*Ảnh trong bài được thực hiện bởi Galaxy Z Fold3
Gập máy tính lại, Giang nhìn đồng hồ, lúc này đã quá 12 giờ đêm. Cô nhẹ nhàng tắt điện, lên giường đi ngủ để tránh làm bố mẹ thức giấc.
Vậy là gần 4 tháng từ khi bắt đầu năm học mới, Giang đã quen với lịch sinh hoạt khi work from home: Dậy muộn một chút nhưng đi ngủ khi đã sang ngày mới. Phần lớn thời gian trong ngày Giang đều ôm chặt lấy máy tính và điện thoại.
Người trẻ trong dịch đối mặt với nhiều thay đổi trong sinh hoạt và làm việc. |
“Năm đầu tiên làm giáo viên chủ nhiệm của mình đúng đợt thành phố thực hiện Chỉ thị 16. Đến giờ, mình vẫn chưa được gặp các con bên ngoài, nhưng đây cũng là một trải nghiệm khó quên trong sự nghiệp cầm phấn của mình”, Giang chia sẻ.
1 tháng sụt 5 kg
Hương Giang (sinh năm 1995) hiện là giáo viên tại một trường quốc tế ở Hà Nội. Đến giờ, khi hầu hết ngành nghề khác đã trở lại bình thường, Giang vẫn làm online.
Dù chỉ đứng lớp 3-5 tiếng mỗi ngày, nhưng các công việc bên lề như họp hành, thu âm bài giảng, giao bài, chấm bài cho học sinh, trao đổi với phụ huynh cũng khiến Giang bị ngợp. Lúc nào Giang cũng thấy thiếu thời gian, thậm chí cô không thể nấu cơm trưa, ăn vội vàng mấy món có sẵn trong tủ lạnh để tiếp tục công việc.
“Mình từng nghĩ dạy online sẽ chủ động được thời gian hơn, nhưng nhiều việc phát sinh khiến thời gian đầu mình luôn phải chạy theo công việc. Mỗi ngày, mình phải đợi đến 22h, khi các con nộp bài thì mới chấm được. Ngoài ra, lớp có phụ huynh lớn tuổi, không rành công nghệ, mình sẽ phải hướng dẫn từng chút một để con có thể làm bài kiểm tra thuận lợi”.
Giang phải online thường xuyên để kịp thời xử lý các vấn đề liên quan đến lớp học. |
Vì vậy, lúc nào Giang cũng khư khư chiếc điện thoại 24/7. Bất cứ khi nào phụ huynh hay học sinh nhắn tin, gọi điện, cô đều có thể phản hồi ngay lập tức.
“Mình thấy sử dụng điện thoại rất tiện vì không phải lúc nào cũng có thể mang bên mình chiếc máy tính cồng kềnh, mình có thể check mail, tin nhắn mọi nơi mọi lúc, trao đổi với phụ huynh, học sinh hay có thể tham gia các cuộc họp khẩn cấp”.
Những vật dụng không thể thiếu trong mỗi buổi lên lớp của Giang. |
Những ngày đầu dạy online, Giang mang tâm trạng lo lắng, hồi hộp không biết các con có thể tiếp thu bài vở, hứng thú với môn học ra sao. Cô cũng luôn đau đáu vì sợ không sát sao được việc luyện chữ, không được gặp các con trên lớp để hiểu tính cách, tâm tư từng học sinh.
Việc ăn uống không đảm bảo, làm việc khuya cùng nỗi lo lắng trong mỗi giờ lên lớp khiến tháng đầu tiên Giang sụt hẳn 5 kg.
“Mẹ mình nhìn thấy con gầy gò, xanh xao cũng xót lắm, bảo mình hay tìm một công việc khác đỡ bận rộn hơn. Quả thực, lúc đầu mình cũng hơi đắn đo”, Giang chia sẻ.
Chuyển việc trong ngày dịch
Những ngày cuối tháng, do đặc thù công việc, Quang Trung (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) thường phải làm ở công ty đến 23h. Anh rời khỏi nhà từ sáng sớm và trở về khi mọi người đã đi ngủ. Có thời điểm trong nhiều ngày liền, anh không thể gặp mặt bố mẹ dù ở chung một nhà. Các cuộc hẹn với bạn gái bị huỷ vì nhiều khi anh phải làm việc cả cuối tuần.
“Bố mẹ nói đùa là mình như ở trọ trong nhà. Nhiều sự kiện quan trọng của gia đình, mình cũng không có điều kiện tham gia”.
Dù được làm đúng chuyên ngành học đại học, nhưng sau 1 năm suy nghĩ, Trung quyết định chuyển việc hồi tháng 4.
“Một phần vì công việc thường xuyên phải về muộn, một phần vì không có thời gian dành cho gia đình cũng như các dự định khác của bản thân. Do đó, mình đã thử bước ra khỏi vòng an toàn, thử thách bản thân ở công việc mới cũng là một lĩnh vực mình yêu thích”, Trung chia sẻ.
Trung dành thời gian phần lớn mỗi ngày cho công việc. |
Từ một nhân viên thẩm định hồ sơ tại một công ty bảo hiểm ngân hàng, Trung rẽ hướng làm freelancer về thiết kế. Song khi công việc mới chưa ổn định, thành phố thực hiện Chỉ thị 16 khiến anh gặp nhiều khó khăn.
“Thời gian đầu mình vừa học vừa làm. Lúc đó, mình tính sẽ có thu nhập từ công việc mới để yên tâm học hành phát triển bản thân. Nhưng chỉ khoảng 2 tháng sau, dịch ập đến, công việc của mình bị ảnh hưởng, mình phải tiêu đến số tiền tích luỹ thời gian đi làm trước đó”.
Dịch bệnh khiến Trung phải tạm gác những dự định cá nhân. |
Song số tiền không được nhiều, Trung rơi vào tâm trạng lo lắng. Cùng với thời điểm chỉ làm việc ở nhà khiến anh cảm thấy bí bách. Thế nhưng đã quyết định bước trên con đường mới, Trung nghĩ bản thân không còn đường lùi.
Không hối hận vì quyết định của mình
Giang cho rằng việc quyết định trở thành cô giáo là một cái duyên. Sau khi tốt nghiệp sư phạm, không giống như bạn bè cùng lớp xin việc ở các trường học, Giang chuyển hướng làm marketing, lễ tân khách sạn… để thử sức. Nhưng cuối cùng, cô lại trở về với nghiệp cầm phấn.
“Ngay thời điểm đó, mình cũng hơi hoang mang, không chắc bản thân có thực sự thích nghề đến vậy không. Nhưng mình nghĩ không thử thì làm sao biết được, mình tự nhủ cho bản thân cơ hội một lần hết mình vì công việc, để dù kết quả có đi đến đâu thì mình cũng đã cố gắng", Giang bày tỏ.
Để mỗi lần cầm điện thoại không bị ám ảnh bởi tin nhắn, Giang sử dụng các chức năng giải trí của điện thoại như nghe nhạc, chơi game, chụp hình. “Mỗi lần chụp được bức ảnh ưng ý, mình lại ngồi chỉnh sửa một chút rồi đăng lên mạng xã hội, mọi người vào khen làm mình cũng vui lắm”, Giang cho hay. Bên cạnh đó, cô cũng thay đổi hình thức dạy học thường xuyên như làm quizz, tổ chức chơi trò chơi cho các con...
Chiếc điện thoại là trợ thủ đắc lực của Giang trong công việc và giải trí. |
Trải qua 4 tháng dạy online, Giang dần quen hơn với công việc, không còn tất tả từ ca này sang ca khác, cô cũng có thời gian nấu ăn cho gia đình, tán gẫu với bạn bè. “Trong suốt thời gian làm việc tại nhà, mình có thêm thời gian để suy nghĩ và cảm thấy may mắn vì đã có một công việc, được lao động và học tập hàng ngày trong khi ngoài kia, rất nhiều người vì dịch bệnh mà công việc bị ảnh hưởng, thậm chí thất nghiệp”, Giang chia sẻ.
Trải qua dịch bệnh, Giang trân trọng hơn sức khỏe của bản thân và gia đình. |
Cô cũng cảm thấy trân trọng sức khoẻ của bản thân và gia đình hơn: “Dù không thể gặp bạn bè hay họ hàng, nhưng nhờ công nghệ phát triển, mình vẫn có thể liên lạc, trao đổi, hỏi thăm hàng ngày”.
Trong khi đó, giãn cách xã hội khiến Trung có thêm nhiều thời gian dành cho gia đình. Anh không phải đi sớm, về khuya, bữa cơm gia đình đầy đủ các thành viên. Anh cũng nói chuyện thường xuyên được với người yêu dù chỉ qua điện thoại.
Trung có nhiều thời gian dành cho bạn gái hay giải trí trên điện thoại. |
“Mình cũng có đôi lúc hoài nghi về quyết định chuyển việc thời điểm này, liệu đó có phải là một sai lầm. Nhưng mình nhận ra, nếu cứ chần chừ mãi thì không biết bao giờ mới có thể làm được. Bây giờ mình còn trẻ, còn khả năng học hỏi và hoà nhập, nếu để vài năm nữa thì thế hệ trẻ sẽ lấn át”, Trung cho hay.
Nhờ tích cực tìm kiếm cơ hội việc làm, Trung trở thành nhân viên thiết kế của một công ty trong lĩnh vực chăm sóc sắc đẹp. Có thu nhập ổn định, thậm chí còn cao hơn chỗ làm cũ, Trung dần lấy lại tự tin.
Theo Trung, người trẻ cần có sự chuẩn bị cẩn thận về cả năng lực lẫn kinh tế khi chuyển việc trong thời điểm này. Anh nhấn mạnh: “Không nên vì bốc đồng mà ngay lập tức nghỉ việc. Mình nghĩ mọi người cần suy xét kỹ, lập kế hoạch, dự phòng cho bản thân một số tiền đủ để trang trải trong vài tháng. Bên cạnh đó, bạn cũng nên nâng cao năng lực, trau dồi kinh nghiệm để nhanh chóng thích ứng với công việc mới”.
“2021 là cơ hội để trưởng thành, để thử thách bản thân. Mình đã bước ra khỏi vỏ ốc để nhìn cuộc sống theo một góc khác, có lẽ đó là thành công lớn nhất trong năm nay của mình”, Trung bày tỏ.
Song hành tinh thần này của người trẻ, Galaxy Z series với thiết kế gập độc đáo của Z Fold3 và Z Flip3 mở ra kỷ nguyên mới cho trải nghiệm smartphone. “Với Galaxy Z Fold3 và Z Flip3, Samsung một lần nữa tái định nghĩa tiềm năng của điện thoại màn hình gập, trao cho người dùng sự linh hoạt cần thiết trong một thế giới luôn dịch chuyển. Các thiết bị này mở ra những cách thức mới nhằm tối đa hóa hiệu suất làm việc và tận hưởng mọi khoảnh khắc cuộc sống”, ông TM Roh, Chủ tịch kiêm Trưởng bộ phận Truyền thông di động của Samsung, nhấn mạnh.
Bình luận