Hong Kong (Trung Quốc) vẫn là thị trường nhà ở đắt đỏ nhất thế giới năm thứ 11 liên tiếp. Giá nhà tăng phi mã ở xứ Cảng Thơm được cho là hệ quả của quá trình đô thị hóa quá nhanh, theo South China Morning Post.
Kể từ đầu những năm 1980, chính quyền Hong Kong liên tục giải phóng quỹ đất để phát triển các thị trấn mới nhằm đối phó với nhu cầu nhà ở ngày càng tăng do sự gia tăng dân số.
Ba thập kỷ sau, tình hình kinh tế và giáo dục ở thành phố đã được cải thiện rất nhiều, mở ra nhiều cơ hội hơn cho người dân.
Tuy nhiên, thách thức nảy sinh từ sự phát triển nhanh chóng lại nằm ở chỗ chất lượng cuộc sống đi xuống, nhất là nhóm đối tượng người trẻ, vốn đang phải đối mặt khó khăn về khả năng thăng tiến trong xã hội.
Thế hệ trẻ Hong Kong mong muốn sở hữu căn nhà của riêng mình nhưng ước mơ ấy ngày càng xa vời. Ảnh: Reuters. |
Lớp thanh niên Hong Kong cũng lo ngại về hậu quả của sự phân tầng xã hội càng làm suy giảm khả năng chi trả nhà ở của họ.
Có nhà riêng là một trong những ước muốn lớn nhất của người trẻ. Tuy nhiên, khi mức tăng thu nhập quá ít ỏi so với chiều hướng đi lên của giá nhà, ước mơ này ngày càng xa tầm với.
Thủ tục kiểm tra thế chấp mà các ngân hàng ở Hong Kong sử dụng để đánh giá liệu khách hàng có thể đáp ứng các khoản thanh toán khi lãi suất tăng hay không, được coi là một trong những trở ngại lớn nhất và khó vượt qua trong kế hoạch mua nhà của thanh niên.
Đối với những người có thể đáp ứng khoản trả trước, khoản chi lớn cũng thường tạo ra gánh nặng tài chính về sau.
Với xu hướng giá nhà hiện tại và để giải quyết khoản tiền đặt cọc lớn, hầu hết người mua bất động sản trẻ tuổi đều tìm kiếm sự hỗ trợ tài chính từ gia đình hoặc bắt buộc phải sống thắt lưng buộc bụng.
Giá nhà đất ở Hong Kong cao nhất thế giới 11 năm liên tiếp. Ảnh: SCMP. |
Vào tháng 2, đánh giá của Cục Đánh giá và Xếp hạng Hong Kong cho thấy 20.888 căn hộ tư nhân đã được xây dựng vào năm 2020. Con số được đánh giá là hoàn thành chỉ tiêu. Mặc dù vậy, nguồn cung nhà ở hiện tại vẫn được coi là không đủ so với mức hoàn thành trung bình hàng năm là 30.000 căn trong những năm 1990.
Ngoài ra, theo phát hiện từ một tổ chức nghiên cứu địa phương, sự xuất hiện của các căn hộ siêu nhỏ vào các năm gần đây đã góp 13% vào nguồn cung nhà ở tư nhân trong năm 2019. Đây được coi là xu hướng đáng lo ngại khi thế hệ trẻ chỉ có thể chi trả cho những không gian sống nhỏ bé, chật chội.
Để hỗ trợ cụ thể lớp người trẻ tuổi Hong Kong đang tìm cách sở hữu bất động sản, các chương trình hỗ trợ tài chính mới hoặc kế hoạch thế chấp ưu đãi được đề xuất. Tuy nhiên, những biện pháp này có thể là con dao hai lưỡi.
Các tòa nhà xập xệ, bên trong bị "chia 5 xẻ 7" ở Hong Kong. Ảnh: Sam Tsang. |
Năm 2019, cơ quan Cải tạo Đô thị khởi xướng chương trình "ngôi nhà mới" để thúc đẩy sở hữu nhà ở Hong Kong. Chủ sở hữu được yêu cầu giữ nhà của họ trong tối thiểu 5 năm trước khi xem xét bán hoặc cho thuê lại.
Ngoài ra, chủ nhà phải trả phí bảo hiểm đất đai trước khi có thể định đoạt tình hình nhà cửa của họ. Cuộc tranh cãi khác diễn ra xoay quanh chuyện bổ sung giới hạn độ tuổi áp dụng với những người nộp đơn cho chương trình nhà ở trợ cấp.
Do đó, các chính sách nhà ở này có thể không hiệu quả trong việc giải quyết vấn đề. Nguyên nhân cơ bản cuối cùng của việc giá bất động sản tăng chóng mặt vẫn là do nguồn cung các căn hộ không đủ.
Theo Chiu Kam-kuen, Giám đốc phụ trách thị trường Trung Quốc của công ty dịch vụ bất động sản thương mại toàn cầu Cushman & Wakefield, chính quyền Hong Kong cần tăng cường hiệu quả của các phương pháp quy hoạch lại đất đai hiện nay để tăng nguồn cung nhà đất, ưu tiên phát triển nhà ở giá rẻ.