Theo Daily Mail, một nhóm nghiên cứu tại Đại học Dundee (Scotland) tiến hành khảo sát hơn 1.000 học sinh trong độ tuổi 13-17. Các nhà khoa học yêu cầu những người tham gia đánh giá mức độ gắn bó của họ với người thuộc 3 nhóm quan hệ: gia đình, bạn bè và bạn cùng lớp.
Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí British Journal of Developmental Psychology như sau:
Những thanh thiếu niên có mối quan hệ tốt với người thân trong gia đình, bạn bè đồng trang lứa thường ít có khả năng sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, ma túy, cần sa. Ngược lại, tỷ lệ người trẻ không có quan hệ hòa hợp sử dụng các chất kể trên là rất cao.
Những người trẻ hòa đồng thường ít sử dụng các chất kích thích. |
Kristy Miller - tác giả, hiện là nghiên cứu sinh tại Đại học Dundee - cho biết: “Kết quả khảo sát cho thấy, thanh thiếu niên cần xác lập những mối quan hệ thân thiết với càng nhiều nhóm xã hội càng tốt. Điều này giúp họ chống lại nguy cơ gặp vấn đề tâm lý và hành vi tiêu cực”.
Cụ thể, trong số 1.000 đối tượng khảo sát có 14% hút thuốc lá, 31% uống rượu và 7,5% hút cần sa trong tháng qua.
Các nhà nghiên cứu chỉ rõ sự chênh lệch giữa tỷ lệ sử dụng chất kích thích của thanh thiếu niên có quan hệ xã hội không mấy tốt đẹp (nhóm 1) với những đứa trẻ có khả năng giao thiệp tốt với người thuộc 3 nhóm quan hệ được khảo sát (nhóm 2).
Số lượng người hút thuốc lá thuộc nhóm 1 là 24,1%, nhóm 2 chỉ là 8,8%.
Tương tự, tỷ lệ uống rượu và hút cần sa lần lượt là 41,6% và 13% người thuộc nhóm 1, 25,6% và 2,7% đối tượng thuộc nhóm 2.
Thanh thiếu niên hạn chế giao tiếp xã hội có nguy cơ gặp phải những vấn đề tâm lý khá cao. |
Trong một nghiên cứu trước đây, các chuyên gia từng khảo sát trên chính những thanh thiếu niên này. Đối tượng thuộc nhóm 1 có nguy cơ gặp phải vấn đề về sức khỏe tâm thần cao hơn gấp 4 lần so với nhóm 2.
Trong số thanh thiếu niên không có mối quan hệ xã hội thân thiết, 71% nói rằng, họ phải chịu đựng những vấn đề về sức khỏe tâm lý. Trong khi đó, chỉ có 17% người giao tiếp xã hội tốt gặp các vấn đề tương tự.