Ở tuổi 37, Sho (sống ở tỉnh Saitama, phía bắc Tokyo) nói rằng anh hài lòng với cuộc sống hiện tại.
Anh có mức thu nhập ổn định, đủ tiêu xài thoải mái, thời gian rảnh rỗi để tận hưởng một số sở thích cá nhân, gặp gỡ bạn bè thân thiết. Điều duy nhất anh không có là một người vợ.
Báo cáo của chính phủ Nhật Bản công bố trong tháng này cho thấy Sho là một trong số nhiều người trẻ ở độ tuổi 30 chưa kết hôn, từ chối tình dục và không có ý định lập gia đình.
Đó là vấn đề đáng lo ngại với xứ sở hoa anh đào khi quốc gia này đang đối mặt với tình trạng tỷ lệ sinh giảm và dân số già đi nhanh chóng, theo DW.
Nhiều người Nhật không muốn tìm kiếm bạn đời sau tác động của đại dịch. Ảnh: Japan Times. |
Thờ ơ với yêu đương
Theo báo cáo về giới vào năm 2022 của Văn phòng Nội các, 25,4% phụ nữ và 26,5% nam giới trong cùng 30 tuổi cho biết họ không muốn tìm bạn đời. Tương tự, hơn 19% thanh niên và 14% cô gái ở độ tuổi 20 thờ ơ với chuyện hôn nhân.
Năm 2021, Nhật Bản ghi nhận 514.000 cặp vợ chồng đăng ký kết hôn, con số thấp nhất kể từ khi Thế chiến II kết thúc, giảm mạnh so với 1,029 triệu đám cưới vào năm 1970.
Những phụ nữ tham gia cuộc khảo sát nói rằng họ ngại lấy chồng vì thích sự tự do, có sự nghiệp viên mãn và không muốn mang gánh nặng của bà nội trợ truyền thống như làm việc nhà, nuôi dạy con cái, chăm sóc cha mẹ già.
Còn với nam giới, họ duy trì cuộc sống độc thân để được hưởng các quyền tự do cá nhân, không phải lo lắng về sự mất an toàn trong công việc và đau đầu kiếm tiền, trang trải cho gia đình.
Điều đó hoàn toàn đúng với Sho. “Tôi rất vui vì được làm những gì mình muốn mà không cần nghĩ về bất kỳ ai khác. Tôi có thể thức khuya để chơi game trên máy tính hoặc xem phim yêu thích ở rạp, gặp gỡ bạn bè”, Sho chia sẻ.
Không ít thanh niên ở xứ sở hoa anh đào phớt lờ chuyện hẹn hò, hôn nhân. Ảnh: New York Times. |
Sho cho hay một số người bạn của anh khi kết hôn thường thay đổi và hạn chế tụ tập bên ngoài. Anh không còn gặp họ nhiều nữa. Người này cho rằng việc có bạn gái hay vợ là một điều phiền phức (mendokusai - thuật ngữ tiếng Nhật).
“Quan niệm về gia đình Nhật Bản đang bị ‘xô nghiêng’ và hôn nhân không còn được coi như một mạng lưới an toàn để đảm bảo cuộc sống ổn định”, kết luận trong báo cáo của Văn phòng Nội các.
Số liệu thống kê do Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi công bố cho thấy 811.604 trẻ sơ sinh chào đời vào năm 2021 - ít hơn gần 30.000 em bé so với năm trước.
Cơ quan này nhận định đại dịch Covid-19 đã tác động nặng nề lên tỷ lệ sinh và chứng kiến mức giảm trong 6 năm liên tiếp xuống 1,30. Bên cạnh đó, cùng với 1,44 triệu người qua đời trong cùng năm, dân số của đất nước này đang giảm nhanh hơn dự đoán.
Nhìn chung, dữ liệu đều thể hiện sự sụt giảm dài hạn về số lượng thanh niên muốn kết hôn và sinh con. Đây là những con số mà chính phủ Nhật Bản cần theo dõi nếu muốn giữ đất nước phát triển trong vài thập kỷ tới.
Không từ bỏ sự nghiệp
Aya Fujii, một nhà tâm lý học, người cung cấp hỗ trợ sức khỏe tâm thần cho chương trình tìm kiếm việc làm do chính phủ điều hành ở Tokyo, chỉ ra rằng tỷ lệ sinh của Nhật Bản đã giảm kể từ những năm 1970. Nhưng vấn đề đang trở nên nghiêm trọng hơn khi Nhật Bản đấu tranh để tìm ra cách ngăn chặn tình hình này.
“Không giống như các quốc gia khác, mức lương ở Nhật về cơ bản vẫn giữ nguyên trong nhiều năm. Điều đó khiến người trẻ xem đó là gánh nặng tài chính quá lớn khi lập gia đình”, Fujii nói.
Do vậy, ngày càng nhiều phụ nữ chọn tiếp tục làm việc thay vì kết hôn. Họ nhận ra sự nghiệp mới là điều quan trọng và tiếp tục phấn đấu để lên chức cao hơn. Vì thế, áp lực công việc khiến nhu cầu có gia đình trở nên khó khăn và thế hệ nữ giới đi làm ngày càng độc thân.
Dân số Nhật đang già đi nhanh chóng trong khi người trẻ lại không muốn yêu đương. Ảnh: New York Times. |
Ngoài ra, Fujii cho rằng sở thích đối với truyện tranh manga và các chương trình anime cũng là một phần của vấn đề.
“Ngày nay, người trẻ thích gặp gỡ và nói chuyện người trong thế giới ảo. Các nhân vật trong manga và anime không tranh cãi hay nói lại. Điều đó khiến họ dễ chịu hơn”.
Theo Fujii, giới trẻ ở đất nước mặt trời mọc còn thiếu các kỹ năng xã hội. Tình trạng này còn trầm trọng hơn khi nhiều gia đình chỉ có một con. Đứa trẻ lớn lên không có sự tương tác hoặc phát triển các kỹ năng xã hội mà chúng cần.
Bà tin rằng dân số sẽ không ngừng thu hẹp trong tương lai gần.
“Cuối cùng, những người trong độ tuổi 20-30 ở Nhật Bản sẽ không thể giao tiếp với người khác giới và gặp khó khăn trong việc tìm kiếm bạn đời. Mô hình dân số ngày càng giảm sẽ tiếp tục diễn ra”.