Khi dịch Covid-19 bùng phát tại tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) năm 2020, Nan Zhaojin đang theo học chương trình quốc tế tại một trường cấp 3 địa phương, chuẩn bị đi du học ở Mỹ.
Trước diễn biến dịch bệnh phức tạp, gia đình khuyên Nan nên thay đổi dự định và học đại học trong nước. Điều đó đã trở thành vấn đề nan giải đối với nữ sinh này.
Thực tế, ngày càng nhiều học sinh xứ tỷ dân từ chối hoặc hủy bỏ kế hoạch du học kể từ khi dịch bệnh xuất hiện vì lo ngại ảnh hưởng của virus đến học tập, sinh hoạt và nạn phân biệt chủng tộc đối với người châu Á ở nước ngoài.
Nhiều học sinh Trung Quốc đang cân nhắc lại kế hoạch du học sau khi dịch bệnh làm thay đổi mọi thứ. Ảnh: Xinhua. |
Lo dịch bệnh, bị phân biệt chủng tộc
Theo khảo sát do tạp chí Fortune thực hiện, lượng đơn đăng ký của học sinh Trung Quốc vào các trường đại học ở Mỹ năm 2022 giảm 18% so với năm ngoái.
Báo cáo tháng trước của chương trình Du học sinh và Trao đổi sinh viên Mỹ chỉ ra có 348.992 sinh viên người Trung hiện sống tại xứ cờ hoa, ít hơn 33.569 người so với năm 2020.
Số lượng học sinh Trung Quốc nộp đơn đăng ký vào các trường đại học ở nước ngoài đã giảm đáng kể sau 2 năm đại dịch. Ảnh minh họa: VCG. |
Tại Anh, số lượng sinh viên xứ tỷ dân theo học năm 2021 là 119.334 người, có dấu hiệu tăng đáng kể so với mức giảm 32% vào năm 2020.
Canada, điểm du học phổ biến thứ 3 với người Trung Quốc, cũng chứng kiến mức sụt giảm 25% trong số học sinh đến từ xứ tỷ dân trong năm 2021.
Với Nan, cô đã trải qua quãng thời gian khó khăn khi xem xét giữa việc tham gia kỳ thi "gaokao" (kỳ thi đại học Trung Quốc) hoặc tiếp tục nộp hồ sơ du học. Cuối cùng, nữ sinh này vẫn theo đuổi ước mơ học tập ở nước ngoài.
"Tôi đã chuẩn bị cho việc du học từ năm 10 tuổi nên chương trình học khác biệt với nội dung ôn thi đại học ở Trung Quốc. Trong khi bạn bè miệt mài làm bài tập, đi học thêm, tôi lại dành thời gian tham gia hoạt động ngoại khóa để làm đẹp hồ sơ".
Hiện, Nan đã được nhận vào ĐH Washington ở St. Louis (Mỹ) và dự kiến nhập học vào mùa thu năm nay. Cô khẳng định dịch bệnh vẫn là mối lo lớn nhất, song sẽ duy trì nhịp học tập và sinh hoạt.
Tình trạng phân biệt đối xử với người châu Á ở nhiều nước phương Tây kể từ khi đại dịch bùng phát khiến nhiều người trẻ Trung Quốc ngần ngại du học. Ảnh minh họa: AFP. |
Ngoài nguy cơ nhiễm Covid-19, tình trạng phân biệt chủng tộc với người châu Á là nguyên nhân thứ 2 khiến các bậc phụ huynh, học sinh Trung Quốc lo sợ. Kể từ sau khi dịch Covid-19 lan rộng, nhiều vụ tấn công nhằm vào cộng đồng người châu Á ở nước ngoài đã xảy ra.
He Enxing, một học sinh lớp 12 đến từ Nam Kinh, cũng e ngại vấn nạn này sau khi nhận được thư chấp nhận của ĐH Washington.
"Tôi chấp nhận sống chung với Covid-19 nếu điều đó có thể đảm bảo cho tương lai học tập của tôi. Song, tôi khá sợ hãi khi thấy các vụ xả súng, phân biệt chủng tộc ở Mỹ được đưa lên báo đài. Tôi không biết mình sẽ nhận được sự đối xử thế nào khi đến đó học tập", He nói.
Thi "gaokao" - Lựa chọn an toàn
Zhong Jue, một cố vấn học tập đến từ Nam Kinh (tỉnh Giang Tô), kể với Sixth Tone rằng không ít học sinh đang cân nhắc lại kế hoạch du học.
"Trước dịch, một trường trung học có tiếng ở Nam Kinh thường có khoảng 220 học sinh ra nước ngoài học tập mỗi năm. Song, con số này giảm còn 145-200 người do dịch bệnh", Zhong nói.
He Jiaying, học sinh lớp 12 ở Nam Kinh, đã suy nghĩ về việc du học trong năm đầu tiên của đại dịch.
"Tôi có nguyện vọng ra nước ngoài học tập, nhưng đôi lúc lại thấy lo sợ và nghĩ tới việc tham gia 'gaokao'. Nhiều bạn bè có lực học tốt xung quanh tôi cũng bị lung lay, đắn đo giữa 2 lựa chọn này", cô kể.
Nhiều học sinh chuyển sang tập trung ôn thi "gaokao", thay vì chuẩn bị hồ sơ du học. Ảnh: Yu Haiyang/CNS/IC. |
He nói rằng đa số bạn bè trong lớp cô đã bớt quan tâm với việc du học từ khi dịch bệnh bùng phát. Họ dần quay lại với guồng ôn tập, chuẩn bị cho kỳ thi đại học hối hả như hàng triệu học sinh khác.
Theo Sixth Tone, đại dịch đã củng cố niềm tin của nhiều người trẻ vào các trường đại học trong nước.
Zhang Yuxuan, học sinh lớp 8 tại tỉnh Hà Nam, tự tin vào cơ hội giành học bổng ở các trường đại học hàng đầu nước Mỹ. Cô có thành tích học tập ấn tượng, đạt vài giải thưởng quốc gia và tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa.
Dù thế, cô quyết định sẽ ôn tập "gaokao", đặt mục tiêu thi đỗ ĐH Thanh Hoa.
"Tôi chưa bao giờ có ý định ra nước ngoài học tập. Gia đình tôi đồng tình rằng học đại học trong nước sẽ an toàn hơn. Môi trường giáo dục nước ngoài có thể bị đánh giá quá cao so với thực tế", cô nói.