Theo The Korea Times, “người lao động chán nản” là những người hiện thất nghiệp và không tìm được việc làm trong 4 tuần qua. Họ không có lựa chọn công việc phù hợp mặc dù có đủ điều kiện và sẵn sàng làm việc. Họ cũng có kinh nghiệm và tham gia hoạt động tìm kiếm việc làm trong năm qua.
Theo đó, số liệu từ Cơ quan Thống kê Hàn Quốc cho thấy vào năm 2021, nền kinh tế lớn thứ tư châu Á có 628.000 “người lao động chán nản”, con số lớn nhất kể từ khi quốc gia theo dõi chỉ số này vào năm 2014.
Sự gia tăng kể trên được nhận định do thị trường lao động đang trở nên khó khăn do ảnh hưởng của các đợt bùng phát Covid-19.
Số lượng việc làm tại Hàn Quốc tăng lên, nhưng hầu hết đều là công việc tạm thời, thu nhập thấp. Ảnh: HRM Asia. |
Dữ liệu cũng cho thấy vào năm ngoái, Hàn Quốc có 128.000 người thất nghiệp, phải tìm kiếm việc làm trong 6 tháng hoặc lâu hơn. Con số này tăng 8,1% so với năm 2020 và chuyển sang xu hướng tăng sau 3 năm.
Cùng thời điểm, những người Hàn Quốc thất nghiệp dài hạn ở độ tuổi 20 và 30 tăng lên tới 65.000 người, chiếm hơn một nửa tổng số lao động thất nghiệp.
Sự gia tăng số lượng “người lao động chán nản” và những người thất nghiệp dài hạn diễn ra bất chấp tỷ lệ thất nghiệp của Hàn Quốc giảm xuống chỉ còn 3,7% vào năm 2021.