Zing.vn trích dịch bài viết đăng trên South China Morning Post, đề cập tới thực trạng ngày càng nhiều thanh thiếu niên Mỹ gốc Á và người dân đảo Thái Bình Dương trong độ tuổi 15-24 tự tử do áp lực nặng nề về sự thành công và xung đột bản sắc văn hóa dẫn đến trầm cảm.
Katherine Tong hồi tưởng khoảnh khắc ngồi trong nhà thờ vào năm 2013, lắng nghe điếu văn từ người cha mất con trai vì tự sát. Cô thầm nghĩ: “Ơn Chúa, gia đình chúng tôi vẫn ổn”.
Nhưng chỉ 6 tháng sau, Evan Tong - con trai riêng của cô - cũng kết thúc cuộc đời theo cách tương tự ở tuổi 17.
Gia đình biết Evan bị trầm cảm, nhưng chưa bao giờ nghĩ tới khả năng cậu bé tự sát - chuyện vẫn được coi là cấm kỵ trong nhiều gia đình châu Á.
Trong thập kỷ qua, tỷ lệ tự tử ở người trẻ châu Á ở Mỹ tăng đáng kể.
Đối với người Mỹ gốc Á và người dân quần đảo Thái Bình Dương (AAPI) trong độ tuổi 20-24, tỷ lệ tự tử tăng từ 7,4% lên 13,6% ở giai đoạn 2011-2018, theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC).
Tự tử cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong với AAPI ở độ tuổi 15-24, theo CDC.
Cụ thể, trong độ tuổi 20-24, tự tử chiếm 33,1% nguyên nhân tử vong của AAPI trong năm 2017 - cao nhất trong tất cả nhóm người. Ngược lại, con số này là 21% với người da trắng ở cùng nhóm tuổi.
Jorge Wong - nhà tâm lý học lâm sàng tại Đại học Palo Alto - nhận định số liệu thống kê này “đáng báo động”.
Tỷ lệ tự tử trong giới trẻ châu Á ở Mỹ đã tăng vọt trong thập kỷ qua. Ảnh: Shutterstock. |
Áp lực phải là người giỏi nhất
Dù chưa rõ những yếu tố nào dẫn đến xu hướng tự tử ngày càng tăng trong nhóm người gốc Á trẻ tuổi, Wong trích dẫn một vài thay đổi về văn hóa và xã hội có thể gây tổn hại cho sức khỏe tâm thần, khiến người Mỹ gốc Á nghĩ đến cái chết.
Wong nhận định mạng xã hội có thể là một yếu tố.
“Mọi người đều đang chú tâm vào mạng xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ”, giáo sư Wong nói.
Ông cho hay cuộc sống “lý tưởng” được vẽ ra trên mạng sẽ gây áp lực và tâm lý nghi ngờ cho người dùng. Việc phát tán thông điệp chết chóc và tiếp xúc trực tuyến với các trường hợp tự tử cũng có thể làm trầm trọng thêm vấn đề, đặc biệt đối với thanh thiếu niên.
“Sự gia tăng của tư tưởng phân biệt chủng tộc trong và ngoài nước Mỹ trong những năm gần đây cũng có thể đóng vai trò”, ông Wong nói.
Mặc dù người Mỹ gốc Á thường gặt hái thành công ở Mỹ, các chuyên gia về sức khỏe tâm thần cho rằng sự kết hợp của áp lực phải thành công và xung đột bản sắc văn hóa đang đe dọa sức khỏe tâm thần của nhóm này.
Trên hết, tâm lý kỳ thị sâu sắc liên quan đến bệnh tâm thần ở các gia đình châu Á có thể ngăn cản người trẻ tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên nghiệp, dẫn đến hậu quả chết người.
Việc phát tán thông điệp chết chóc và tiếp xúc trực tuyến với các trường hợp tự tử cũng có thể làm trầm trọng thêm vấn đề, đặc biệt đối với thanh thiếu niên. Ảnh: Getty. |
Eric Lu là một “đứa trẻ vàng” châu Á điển hình - là sinh viên Trường Y Harvard có đầy tiềm năng trở thành bác sĩ danh tiếng - trước khi bị trầm cảm nặng và có ý nghĩ tự tử vào năm 2014.
Sinh ra ở Đài Loan (Trung Quốc), Lu chuyển đến Texas cùng gia đình năm 3 tuổi. Giống như đa số người Mỹ gốc Á thế hệ thứ hai, gia đình Lu nhấn mạnh các giá trị như sự vâng lời người lớn tuổi và tập trung tối đa vào thành công trong học tập.
Theo Lu, nhiều nguyên tắc trong số đó mâu thuẫn với quan điểm của người Mỹ mà anh được tiếp xúc ở trường.
“Tôi không nghĩ mình lớn lên mà thực sự được phát triển ý thức cá nhân”, Lu nói.
Thay vào đó, anh học được cách thích ứng linh hoạt với lối suy nghĩ dù ở nhà hay ở trường - nơi chủ yếu là người da trắng.
Lu hòa hợp theo lối sống ở hai môi trường cho đến năm học đầu tiên tại Trường Y Harvard. Thời điểm đó, anh tìm thấy niềm đam mê thực sự của mình và nghỉ học để theo đuổi giấc mơ làm phim.
Cha mẹ Eric Lu không chấp nhận việc con cái đặt cược vào sự nghiệp không ổn định. Họ phản đối, dọa cắt hỗ trợ tài chính, thậm chí từ mặt con trai.
Mỗi khi được nghỉ học, Lu lại chiến đấu với suy nghĩ lựa chọn nghề nghiệp trong suốt 2-3 tiếng.
Lu - hiện là nhà làm phim - cho biết anh cảm thấy rối bời khi nghĩ về mối quan hệ gia đình và ý thức cá nhân mới khám phá ra. Cuối cùng, chàng trai nhượng bộ và trở lại trường Y.
Ngay sau đó, Lu rơi vào trạng thái trầm cảm và bắt đầu có ý nghĩ tự tử. Trong hơn một tháng, anh chỉ nghĩ đến việc nhảy khỏi ban công căn hộ ở tầng 17 của mình.
Trải nghiệm của Lu phản ánh mối lo lắng mà những người Mỹ gốc Á trẻ tuổi có thể cảm thấy từ áp lực phải đạt được thành tích xuất sắc trong học tập và chuyên môn.
Người gốc Á luôn được mặc định là siêng năng, có học thức và được trả lương cao. Ảnh: The Conversation. |
Một nghiên cứu gần đây của Đại học Indiana cho thấy khả năng các vấn đề ở trường học góp phần dẫn đến quyết định tự tử đối với AAPI dưới 25 tuổi cao gấp đôi so với nhóm người khác.
Giáo sư Y. Joel Wong - người đứng đầu nghiên cứu - cho biết kết quả này xuất phát từ những kỳ vọng đặc biệt cao về thành tích của cả sinh viên gốc Á lẫn phụ huynh của họ.
Nhưng áp lực không chỉ đến từ các gia đình châu Á, mà từ cả thế giới bên ngoài.
Suy nghĩ “khuôn mẫu” về người gốc Á - siêng năng, có học thức và được trả lương cao - là điều thế hệ người Mỹ gốc Á thứ hai phải đối mặt. Tương tự, sinh viên gốc Á thường được “gắn mác” trầm tính, ngoan ngoãn và yếu đuối trong các mối quan hệ xã hội.
George Qiao - nhà nghiên cứu về sức khỏe tâm thần ở Boston - cho biết những định kiến như vậy thúc đẩy sự nghi ngờ bản thân trong giới trẻ châu Á.
“Ngay cả khi bạn thành công, không ai nghĩ bạn xứng đáng được ăn mừng. Mọi người sẽ nói: ‘Ồ, bạn đã vượt qua tất cả bài kiểm tra? Vì bạn là người châu Á đấy’”.
Một tác động trực tiếp của sự xung đột bản sắc của hai nền văn hóa là cảm giác cô lập và bất an.
“Có một bức tường ngăn cách tôi với người Mỹ da trắng. Đồng thời, tôi cũng từ bỏ rất nhiều di sản châu Á”, Qiao nói.
Không được lắng nghe, chia sẻ
Khi nằm trong phòng cấp cứu vì dùng thuốc quá liều, Kinda Xie đã âm thầm chịu đựng chứng trầm cảm trong 4 năm.
Xie nhớ lại câu trả lời bực bội của bố mẹ khi cô lần đầu tiên xin đi tư vấn tâm lý năm 14 tuổi.
“Cảm giác không phải là thật đâu. Hãy vượt qua nó”, hai người tức giận và thất vọng về sự thất bại của con gái.
Sau đó, Xie tự mình vật lộn với những cảm xúc mãnh liệt mà không có được giúp đỡ từ người thân. Cô che giấu cảm xúc của mình trước mặt người khác, nhưng sự chán nản của cô ngày càng trầm trọng.
Những lúc ở một mình, Xie sẽ cắt vào da thịt để cố gắng làm với đi nỗi đau, hoặc sẽ lạm dụng thuốc. Ảnh: Reblogge. |
Những lúc ở một mình, Xie sẽ cắt vào da thịt để cố gắng làm với đi nỗi đau, hoặc sẽ lạm dụng thuốc.
“Tôi không có cách nào lành mạnh để đối phó với những cảm giác cực đoan này”, cô nói.
Sau khi bình phục, Xie đã chia sẻ câu chuyện của mình với một tạp chí chăm sóc sức khỏe trực tuyến.
Bài viết của cô nhận được hơn 2.800 lượt thích và sự đồng cảm từ những người gốc Á trẻ tuổi khi quá khó để tìm kiếm sự giúp đỡ từ gia đình.
Hiện nay, các tổ chức như Dịch vụ Sức khỏe Tâm thần Didi Hirsch ở Los Angeles cung cấp các nguồn lực ngăn ngừa tự tử - từ tiếp cận giáo dục đến đường dây nóng - bằng ngôn ngữ châu Á, để lấp đầy sự thiếu hụt các dịch vụ tâm thần nhạy cảm về văn hóa cho công chúng.
"Thế hệ trẻ có xu hướng sẵn sàng thảo luận về các vấn đề sức khỏe tâm thần, nhưng cần phải làm nhiều hơn để ngăn chặn họ chuyển sang tự tử", ông Jorge Wong nói.
Y. Joel Wong - trưởng nhóm nghiên cứu tỷ lệ tự tử của Đại học Indiana - cho biết tác động của các bậc cha mẹ có thể ảnh hưởng đến cách suy nghĩ của con cái. Bởi vậy, cha mẹ nên nói yêu con dù họ có làm gì đi chăng nữa.
"Điều quan trọng nhất là khi cảm thấy không ổn, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ", Larissa Lam - người dẫn chương trình truyền động lực - khuyên người Mỹ gốc Á nên hòa hợp hai mặt của bản sắc và tìm kiếm sự hỗ trợ khi cần.