Zing trích dịch bài đăng trên DW, đề cập tới “yami kawaii” - xu hướng thời trang được coi là cách hoàn hảo để người trẻ bộc lộ mảng tối nội tâm, bức xúc trong lòng ra bên ngoài giữa dịch Covid-19.
Với miếng dán mắt, máu giả và hình ảnh chân tay bị băng bó, nét văn hóa “yami kawaii” của thời trang Nhật Bản có thể gây cảm giác ái ngại, lo lắng cho nhiều người. Tuy nhiên, đây được coi là cách giúp một bộ phận người trẻ xứ sở hoa anh đào truyền đạt cảm xúc tiêu cực mà họ không thể nói ra.
“Yami kawaii” bao gồm hình ảnh, màu sắc dễ thương của văn hóa “kawaii” chính thống, nhưng kết hợp thêm một số hình ảnh ảm đạm hơn - áo phông đen in hình con dao hoặc thông điệp tiêu cực; dây chuyền, ống tiêm giả chứa đầy máu.
“Yami kawaii”, với “yami” có nghĩa là bệnh tật và đen tối, lần đầu nổi lên như một hiện tượng văn hóa vào năm 2015. Phong cách này đang gây chú ý trở lại khi tỷ lệ tự tử ở phụ nữ trẻ Nhật Bản tăng cao sau nhiều năm giảm.
“Yami kawaii” lần đầu nổi lên như một hiện tượng văn hóa vào năm 2015. Ảnh: Imago Images. |
Giao tiếp thông qua thời trang
Cơ quan Cảnh sát quốc gia Nhật Bản cho biết trong tháng 8 vừa qua, có 1.854 vụ tự tử được báo cáo trên cả nước, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng nữ giới tự sát tăng hơn 40%.
Các chuyên gia cho biết tỷ lệ tự tử và các vấn đề sức khỏe tâm thần gia tăng ở xứ sở hoa anh đào có thể do đại dịch Covid-19 đã gây gián đoạn cuộc sống của người dân.
Giữa dịch Covid-19, “yami kawaii” là cách hoàn hảo để những người đấu tranh với các cảm xúc tiêu cực thể hiện bản thân. Ảnh: Refinery29. |
Nhiều người lo ngại về chuyện mất việc hoặc giảm thu nhập. Số khác căng thẳng vì không thể gặp gỡ bạn bè, người thân hoặc không có kỳ nghỉ vào mùa hè này.
Hơn 8 tháng sau khi các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên được báo cáo ở Nhật Bản, nhiều người ngày càng trở nên bi quan về tương lai trước mắt.
Tuy nhiên, do vấn đề sức khỏe tâm thần và tự tử phần lớn vẫn bị coi là chủ đề cấm kỵ trong văn hóa Nhật Bản, thời trang “yami kawaii” là cách hoàn hảo để những người đấu tranh với các cảm xúc đó thể hiện bản thân.
Misha Janette, blogger kiêm nhà phê bình thời trang ở Tokyo, cho biết: “Đối với những người yêu thích thời trang ‘yami kawaii’, đó là cách giúp họ giảm bớt chứng trầm cảm và cảm giác tiêu cực bên trong. Xu hướng này gần như là cosplay, dùng cách ăn mặc và ngoại hình để giễu cợt bệnh tâm thần của họ”.
Kyle Cleveland, giáo sư văn hóa Nhật Bản tại Đại học Temple ở Tokyo, cho biết những tín đồ trẻ tuổi của thời trang đang sử dụng “yami kawaii” để “nói lên điều gì đó có ý nghĩa về cộng đồng của họ, cho dù đó là vấn đề sức khỏe tâm thần hay nhóm người bị cô lập về mặt xã hội”.
Cách an toàn để bộc lộ cảm xúc
“Yami kawaii” được cho bắt nguồn từ một bộ truyện tranh của tác giả Ezaki Bisuko. Cha mẹ Bisuko ly hôn khi anh còn nhỏ. Chấn thương này cùng với việc bị bắt nạt khiến anh phát bệnh tâm thần.
Bill Cleary, giám đốc của dịch vụ tư vấn TELL Lifeline ở Nhật Bản, nói rằng mặc dù mang ý nghĩa “đen tối và bệnh hoạn”, xu hướng thời trang “yami kawaii” cũng có thể hữu ích đối với một số người không có cách nào khác để truyền đạt cảm xúc.
“Yami kawaii” được cho bắt nguồn từ một bộ truyện tranh của tác giả Ezaki Bisuko. Ảnh: Tokyo Fashion. |
“Nhiều người gặp vấn đề trong việc thể hiện cảm xúc. Đối với một số cá nhân, đó là sự xấu hổ, cô lập, sợ hãi, biểu hiện của bệnh trầm cảm, bệnh tật hoặc sợ cái chết”, ông nói.
Theo Cleary, nếu đặt vào bối cảnh hiện nay, phong cách này có thể được coi là cách an toàn để bộc lộ cảm giác trong lòng ra bên ngoài.
“Nó cũng cho phép tạo ra cộng đồng mà ở đó, mọi người có thể nói chuyện và chia sẻ kinh nghiệm của bản thân. Tất cả đều là điều có ích lợi”, ông đánh giá.
Cleary nói nhiều thanh niên, đặc biệt là phụ nữ trẻ, tìm đến TELL Lifeline để nhờ tư vấn đang phải vật lộn với các vấn đề về hình ảnh cơ thể, tự làm hại bản thân và tự sát.
Bởi vậy, theo ông, bất cứ điều gì có thể giúp một cá nhân “hiểu” về những cảm xúc của họ và thể hiện chúng thông qua trang phục, phụ kiện hoặc lối trang điểm đều là điều tích cực.
“'Yami kawaii' giúp họ không còn cảm thấy xấu hổ về bản thân”, Cleary nhận định.
Ông nói thêm: “Nếu cộng đồng yêu thích 'yami kawaii' có thể được khuyến khích và không đi theo chiều hướng đen tối hơn, tôi nghĩ sẽ có những lợi ích rõ ràng đối với xu hướng thời trang thể hiện được cảm xúc mà lẽ ra chỉ ở bên trong một con người”.