Từ những bộ đồ mặc khi đi chạy bộ đến loạt quần áo mùa hè, Lea Baecker đã tự tay may hầu hết quần áo trong tủ đồ. Cô là một trong số những thợ may nghiệp dư trẻ tuổi ở London.
Theo AFP, nhóm những người trẻ tuổi đam mê tự may quần áo ngày càng tăng. Họ đang mất niềm tin vào ngành công nghiệp bán lẻ.
"Động lực chính của tôi là không phải mua quần áo may sẵn nữa. Tôi không muốn ủng hộ thời trang nhanh", Lea Baecker nói. Cô nhận thấy quần áo được làm với giá rẻ sẽ bị vứt bỏ một cách dễ dàng.
Tự may trang phục vì phản đối thời trang nhanh
Lea Baecker bắt đầu học may vào năm 2018. Cô làm quen dần với việc may vá từ những chiếc túi nhỏ, rồi dần chuyển sang quần áo.
Sau 4 năm, Lea Baecker ước tính 80% quần áo trong tủ là tự may. Các mẫu quần jeans được làm từ vật liệu tái chế. Lea Baecker tự làm đồ ngủ và các mẫu áo khoác dáng dài. Giờ đây, cô không phải chi quá nhiều tiền cho quần áo mới.
Thời trang nhanh gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: businessoffashion. |
Theo một báo cáo năm 2021 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, ngành công nghiệp dệt may và thời trang là lĩnh vực gây ô nhiễm thứ 3 trên toàn cầu sau thực phẩm và xây dựng. Mục này chiếm tới 5% lượng khí thải nhà kính.
Các nhà bán lẻ thời trang giá rẻ thường xuyên bị chỉ trích vì lượng chất thải gây ô nhiễm. Bên cạnh đó, điều kiện làm việc và vấn đề trả lương cho nhân công của các doanh nghiệp cũng gây nhức nhối.
Làm việc trong ngành thời trang nhanh với tư cách người thiết kế hoa văn, Tara Viggo hiểu rõ về cách vận hành của thời trang nhanh. "Tôi nhận ra quy mô và sự phát triển của ngành công nghiệp này. Nó mang lại cảm giác kinh hoàng", cô nói.
Từ năm 2017, Tara Viggo quyết định kinh doanh các bản rập. Cô bắt đầu với quy mô nhỏ, chỉ bán được một bộ mỗi năm. Viggo thừa nhận mô hình kinh doanh nhỏ của cô không phải đối thủ cạnh tranh của các thương hiệu lớn. Tuy nhiên, Viggo tin rằng thương hiệu vẫn đang truyền tải thông điệp ý nghĩa đến với những người đam mê thời trang.
Cô cho biết: "Một khi tự may quần áo, bạn sẽ hiểu giá trị thực sự của trang phục". Tara Viggo đang vận hành cửa hàng The Fold Line.
Rachel Walker, người đồng sáng lập The Fold Line, cho biết bộ jumpsuit Zadie đang là sản phẩm bán chạy nhất. Tính đến nay, cửa hàng đang phát triển và được nhiều khách hàng tin tưởng.
Người trẻ và nghề may
Rosie Scott và Hannah Silvani, điều hành một xưởng bán vải từ kho chứa ở London, nhận thấy sự quan tâm của nhóm người trẻ tuổi với nghề may.
Scott cho biết: "Ngày càng có nhiều người trẻ thích may vá. Họ thực sự quan tâm đến việc tự làm trang phục và đầu tư vào thời trang bền vững".
Cô nhấn mạnh, 90% khách hàng của xưởng là phụ nữ. Khi đến xưởng, các khách hàng có thể chọn lựa trong hơn 700 mẫu vải được thiết kế riêng.
Nhiều bạn trẻ cảm thấy tự hào khi chia sẻ về những mẫu quần áo tự làm. Ảnh: dineedle, trish.stitch. |
Trong đại dịch, các đơn hàng của xưởng tăng vọt. Scott cho biết lượng khách hàng vẫn đang tăng mạnh trong thời gian gần đây.
Sự phát triển của trào lưu tự may trang phục đến từ mạng xã hội. Qua các diễn đàn, cộng đồng may vá đã thay đổi cái nhìn của giới trẻ về một thú vui từng bị cho là không hợp thời.
Trên các nền tảng, #handmadewardrobe (tạm dịch: Trang phục tự may) có hơn 900.000 bài đăng. Việc Baecker chia sẻ về những mẫu trang phục cũng truyền cảm hứng cho bạn bè cô. Đối với Lea Baecker, việc bạn bè yêu thích may vá là một thành tích đáng để tự hào.