Việc thay đổi thói quen sinh hoạt như ăn đầy đủ chất, hạn chế thức khuya, căng thẳng và không hút thuốc lá cũng góp phần giảm rụng tóc. Ảnh: Verywellhealth. |
Minh Thảo (27 tuổi, nhân viên văn phòng tại TP.HCM) đang trải qua giai đoạn "khủng hoảng" khi đối mặt tình trạng rụng tóc. Sau khi thử qua mọi cách giảm rụng nhưng không hiệu quả, cô đành cắt tóc ngắn.
Không riêng Thảo, nhiều bạn trẻ đau đầu vì sau mỗi lần gội đầu, tóc lại rụng khắp nền nhà.
Không dám chải đầu, buộc tóc
Gần một năm nay, Minh Thảo sống trong cảnh lo lắng và buồn phiền về mái tóc của mình. Cô nàng này cho biết từ trước đến giờ, cô chưa bao giờ duỗi, uốn, nhuộm hay làm bất kỳ dịch vụ nào tác dụng nhiệt và hóa chất vào tóc.
"Đến giữa năm 2022, tôi thấy tóc bắt đầu rụng nhưng không đáng kể. Dần dần, tóc rụng ngày càng nhiều đến nỗi tôi không dám chải. Mỗi lần gội đầu, tôi có thể gom được cả nắm tóc", Thảo chia sẻ.
Vừa căng thẳng do công việc, vừa lo lắng rụng tóc, cuộc sống của Thảo bị ảnh hưởng rất nhiều. Cuối cùng, cô lựa chọn cắt tóc ngắn để đỡ rụng.
Mặc dù đã cắt tóc ngắn, tình trạng rụng tóc của Minh Thảo vẫn không cải thiện. Ảnh: NVCC. |
"Mệt mỏi sau cả ngày đi làm, lúc về đến nhà tôi chỉ muốn xõa tóc ra và nghỉ ngơi. Nhưng vừa tháo thun buộc tóc xuống là mấy chục sợi tóc bám vào thun rơi theo. Tôi chỉ biết lắc đầu và bất lực", Thảo buồn bã chia sẻ.
Từng được mọi người khen ngợi với mái tóc suôn mượt, dày đẹp, nhưng hiện tại, Bình Khanh (sống tại tỉnh Long An) cảm thấy thiếu tự tin với mái tóc mỏng và thưa thớt của mình.
Ngày nào cũng thế, cứ mỗi lần quét nhà, cô lại gom được một nắm tóc của mình. Từ một mái tóc dày, chắc khỏe, tóc Khanh dần dần thưa, mỏng và dễ đứt gãy.
"Những lần vô thức vuốt tóc, tôi lại thấy rụng vài ba cọng. Cứ mỗi lần chải đầu, tóc càng rụng nhiều hơn. Tôi thật sự nản nhưng không biết phải làm gì", Khanh tâm sự.
Để cải thiện tình trạng này, Khanh thử qua nhiều loại dầu gội đặc trị rụng và kích thích mọc tóc, trong đó, có sản phẩm hơn một triệu đồng. Trong thời gian đầu, Khanh thấy tóc đỡ rối, rụng ít. Nhưng vài tuần sau, tóc vẫn rụng nhiều.
Rụng tóc như thế nào mới đáng lo?
Theo thạc sĩ, bác sĩ Lê Thảo Hiền, khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TP.HCM, rụng tóc là vấn đề phổ biến hàng ngày ở cả nam và nữ. Tuy nhiên, một số người cảm thấy quá lo lắng, thậm chí căng thẳng khi thấy tóc rụng nhiều.
Bác sĩ Hiền cho biết rụng tóc có 2 dạng chính bao gồm rụng tóc sinh lý và rụng tóc bệnh lý. Nguyên nhân của rụng tóc sinh lý đến từ sự lão hóa theo lứa tuổi và việc thay đổi sinh lý của nội tiết tố.
Trong khi đó, rụng tóc bệnh lý có 2 nhóm nguyên nhân chính là bệnh lý da đầu và các bệnh lý tóc. Cụ thể, bệnh lý da đầu gồm dị ứng, bệnh tự miễn (lupus ban đỏ, viêm da đầu...), bệnh nhiễm trùng (nấm da đầu, viêm nang lông..), rối loạn nội tiết bệnh lý, bệnh tâm thần (tật giật tóc) hay suy dinh dưỡng. Trong khi đó, bệnh lý tóc có thể là nấm tóc, chấy rận…
Theo bác sĩ Hiền, nếu bị rụng dưới 100 sợi tóc/ngày với điều kiện da đầu và sợi tóc bình thường, mọi người không cần quá lo lắng. Trái lại, nếu rụng trên 100 sợi tóc/ngày kèm theo da đầu và/hoặc sợi tóc bất thường, đây được xem là rụng tóc do bệnh lý.
Để giảm thiểu và ngăn ngừa rụng tóc, bạn có thể sử dụng các sản phẩm xịt tóc chứa thành phần thuốc và/hoặc hoạt chất nuôi dưỡng tóc đã được chứng nhận an toàn. Các loại thuốc thường được sử dụng trong sản phẩm xịt tóc bao gồm minoxidil, selenium sulfide, ketoconazole... Một số hoạt chất an toàn giúp nuôi dưỡng tóc gồm kẽm, vitamin A, vitamin C, biotin, hyaluronate, omega 3…
Bên cạnh đó, dùng tinh dầu bưởi có thể góp phần giảm sự lão hóa, cung cấp chất dinh dưỡng cho da đầu và tóc nếu chọn đúng sản phẩm uy tín, chất lượng. Tinh dầu bưởi được chiết xuất từ vỏ bưởi, chứa một số chất như pectin, naringin, đường ramoza, vitamin A và vitamin C.
Bác sĩ Hiền khuyến cáo để đảm bảo an toàn và hiệu quả, bạn nên đọc kỹ thành phần hoạt chất, chọn lựa nhãn hiệu uy tín chất lượng, đặc biệt hỏi ý kiến bác sĩ da liễu trước khi mua.
Ngoài ra, bạn có thể cải thiện tình trạng này từ bên trong bằng cách thay đổi chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt nếu bị rụng tóc do sinh lý hoặc do vấn đề dinh dưỡng.
Người bị rụng tóc cần bổ sung đầy đủ chất từ thịt, cá lẫn rau củ. Trong đó, các loại thực phẩm chứa nhiều chất dinh dưỡng cho tóc và da đầu gồm thịt gà, tôm, hàu, cá (cá ngừ, cá hồi, cá thu..), trứng, rau củ quả (cà rốt, bơ, ổi, cải thìa, súp lơ, cải bó xôi...), các loại hạt (hạnh nhân, đậu nành, hướng dương…).
Đồng thời, bạn cần thay đổi thói quen sinh hoạt như hạn chế thức khuya, ngủ đủ giấc, không hút thuốc lá, kiểm soát căng thẳng và áp lực.
“Rụng tóc gây ra căng thẳng và căng thẳng cũng khiến cho rụng tóc nặng hơn. Do đó, khi phát hiện tóc rụng bất thường, bạn cần đến gặp bác sĩ da liễu sớm để thăm khám, tìm ra nguyên nhân và điều trị kịp thời”, bác sĩ Hiền chia sẻ.
Thế nào là chế độ ăn kiêng tốt nhất? Làm thế nào để ngừng lo lắng về cân nặng và tập trung vào việc sống lành mạnh? Để giải quyết mối quan tâm về vấn đề này, mục Sức khỏe của Zing giới thiệu bạn cuốn sách Chỉ dẫn để sống khỏe toàn diện của tác giả Shaun Francis. Sách sẽ giúp người đọc tập trung việc ăn uống lành mạnh, rèn luyện thể chất và giữ tinh thần minh mẫn trong thời buổi bận rộn.