Nấm đen còn gọi là Mucomycosis, bệnh nhiễm trùng xâm lấn được đặc trưng bởi nhồi máu và hoại tử mô, tổn thương thường có màu đen. Loại nấm này không gây hại cho hầu hết mọi người. Tuy nhiên, trường hợp có hệ miễn dịch suy yếu, nấm đen có thể gây bệnh.
Bệnh lây truyền bằng cách nào?
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM, đây là bệnh nhiễm trùng nấm nghiêm trọng, hiếm gặp do bào tử nấm có tên gọi là Mucormycetes gây ra. Loài này thường phát triển vào mùa hè và thu. Nhóm nấm Mucormycetes tạo ra hàng triệu bào tử (cấu trúc hình cầu cực nhỏ, màu sẫm) lơ lửng trong không khí.
Những bào tử này khi tiếp xúc với bề mặt ẩm ướt, có chất hữu cơ thối rữa (lá cây, gỗ mục nát, phân động vật hoặc đất), chúng bắt đầu nảy mầm và tạo ra sợi nấm. Các sợi nấm phân nhánh và ăn đường trong môi trường xung quanh và phát triển.
Nấm xâm nhập vào cơ thể chúng ta qua 2 con đường: Hít phải bào tử nấm từ không khí, gây nhiễm trùng phổi, não hoặc xoang; xâm nhập qua da bởi vết cắt, vết xước, vết cào, vết bỏng và một số tổn thương da khác.
Ai có nguy cơ cao mắc bệnh?
Hầu hết chúng ta đều tiếp xúc với các bào tử nấm cực nhỏ, vì vậy, rất khó để tránh xa Mucormycetes. Nói chung, những loại nấm này không gây hại cho hầu hết mọi người. Tuy nhiên, những người có hệ miễn dịch suy yếu, việc hít thở phải bào tử nấm Mucormycetes có thể gây nhiễm trùng và lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể. Việc sử dụng bừa bãi, lạm dụng các thuốc steroid có thể liên quan bệnh nhiễm trùng nấm đen hoặc loại nấm khác.
Nấm đen Mucormycosis. Ảnh: Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM. |
Nhóm người có nguy cơ mắc bệnh là từng mắc Covid-19; đái tháo đường type 2, đặc biệt là có tình trạng nhiễm toan ceton; mắc bệnh ung thư, cấy ghép tạng, cấy ghép tế bào, sử dụng corticosteroid thời gian dài; suy giảm miễn dịch, nhiễm HIV; chấn thương da do phẫu thuật, có vết bỏng, vết thương trên da; trẻ sinh non, nhẹ cân và suy dinh dưỡng.
Nhiễm nấm đen có thể ảnh hưởng nhiều cơ quan và bộ phận cơ thể. Nó có thể dẫn đến mũi bị thâm đen hoặc đổi màu, đau ngực, khó thở và ho ra máu. Các triệu chứng phụ thuộc vào tình trạng nhiễm trùng nơi nấm phát triển trong cơ thể. Nấm đen gây ra 5 dạng bệnh cảnh như sau:
Nhiễm trùng xoang và não: Nhóm nguy cơ cao dễ nhiễm nấm nhất là bệnh nhân đái tháo đường không kiểm soát, người ghép thận. Các dấu hiệu của dạng bệnh này là sốt, đau đầu, xoang hoặc nghẹt mũi, sưng mặt một bên, tổn thương màu đen ở phía trên bên trong miệng hoặc trên sống mũi.
Viêm phổi với các dấu hiệu khó thở hoặc thở gấp, tức ngực, sốt (nhiệt độ trên 38 độ C), ho ra máu.
Nhiễm trùng da và niêm mạc: Đây là dạng nhiễm Mucormycosis thường gặp nhất ở người không bị suy giảm miễn dịch với các dấu hiệu: Đau mặt; một bong bóng nhỏ trên da chứa đầy huyết thanh; loét da hoặc nhiễm trùng da trong các túi khí nằm sau trán, mũi, gò má, giữa mắt và răng; vùng da bị nhiễm bệnh chuyển sang màu đen; sưng xung quanh vùng nhiễm trùng.
Nhiễm trùng đường tiêu hoá: Bệnh thường ở trẻ em, đặc biệt sinh non và nhẹ cân dưới một tháng tuổi với các dấu hiệu như buồn nôn, ói mửa, đau bụng, đau dạ dày, xuất huyết dạ dày.
Bệnh nhân mắc nấm đen khi đang điều trị Covid-19. Ảnh: Reuters. |
Nhiễm trùng nấm đen Mucormycosis lan tỏa: Bệnh thường xảy ra ở những bệnh nhân đã mắc bệnh khác hoặc bệnh mạn tính. Do đó, các dấu hiệu bệnh khó phân biệt với bệnh đang có sẵn. Nhiễm trùng lan tỏa thường ảnh hưởng nhất đến não, hệ thần kinh trung ương và tạo ra tình trạng như hôn mê hoặc các giai đoạn tâm thần khác. Các dấu hiệu có thể gặp là mí mắt bị sưng và chảy mủ ra khỏi mắt, tê liệt cơ mí mắt.
Phòng bệnh bằng cách nào?
Hiện tại, chúng ta không có thuốc hay vaccine chủng ngừa để ngăn chặn bệnh nấm đen. Để phòng bệnh, đặc biệt ở những bệnh nhân đái tháo đường, ung thư, suy giảm miễn dịch nên làm theo các hướng dẫn dưới đây.
- Giữ gìn vệ sinh cá nhân bao gồm cả việc tắm rửa sạch sẽ.
- Tránh đến khu vực có nhiều khói bụi, công trường. Đeo khẩu trang hiệu suất lọc trên 95% có than hoạt tính nếu không có khả năng tránh đến khu vực có nhiều khói bụi.
- Tránh các hoạt động tiếp xúc trực tiếp với bụi hoặc đất. Mang găng tay, ủng nếu thực hiện bất kỳ hoạt động nào liên quan đến đất.
- Vệ sinh vùng da bị thương bằng nước ấm và dung dịch sát khuẩn để tránh nhiễm trùng da.
- Nếu bạn đã cấy ghép tế bào gốc hoặc cấy ghép nội tạng, hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn để được dùng thuốc kháng nấm để ngăn ngừa bệnh nhiễm trùng do nấm.
- Tại các bệnh viện, các cơ sở y tế lưu ý: Khử trùng các thiết bị được sử dụng bởi nhiều bệnh nhân (ống khí quản, máy thở, mặt nạ phun khí dung…), hệ thống thông gió (nếu hệ thống thông gió kém trong bệnh viện có thể gây ẩm ướt và bụi); xử lý vết thương đúng cách (băng, băng dính, chất kết dính, kể cả băng để cố định các dụng cụ y tế như ống nội khí quản, dụng cụ vòi trứng, phải được khử trùng và thay thường xuyên).