Ngày nay, phẫu thuật thẩm mỹ không chỉ giới hạn trong giới nghệ sĩ hoặc quý bà, quý cô đã đi làm, có tiền mà học sinh, sinh viên cũng ham "dao kéo" để cải thiện nhan sắc.
Cuộc đầu tư cho tương lai
PGS.TS.BSCKII Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng bộ môn Phẫu thuật Tạo hình - Thẩm mỹ, Phó giám đốc Trung tâm Phẫu thuật thực nghiệm, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, cho biết phẫu thuật tạo hình là thủ thuật thực hiện trên người có bệnh do chấn thương, dị tật, khiếm khuyết bẩm sinh hoặc phẫu thuật điều trị ung bướu.
Phẫu thuật thẩm mỹ là hình thức thực hiện trên người lành, hoàn toàn không có bệnh. Vì vậy, phẫu thuật, thủ thuật thẩm mỹ thường không giới hạn đối tượng nên nhiều người trẻ tìm đến các phương pháp này với mong muốn “lột xác”.
Mặc cảm ngoại hình là nguyên nhân khiến nhiều bạn trẻ quyết định phẫu thuật thẩm mỹ. Ảnh: YaleNews. |
Đ.H.A. (18 tuổi, TP.HCM) vừa học xong lớp 12 cho biết đã thuyết phục được cha mẹ đầu tư khoảng 10 triệu đồng cho em đi chỉnh sửa mũi.
“Em nghĩ môi trường đại học sẽ gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều người và cũng là cơ hội cho tương lai sau này. Ngoại hình có thể tập luyện được, chỉ cần đầu tư cho khuôn mặt em sẽ tự tin hơn”, A. chia sẻ.
Cùng mục tiêu như A., T.M.H. (20 tuổi, TP.HCM) vui mừng cho biết trong tuần này H. sẽ được mẹ cho đi nhấn mí với giá 5 triệu đồng. Vừa kết thúc năm đầu tiên của đại học, H. chia sẻ cô đã bỏ thời gian thuyết phục mẹ rất lâu mới được đồng ý.
“Bây giờ mà xấu thì khó thành công được. Em đâu muốn gì nhiều, chỉ cần mặt đẹp được như ảnh selfie là em mãn nguyện. Nhưng nếu có điều kiện hơn, em còn muốn sửa mũi và tiêm filler nữa”, H. khẳng định.
Gặp phụ huynh của H., bà T.T.S. (55 tuổi, TP.HCM) cho biết bản thân bà không cấm đoán nhưng cũng không thể ủng hộ các bạn phẫu thuật thẩm mỹ khi còn quá trẻ.
Theo bà S., trước kia những người phẫu thuật thẩm mỹ thường lặng lẽ không muốn dư luận phát hiện, thậm chí nếu bị nghi vấn, họ đều khăng khăng chối bỏ.
“Ngày nay, mấy đứa nhỏ lớn nhanh quá nên muốn làm đẹp sớm. Tôi không thích dao kéo nguy hiểm, nhưng cháu thích quá, mình cũng đành phải chiều vì nhấn mí cũng không sao”, bà S. nói.
"Làm đẹp sớm, sau này sẽ hối hận"
Trước thực trạng trên, bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn cảnh báo khách hàng của nhiều địa chỉ làm đẹp hiện nay có cả các thanh thiếu niên chưa đủ điều kiện về thể chất lẫn tinh thần để trải qua quá trình thay đổi ngoại hình.
Đăng tải những màn "lột xác" ấn tượng góp phần thúc đẩy phẫu thuật thẩm mỹ trở thành trào lưu trong giới trẻ. Ảnh: Medium. |
Theo ông, phẫu thuật thẩm mỹ không bắt buộc nhưng chỉ nên áp dụng các phương pháp này khi cơ thể đã ổn định, dừng phát triển. Người phẫu thuật phải ý thức được vẻ đẹp của mình. Nếu cơ thể đang phát triển, việc chỉnh sửa có thể không phù hợp.
“Sau tuổi dậy thì, cơ thể phát triển hoàn thiện và người phẫu thuật cũng đã ổn định tâm lý, có thể họ lại không thích bộ phận đã dao kéo nữa. Như vậy, mục tiêu chỉnh sửa ban đầu không còn đạt được như ý muốn và kéo theo những quyết định 'dao kéo' tiếp theo”, bác sĩ Tuấn chia sẻ.
Trong các hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm "dao kéo" trên Facebook, nhiều người trẻ đã chủ động công khai quá trình chỉnh sửa dung nhan. Phía dưới bài đăng là loạt bình luận tung hô, tư vấn, khen chê hoặc xin địa chỉ thực hiện. Khi chuyện “dao kéo” không còn là việc cần che đậy vì sợ bị đàm tiếu như trước, phẫu thuật thẩm mỹ cũng nhanh chóng trở thành trào lưu trong giới trẻ.
Tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An cho rằng vẻ ngoài đẹp cho người trẻ sự tự tin ban đầu, nhưng khi tiếp cận và phát hiện ra “ruột rỗng”, chẳng ai muốn tiếp tục mối quan hệ này, hay nếu có cũng chỉ vì vẻ bề ngoài hào nhoáng.
Vị chuyên gia khuyên một trong những cách để giảm sự tập trung về vẻ bề ngoài chính là chú trọng vào những phẩm chất bên trong. Vẻ đẹp thu hút được ánh mắt nhưng tính cách có thể chiếm trọn trái tim. Chính cách cư xử, lời nói, tư duy mới làm bạn khác biệt và nổi bật so với người khác.
“Khó có thể cân đong đo đếm “mặt tiền” hay “nội thất” cái nào quan trọng hơn, nhưng rõ ràng căn nhà mục nát sẽ dễ sụp đổ hơn căn nhà vững chắc”, ông An nói.