Có rất nhiều câu chuyện nói về sức mua khủng khiếp của người dân Trung Quốc khi du lịch nước ngoài. Trước kia họ chỉ lựa chọn những sản phẩm xa xỉ, nhưng nay nhu cầu tiêu dùng của họ đã có nhiều thay đổi. Các mặt hàng, từ đồ gia dụng, thực phẩm, quần áo... đều lọt vào tầm ngắm của họ.
Vài năm trước, đi du lịch Nhật Bản, họ mua nồi cơm điện là chuyện bình thường. Đi bộ tại khu Akihabara (Tokyo, Nhật), đâu đâu cũng thấy hình ảnh du khách Trung Quốc xách trên tay nồi cơm điện.
Nhưng sang năm 2015, nắp bồn cầu của Nhật lại mới sản phẩm được yêu thích. Nó có khả năng kháng khuẩn, có thể rửa hay sưởi ấm và thích hợp để lắp đặt cho mọi loại hình bồn cầu khác nhau. Một ông chủ cửa hàng miễn thuế tại Nhật rất cho hay: "Chỉ cần có đoàn của du kháchTrung Quốc đến, hàng của ngày hôm đó sẽ hết sạch".
Nhật Bản không chỉ có nắp bồn cầu mang nhiều công năng tuyệt vời, mà còn có nhiều sản phẩm gia dụng khác hấp dẫn du khách: máy sấy tóc có công nghệ làm mượt tóc, dao gốm cực sắc hay bản chải đánh răng điện với công nghệ siêu âm LED tiên tiến nhất hiện nay...
Trước thực tế này, báo chí và dân chúng trong và ngoài nước đều coi du khách Trung Quốc là hiện tượng hiếm thấy.
Cư dân mạng của Trung Quốc cho rằng đằng sau câu chuyện tiêu dùng của người Trung Quốc là tâm lý sính ngoại quá nặng nề. Một số người khác lại lo lắng cho hàng hóa của Trung Quốc, họ nói "quá xấu hổ cho hàng hóa của Trung Quốc".
Chuyên gia kinh tế - tài chính Ngô Hiểu Ba phát biểu trên tờ Nhân dân nhật báo, dân Trung Quốc càng ngày càng có tiền, yêu cầu về chất lượng sống ngày càng được nâng cao. Họ không chỉ yêu cầu sản phẩm có thể dùng mà còn mong muốn dùng tốt, thậm chí ở mức độ hưởng thụ. Truyền thông nước này cho rằng, đây là điều đáng tiếc cho các ngành sản xuất mang thương hiệu của trong nước. Họ không đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Bên cạnh đó, cũng có người bình luận rằng, người Trung Quốc tiêu tiền không tiếc tay chủ yếu do chất lượng sản phẩm của nước ngoài tốt, giá cả phải chăng. Nhưng bỏ ra 2.000 NDT để mua một chiếc nắp bồn cầu dù là hãng của Nhật nhưng lại được sản xuất tại chính Trung Quốc, hay bỏ ra 1.500 NDT để mua 5 cân gạo Nhật thì khó có thể chấp nhận được.
Những câu chuyện bi hài này không chỉ đề cập tới mối quan hệ tiền và hàng một cách giản đơn, mà nó còn thể hiện xu hướng tiêu dùng, lối tư duy, thậm chí là nhân cách của mỗi người. Một số người trở lên giàu có nhanh chóng nhưng tố chất, tư duy lại không theo kịp, nên không hiểu được giá trị thực của của cải.
Có người kể trên các trang mạng cá nhân, bạn ngoại quốc của anh ta nói người Trung Quốc "tiền nhiều nên ngây ngô". Tác giả bình luận thêm: "Nhận xét của người ngoại quốc mang ý kỳ thị, nhưng tạo ra ấn tượng này không ai khác chính là người Trung Quốc. Các nước như Hàn Quốc, Pháp, Mỹ, Singgapore... đều hoan hỉ chào đón du khách Trung Quốc bởi sức mua của họ quá lớn. Nhưng trong khi người Trung Quốc cứu nền kinh tế thế giới thì cách tiêu dùng này lại đang giết chết chính họ".
Du khách Trung Quốc tại đại lộ Haussman, ở Paris (Pháp). Ảnh: NYTimes. |
Liên quan tới vấn đề tiêu dùng của du khách Trung Quốc, trên trang mạng xã hội của Trung Quốc có một bài viết với tiêu đề Xa hoa thì dễ nhưng giáo dục rất khó. Người viết bình luận: "Giáo dục là một từ vừa cũ vừa mới. Hiện nay, giáo dục là chuyện không thể làm trong ngày một ngày hai, nên người Trung Quốc đang chạy theo sự xa hoa, dùng lối mua sắm khoa trương để khỏa lấp những khoảng trắng trong tư chất của chính mình."
Dù đa số du khách Trung Quốc được các công ty, cửa hàng nước ngoài mệnh danh là "ví tiền di động". Nhưng điều họ đang chưa mua được là sự tôn trọng của các chủ cửa hàng và người dân các nước họ từng đặt chân tới.