
“Đổi xe là đổi nhà”, Ngọc Ánh (24 tuổi, phường Bạch Mai, Hà Nội) kể về khó khăn khi chuyển hướng sử dụng xe máy điện trong thời gian gần đây.
Ánh cho biết đã bán xe xăng cũ, chuyển sang lái xe máy điện từ đầu tháng 6. Cô nhận thấy chi phí “nuôi” xe điện rẻ hơn nhiều, tiết kiệm được một khoản sinh hoạt phí hàng tháng.
Tuy nhiên, Ngọc Ánh chưa lường trước những khó khăn của việc sở hữu và sử dụng xe điện. Cụ thể, khu căn hộ dịch vụ mà cô đang ở không thể đáp ứng nhu cầu sạc xe qua đêm của nhiều người.
Chủ nhà yêu cầu Ánh tìm chỗ trọ khác để đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy cho tòa nhà. Sau hơn một tháng “dạo quanh” các hội nhóm cho thuê nhà trên mạng xã hội, cô vẫn chưa tìm thấy chỗ ở mới.
Bên cạnh Ngọc Ánh, nhiều người trẻ tại Hà Nội và TP.HCM cũng thừa nhận gặp khó khăn trong quá trình sử dụng xe máy và ôtô điện. Thiếu chỗ sạc, lo lắng hết điện và chi phí thay pin đắt là những thách thức được liệt kê.
Song, họ cũng nhận được những lợi ích lớn từ việc lái xe điện, bao gồm tiết kiệm chi phí “nuôi” phương tiện di chuyển, đặc biệt không phải lo lắng khi quy định cấm xe xăng lưu thông trong khu vực Vành đai 1 (Hà Nội) được áp dụng vào tháng 7/2026.
Loay hoay tìm chỗ, tính thời điểm sạc xe
Sau quá trình dồn sức tìm kiếm chỗ ở phù hợp với người sử dụng xe điện, Ngọc Ánh rút ra 2 kết luận.
Thứ nhất, căn hộ dịch vụ phù hợp với ngân sách thuê 5 triệu đồng/tháng của cô thường nằm trong các tòa nhà nhỏ, biến tầng trệt thành khu vực gửi xe, không trang bị hệ thống sạc cho số lượng lớn xe điện. Hiện nay, nhiều chủ nhà còn từ chối người thuê sở hữu xe điện do lo ngại cháy nổ.
Thứ hai, các khu chung cư có bãi gửi xe lớn, trang bị trạm sạc chuyên nghiệp cũng không nhiều, thường sở hữu giá thuê tương đối cao. Để giải quyết vấn đề chỗ ở, cô dự định tìm một căn chung cư 2 phòng ngủ, kiếm bạn thuê chung, chia đôi chi phí, giảm áp lực tài chính.
![]() |
Ngọc Ánh phải chuyển nhà để có chỗ sạc xe máy điện an toàn. |
“Vì một nơi ở có chỗ sạc xe điện, tôi phải từ bỏ mong muốn sống một mình”, Ngọc Ánh tâm sự.
Thậm chí, nếu không tìm thấy căn hộ có giá thuê phù hợp ngân sách, cô còn phải chấp nhận chi một khoản lớn hơn, càng tốn thêm chi phí đi lại. Cuối cùng, ý định tiết kiệm của Ánh lại dẫn đến nhiều chi phí phát sinh.
“Ưu điểm lớn nhất là tôi không phải lo lắng trước quy định cấm xe xăng trong khu vực Vành đai 1 (Hà Nội) vào năm sau”, cô kết luận
Vấn đề sạc xe điện cũng khiến Ngọc Phước (29 tuổi, phường An Khánh, TP.HCM) đau đầu. Phước bắt đầu lái ôtô điện 4 chỗ, do một hãng nội địa sản xuất, từ năm ngoái, nhiều lần gặp tình huống trớ trêu trong quá trình sử dụng.
Cụ thể, anh sử dụng nguồn điện dân dụng tại nhà để sạc xe, tốn khoảng 8 tiếng cho quá trình này. Phước nhiều lần rơi vào tình huống quên cắm sạc trước khi đi ngủ, trở nên hoảng loạn khi không có ôtô để đi làm vào sáng hôm sau.
“Nếu đi xe xăng, tôi hoàn toàn có thể tạt vào một trạm xăng bất kì, đổ đầy bình, không bao giờ phải lo lắng về nhiên liệu”, Ngọc Phước chia sẻ.
Hơn nữa, anh cũng phải trải qua những lần “toát mồ hôi hột” vì sợ xe hết điện giữa chừng trong quá trình di chuyển. Tâm lý của Phước được gọi chung là “range anxiety” (tạm dịch: “nỗi lo cạn điện”).
Hiện nay, mức độ phổ biến của trạm sạc ôtô điện vẫn chưa thể so sánh với cây xăng. Nếu không may hết điện giữa đường, anh phải gọi dịch vụ cứu hộ xe.
Chi phí thay pin, sửa chữa cao
Bên cạnh nỗi lo liên quan đến quá trình sạc xe, Ngọc Phước còn ái ngại về chi phí thay pin sau khoảng 8 năm hoạt động. Anh tự nhận không biết cách giữ gìn trong quá trình sử dụng, dễ khiến pin yếu đi nhanh chóng, đòi hỏi phải thay thế trong thời gian ngắn.
Số tiền thay pin lên đến gần 100 triệu đồng, bao gồm cả tiền công và phí dịch vụ, là tương đối lớn đối với Phước. Mặc dù tiết kiệm được tiền xăng, anh lại tốn thêm khoản “nuôi” pin hơn 10 triệu đồng/năm.
Khi mua ôtô điện, chủ xe này đã lường trước việc phải thay pin trong tương lai do có ý định sử dụng lâu dài. Anh biết rằng thị trường ôtô điện cũ chưa phát triển, khó tìm người mua dù chấp nhận bán lại với mức giá thấp.
![]() |
Chi phí sửa chữa, thay pin ôtô, xe máy điện là một khoản lớn đối với nhiều người trẻ. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm. |
Chi phí thay pin đắt đỏ cũng là vấn đề khiến Thu Phương (25 tuổi, phường Xuân Hòa, TP.HCM) đau đầu. Gần đây, cô chi khoảng 22 triệu đồng cho một mẫu xe máy điện của thương hiệu nội địa.
Tuy nhiên, trong khoảng 3 năm tới, Phương có thể phải chi thêm khoảng 19 triệu đồng, gần bằng giá trị chiếc xe, để thay pin mới. Với số tiền này, cô hoàn toàn có thể sắm xe máy khác. Tuy nhiên, Thu Phương không muốn đổi xe trong thời gian ngắn như vậy, rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”.
Ngoài ra, quá trình sửa chữa xe máy điện cũng gây ra không ít khó khăn cho cô. Cụ thể, xe điện sở hữu kết cấu điện tử, pin và bo mạch phức tạp, khó sửa chữa ở các tiệm sửa xe thông thường, buộc phải phụ thuộc vào hãng.
Phụ tùng, linh kiện và chi phí sửa chữa chính hãng lại đắt đỏ hơn, tốn kém một khoản không nhỏ. Trước đây, khi lái xe xăng, Phương chỉ cần tìm một cửa hàng sửa chữa bất kỳ, thoải mái lựa chọn loại phụ tùng thay thế, thậm chí có thể trả giá để hưởng mức phí thấp hơn. Cô ví von phụ tùng xe điện giống như linh kiện Apple - đắt đỏ, khó thay thế và buộc phải dùng dịch vụ chính hãng.
Mặc dù có nhiều nỗi lo, cô gái trẻ vẫn nhận thấy một số ưu điểm của việc lái xe máy điện. Sự gọn nhẹ, êm ái trong quá trình di chuyển và khả năng tiết kiệm chi phí nhiên liệu là điều Phương ghi nhận.
Màu xanh trong suốt là tác phẩm đầu tay của Ryu Murakami, đoạt giải Akutagawa danh giá năm 1976, đưa tên tuổi tác giả lên hàng nổi bật của văn học đương đại Nhật Bản. Cuốn sách cuồng loạn này kể về nhân vật Ryu cùng nhóm bạn của mình, những người mà tác giả mô tả là gần như không có một mục đích sống. Cuốn tiểu thuyết gần như không có cốt truyện, mà chỉ như một lát cắt, một trường đoạn, một montage về tuổi trẻ lạc lối, điên cuồng và gần như man dã. Qua hoạt cảnh u tối và bạo liệt ấy, Ryu Murakami khắc họa nỗi lòng của một lớp thanh niên Nhật Bản một thời: vô định và dễ sa ngã.