Ngày Tết cận kề, những người con xa xứ đều mong ngóng trở về nhà, đoàn viên cùng gia đình. Và hành trang gói ghém mang về năm nay sẽ chứa nhiều điều đặc biệt, nhất là sau một năm Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng từ Covid-19. Đó có thể là niềm hạnh phúc được trao tặng gia đình một món quà nhỏ từ tích góp cả năm, hay đơn giản là sự khỏe mạnh, bình an khi trở về.
Cảm xúc bất ngờ cho người thân
Thích cuộc sống hiện đại và cởi mở, Nguyễn Lê Tuấn (25 tuổi, Quảng Nam) đã đến TP.HCM làm việc 7 năm nay. Trong năm 2021, anh dự định về quê nhiều lần nhưng đều bị hoãn do giãn cách. Hiện vé máy bay về quê đã được đặt sẵn, nhưng anh cũng chuẩn bị tâm lý cho một năm đón Tết xa nhà vì diễn biến dịch bệnh ở quê nhà đang phức tạp.
Nguyễn Lê Tuấn 25 tuổi, quê Quảng Nam. Ảnh: NVCC. |
Sống độc lập nên thời điểm trước đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, Lê Tuấn và mẹ ít liên lạc, mỗi tháng chỉ gọi nhau 3-4 lần. Tuy nhiên, giai đoạn TP.HCM giãn cách, hầu như ngày nào 2 mẹ con cũng gọi Zalo. Nhờ vậy, anh cảm thấy có nhiều thời gian cho mẹ hơn dù không ở cùng nhau.
Dù gặp nhau qua màn hình điện thoại nhưng đây là nguồn động viên lớn giúp Tuấn bớt cô đơn khi phải ở nhà một mình. Hiện công việc đã dần trở lại bình thường nên vào thứ 7 và chủ nhật hàng tuần, cả gia đình sẽ gọi nói chuyện với nhau. Anh cho biết, sau đợt đại dịch này, anh trân quý hơn khoảnh khắc được gặp mặt và trò chuyện cùng người thân.
Nguyễn Lê Tuấn chụp ảnh cùng gia đình tại Hội An vào Tết 2021. Ảnh: NVCC. |
“Tôi và mẹ khá thân, gặp nhau chỉ có cười thôi, nên dịp Tết cũng không quá áp lực. Tôi nghĩ mỗi người nên chia sẻ thẳng thắn với phụ huynh, không nên quá gay gắt trước các vấn đề về tài chính hoặc tình cảm vào cuối năm. Thay vào đó nên nhìn thẳng vào thực tế, nếu hiện tại công việc chưa tốt, thu nhập chưa cao thì có thể cố gắng thay đổi”, Tuấn chia sẻ.
Tết năm nay, anh muốn tạo bất ngờ bằng một chuyến du lịch Hội An, chụp cho mẹ bộ ảnh đẹp. Gia đình ở nông thôn, quanh năm vất vả nên anh hy vọng mẹ sẽ thích món quà nhỏ này.
Tình cảm gắn kết sum vầy
Với Ka Brối (28 tuổi, Lâm Đồng), cô nhớ như in thời điểm dịch bệnh căng thẳng, trên đường đi tiêm vaccine, lần đầu chứng kiến cảnh khắp nơi giăng dây, rào chắn, đường phố vắng tanh... Lúc đó, cô không dám đọc tin tức vì càng đọc càng thấy buồn và bất an.
Ka Brối 28 tuổi, quê Lâm Đồng. Ảnh: NVCC. |
Trước đây, năm nào cô cũng tranh thủ dành những ngày nghỉ lễ để về thăm gia đình, 2021 là năm đầu tiên mà cô chưa về quê kể từ sau Tết Nguyên đán. Tuy buồn, nhưng Ka Brối nghĩ giữa lúc dịch tràn lan, không về nhà vẫn tốt hơn. Mỗi tuần, cô gái trẻ gọi Zalo cho gia đình 3-4 lần để trò chuyện, gửi hình ảnh cho mọi người xem. Đây cũng là cách bạn bè và họ hàng cô dùng để hỏi thăm, an ủi nhau trong những ngày giãn cách.
Tổng kết năm 2021, cô cho biết: “Tôi hài lòng vì mình đã cố gắng và công việc vẫn tốt. Trong năm qua có lẽ nhiều người đã mất việc hay mãi mãi mất đi người yêu thương. Do đó, tôi nghĩ những ai bình an, được về sum vầy với gia đình dưới mái nhà quen thuộc đã là món quà vô giá, khó thay thế được”.
Ka Brối tận hưởng khoảng thời gian sum họp bên gia đình. Ảnh: NVCC. |
Điều làm cô tự hào nhất trong năm nay là sự thay đổi tích cực của bản thân. Ka Brối cho biết, trước đây, cô ít chia sẻ với gia đình, bạn bè, người thân, nhưng trong mùa dịch này, cô đã kết nối với mọi người nhiều hơn. “Khi thật sự không thể gặp mặt trực tiếp bố mẹ và anh chị em, tôi càng thấm thía về giá trị gia đình. Hy vọng năm mới đại dịch sớm qua đi, để không còn ai phải chia ly và khó khăn nữa”, Ka Brối chia sẻ.
Quan tâm, chăm sóc gia đình
“Đã gắn bó với TP.HCM hơn 7 năm, nhưng mỗi lần xa nhà tôi lại có cảm giác tiếc nuối kỳ lạ, nhớ những bữa cơm của mẹ, cảm giác sum họp gia đình. Với tôi, dù có đi đâu chăng nữa, nhà vẫn là nơi mong đợi được trở về. Tôi nghĩ đã đến tuổi bản thân nên là điểm tựa cho mẹ, không còn những ngày tháng vô tư, chờ sự bảo bọc của mẹ nữa”, Ngô Thanh Thà (25 tuổi, Kiên Giang) chia sẻ.
Ngô Thanh Thà 25 tuổi, quê Kiên Giang. Ảnh: NVCC. |
Những tháng phong tỏa là thời điểm Thanh Thà thấy cô đơn nhất, nhưng may mắn gia đình luôn là điểm tựa để anh vượt qua và cố gắng mỗi ngày. Trước đây, mẹ anh không thích smartphone vì khó sử dụng. Do dịch bệnh kéo dài, anh không về nhà được nên mẹ đã tập dùng nhiều hơn. Sau đó, hôm nào hai mẹ con cũng “tám chuyện” qua Zalo mấy chục phút. Dù xa cách về mặt địa lý, anh cũng vơi bớt nỗi nhớ khi có thể nhìn mẹ qua cuộc gọi video.
Mỗi lần về quê, Ngô Thanh Thà đều chụp nhiều ảnh cùng mẹ để ngắm nhìn cho đỡ nhớ lúc xa nhà. Ảnh: NVCC. |
“Chưa bao giờ những ngày cận Tết, lòng tôi lại phân vân xen lẫn nôn nao như lúc này. Nôn nao vì sau gần 9 tháng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, tôi có thể về nhà đoàn viên. Tuy nhiên, tôi vẫn phân vân bởi không biết nên về hay ở, dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp, sợ không may mang nguồn bệnh về nhà”, Thanh Thà chia sẻ.
Anh cho biết, hành trang về quê ăn Tết năm nay sẽ khá đặc biệt. Không phải món quà xa xỉ về vật chất, anh nghĩ sự trưởng thành và sức khỏe là thứ làm mọi người thấy an tâm và vui vẻ. Sau một năm đầy biến cố, niềm vui lớn nhất là được bình an và có sức khỏe tốt để chăm sóc gia đình, người thân.
Bình luận