Vừa qua, Facebook Nhật Lệ đăng lời kêu gọi ủng hộ dự án bán bánh, quyên góp tiền viện phí và phẫu thuật cho bệnh nhân đang mắc bệnh ung thư máu giai đoạn cuối.
Bạn trẻ đó là Hoàng Nhật Lệ, sinh năm 1999, học sinh trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội). 9X tổ chức bán bánh để giúp đỡ anh Trung, sinh viên năm cuối Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Nhật Lệ xúc động khi dự án từ thiện của mình nhận được sự ủng hộ của bạn bè, thầy cô, gia đình. |
"Anh Trung là niềm vui duy nhất của mẹ, là đứa con mà bà có được khi đã quá lứa nhỡ thì. Mẹ nuôi dạy anh bằng những bữa tôm bữa ốc kiếm được ngoài đồng, mong anh mai sau sẽ là niềm an ủi khi tuổi cao sức yếu", Nhật Lệ viết.
Điều đó đã thôi thúc nữ sinh lớp 11 và bạn bè của cô hành động.
"Chúng tớ đang làm một dự án từ thiện để cùng chung tay giúp đỡ cho một trường hợp vô cùng khó khăn, mong mọi người sẽ ủng hộ chúng tớ thật nhiều", Nhật Lệ mở đầu lời kêu gọi. |
Những vòng tay nhân ái
Trước đó, chàng phượt thủ Trần Văn Tân (thường gọi là Tân Tân, sinh năm 1991) được bạn bè, người thân ủng hộ 300 triệu đồng để phẫu thuật ghép thận.
Gia đình Tân cho hay, toàn bộ số tiền đều do anh chị em, những tổ chức và rất nhiều người không quen biết đóng góp, giúp đỡ.
Tháng 3/2016, sinh viên Đại học Phương Đông (Hà Nội) đã vận động ủng hộ, quyên góp cho Phùng Thiều Lam, sinh viên năm thứ ba Đại học Kiến Trúc Hà Nội mắc căn bệnh viêm cơ tim hiểm nghèo.
Trong "Ngày hội tư vấn tuyển sinh và hướng nghiệp 2016" diễn ra tại Hà Nội mới đây, Đoàn thanh niên Đại học Phương Đông tổ chức viết thư pháp, vẽ hình chibi, henna để quyên tiền giúp đỡ Thiều Lam.
Cùng lúc đó, tại trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, nhiều sinh viên, giảng viên của trường cũng tổ chức các hoạt động nhằm ủng hộ chi phí chữa bệnh cho Lam.
Ở một câu chuyện khác, đầu tháng 3, nhờ sự kêu gọi, chia sẻ của cộng đồng mạng, ông Nguyễn Hữu Sơn (53 tuổi, quê Hà Tĩnh) tìm thấy con trai 23 tuổi mất trí nhớ đi lạc suốt 2 ngày tại Hà Nội.
Sự nhiệt tình, tốt bụng của người trẻ còn xuất hiện sau những màu áo xanh tình nguyện. Hai năm trở lại đây, màu áo xanh ấy trở nên quen thuộc với du khách tại khu vực phố Phạm Ngũ Lão, chợ Bến Thành, nhà thờ Đức Bà, sân bay Tân Sơn Nhất, TP HCM.
Cầm trên tay khẩu hiệu "Hãy hỏi tôi đường đi", "Tôi muốn giúp đỡ khách du lịch", "Giúp đỡ miễn phí", sinh viên nhiều trường đại học tại TP HCM giới thiệu địa điểm du lịch, cung cấp thông tin quán ăn, chỉ đường, phát tờ rơi giới thiệu về thành phố, tặng bản đồ, và giải đáp những thắc mắc cho du khách nước ngoài đến Việt Nam.
Các tình nguyện viên với nụ cười trên môi và câu hỏi "Tôi có thể giúp gì cho bạn?" sẵn sàng giúp đỡ du khách nước ngoài tại TP HCM. Ảnh: Quang Minh. |
Không mong nhận lời cảm ơn
Trước khi kêu gọi ủng hộ, Nhật Lệ và bạn bè không hề quen biết bệnh nhân: "Mình chưa từng gặp anh Trung, chỉ một lần nghe qua lời kể của mẹ người bạn. Mình không nghĩ hành động này to lớn, không mong nhận lời cảm ơn, hay khen ngợi, chỉ đơn giản cố gắng hết sức để giúp đỡ cho anh thôi".
Mới học cấp ba, biết mình và các bạn không đủ tiền ủng hộ cho một ca phẫu thuật lớn, Nhật Lệ liền lên kế hoạch bán bánh. "Chỉ cần một người mua hộp bánh 20 nghìn đồng là đã tốt lắm rồi".
Nữ sinh nói thêm, khi vừa chia sẻ trên Facebook, nhiều người xin địa chỉ phòng bệnh của Trung để tới tận nơi ủng hộ. Cha mẹ, thầy cô trong trường và rất nhiều người không quen đều ủng hộ, chia sẻ thông tin, giúp các bạn bán được nhiều bánh.
"Dự án nhận được sự giúp đỡ của học sinh cùng trường và cả những bạn từ trường khác. Có người còn để lại lời động viên rất cảm động. Bánh có thể không bán được nhiều, số tiền thu về có thể không lớn, nhưng càng nhiều người biết đến trường hợp của Trung, càng có nhiều tấm lòng hảo tâm giúp đỡ anh", Lệ tâm sự.
Còn Lê Hồng Chung (Bí thư Đoàn trường Đại học Phương Đông) cho hay, Phùng Thiều Lam không phải sinh viên của trường và anh cũng chưa từng tiếp xúc Lam.
"Đâu cứ phải biết về Lam mới quyên góp giúp đỡ. Chỉ cần nghe nói về tình hình bệnh của bạn ấy, cùng hoàn cảnh khó khăn của gia đình là biết mình cần phải làm gì đó", nam sinh nói.
Chung cũng chia sẻ thêm, toàn bộ số tiền thu được từ nhiều hoạt động sẽ được chuyển tới tận tay gia đình Lam, chia sẻ phần nào số tiền viện phí chạy chữa cho bạn.
Khi được hỏi về hoạt động tình nguyện hướng dẫn miễn phí cho khách du lịch, Nguyễn Minh Trang (sinh viên Đại học Quốc gia TP HCM) tươi cười nói, bạn muốn giúp du khách dễ tìm thấy những điểm tham quan đẹp và quán ăn ngon, đồng thời tranh thủ luyện khả năng giao tiếp tiếng Anh.
"Mình muốn khách du lịch có ấn tượng tốt đẹp về con người và văn hóa Việt Nam. Một hành động nhỏ có thể chưa làm được điều ấy, nhưng mình vẫn muốn đóng góp công sức vào việc làm đẹp hình ảnh của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế", nữ sinh chia sẻ.
Ở đâu đó, chúng ta vẫn thường nghe lời nhận xét nhiều người trẻ bây giờ sống vô tâm quá. Nhưng những trường hợp trên lại chứng minh những điều hoàn toàn trái ngược.