Chi ra số tiền không nhỏ, tôi nghiên cứu kỹ lưỡng về những phụ tùng thay thế cho xe, đặt mua hoặc săn lùng nếu xe yêu cầu linh kiện hiếm. Đối với bất cứ tay chơi xe cổ nào, việc tìm được một cửa hàng sửa xe uy tín với giá cả phải chăng là một thách thức lớn", anh nói.
Bên cạnh đó, anh cho rằng người chơi xe cần có kiến thức rõ ràng về dòng xe mình đang nhắm đến, nếu không sẽ dẫn đến tâm lý dễ chán nản sau thời gian ngắn.
"Do xe lâu đời nên việc hư hỏng trong quá trình chơi là điều không thể tránh khỏi, phụ tùng nguyên bản cũng khó kiếm và rất đắt đỏ. Đây là tâm lý chung mà người chơi xe cổ nên chuẩn bị trước", Thái Băng chia sẻ.
Tương tự như Thái Băng, Hoàng Duy cũng tốn nhiều thời gian để nghiên cứu thay đổi cho chiếc Vespa mini của mình. Anh đặt ra những yêu cầu khắt khe cho người thợ sửa chữa nhằm đảm bảo chiếc xe có ngoại hình đẹp và chất lượng tốt nhất.
"Tôi tìm đến những thợ sơn chuyên nghiệp về Vespa. Còn phần máy móc, tôi phải dành thời gian đồng hành cùng thợ máy, quan sát chi tiết các quy trình sửa chữa. Khi chơi xe cổ, bạn không cần quá giỏi nhưng phải biết được thợ đang làm gì với chiếc xe của mình", anh nói.
Chỉ dùng xe cổ đi dạo phố
Một vài dòng xe cổ có phân khối thấp, đây chính là yếu tố mà người mua xe cần cân nhắc kỹ càng.
Hoàng Duy cho biết chiếc Vespa mini của mình chỉ có phân khối 50 cc. Anh chi thêm 40 triệu đồng để độ lại bộ máy cho phương tiện này.
Những chiếc xe cổ khó đi đường xa, hầu hết chỉ được sử dụng khi di chuyển ngắn trong thành phố. |
Tấn Sang cũng là trường hợp tương tự. Chiếc Honda 1986 của anh chỉ có thể dùng để đi cà phê, dạo phố mà không thể đi xa. Anh đành bỏ chiếc xe này vào garage thỏa đam mê sưu tầm.
"Chơi xe cổ, nhưng chúng tôi đều có thêm một chiếc xe máy thông dụng khác để đi. Xe cổ không thích hợp để đi dưới mưa, đường đất hoặc đi vào trời tối khuya bởi khá nguy hiểm", anh cho hay.
Theo Tấn Sang, để có thể gắn bó lâu với thú chơi xe, người trẻ nên tham gia những hội nhóm xe cổ để được hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm. Đây cũng là nơi mọi người mở rộng mối quan hệ, có thêm những người bạn và duy trì niềm đam mê.
"Giá trị của chiếc xe cổ nằm ở tính nguyên bản, gắn liền với những cột mốc thời gian. Còn nếu yêu cầu một phương tiện đi lại thuận tiện, không ngại mưa, gió, tôi nghĩ bạn không nên theo đuổi loại xe này", Tấn Sang bộc bạch.