Đánh án bằng… cọ
Họa sĩ Võ Tấn Thành sinh ra và lớn lên tại phường Bửu Hòa, TP Biên Hòa, Đồng Nai. Đầu thập niên 1970, ông tốt nghiệp ngành Điêu khắc, đúc đồng chân dung trường Mỹ nghệ thực hành Đồng Nai (bây giờ là Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai). Sau đó ông hành nghề vẽ chân dung để mưu sinh.
Với tài vẽ chân dung dựa trên lời kể, họa sĩ Võ Tấn Thành giúp công an phá nhiều vụ án. Ảnh: Ngọc An |
Trong ngôi nhà nhỏ có nhiều bằng khen, huân huy chương xen lẫn các bức chân dung sơn dầu, người họa sĩ kể: "Nghiệp vẽ chân dung gắn bó với tôi hơn 40 năm. Từ năm 1999, tôi trở thành cộng tác viên của ngành công an với nhiệm vụ phác thảo chân dung tội phạm để phục vụ công tác điều tra. Nhiều người vẫn gọi tôi là công an không quân hàm, không cảnh phục".
Ông cho biết, nhiều tên tội phạm để lại ít dấu vết tại hiện trường nên lực lượng điều tra gặp khó khăn. Khi đó, những nhân chứng hoặc bị hại nhìn được khuôn mặt kẻ gây án kể lại các đặc điểm tóc, khuôn mặt, mắt, mũi, miệng, màu da… cho họa sĩ phác thảo.
"Tôi vừa nghe nhân chứng mô tả tên tội phạm vừa vẽ lại. Khi hoàn thành, tôi đưa cho họ xem. Bức ảnh nào giống kẻ gây án nhất, tôi sẽ chuyển cho cơ quan điều tra để họ truy bắt hung thủ", họa sĩ nói.
Năm 2001, vùng Đông Nam Bộ nổi lên băng cướp có súng khiến Bộ Công an phải lập chuyên án mang bí số CS-501 để phá án. Thời điểm này, cơ quan điều tra không thể tìm ra tung tích kẻ thủ phạm nếu không có sự trợ giúp của họa sĩ Thành.
Nhớ lại thời điểm cùng công an phá án, ông Thành chia sẻ: "Lúc đó tôi được giao nhiệm vụ phác thảo chân dung kẻ gây án. Tôi phải đến nhà các nạn nhân để dò hỏi thông tin nhận dạng ban đầu. Thời đó, có nhiều trinh sát chạm trán tên cướp cũng kể hắn để tóc dài, lông mày rậm, mắt dẹp… nên tôi nhanh chóng hoàn thành bức họa. Khi đưa cho mọi người xem đối chứng thì họ đều khẳng định đó chính là khuôn mặt kẻ gây án”".
Từ bức họa của ông, ban chuyên án xác định thủ phạm là Nguyễn Chí Dũng (trú phường 17, quận Gò Vấp, TP HCM). Ngày 15/10/2001, kẻ gây hàng chục vụ cướp và hiếp dâm bị công an bắt giữ.
Hình ảnh Nguyễn Chí Dũng do họa sĩ Thành vẽ dựa trên lời kể (trái) giống với ảnh thật (phải). Ảnh do họa sĩ cung cấp. |
Theo họa sĩ Thành, ông cũng là người phác thảo chân dung, “lật mặt” kẻ gây ra 58 vụ cướp, hiếp dâm dọc tuyến quốc lộ 51 trên địa bàn Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu vào năm 1999.
Ông cho biết, lúc bấy giờ, tên cướp lợi dụng đêm khuya, dùng xà beng cạy cửa rồi đột nhập nhà dân, hàng quán ven quốc lộ để thực hiện hành vi phạm pháp.
Năm 2007, họa sĩ Võ Tấn Thành được Bộ Công an tặng kỷ niệm chương “Bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Trong hai năm 2007-2008, ông được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao bằng Lao động sáng tạo.
Tại hội thi Sáng tạo công nghệ - khoa học toàn quốc lần thứ 9 (tháng 7/2008), công trình nghiên cứu Giải pháp căn bản họa hình mô tả chân dung của ông đoạt giải 3.
Căn cứ vào bức chân dung công an xác định kẻ gây án là Phó Văn Chính (ngụ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) nên thực hiện lệnh bắt giữ khẩn cấp. Tên này sau đó nhận tội", ông kể.
Với biệt tài phác thảo chân dung dựa trên lời kể, họa sĩ Thành góp phần vào sự thành công của hàng chục vụ án, giúp công an bắt giữ gần 40 tên tội phạm.
Tái hiện chân dung người anh hùng
Cùng với việc giúp công an phá án, họa sĩ Võ Tấn Thành còn là người tái hiện 200 bức chân dung các anh hùng liệt sĩ, chân dung mẹ Việt Nam anh hùng. Ông cũng là người vẽ trên 1.000 bức chân dung Bác Hồ bằng sơn dầu trên kính.
Họa sĩ Thành bên bức chân dung anh hùng, liệt sĩ Điểu Cải. Ảnh: Ngọc An |
Họa sĩ cho biết, ông cảm phục tinh thần xả thân vì quê hương tổ quốc của người anh hùng Điểu Cải (quê xã Túc Trưng, huyện Định Quán, Đồng Nai, sinh năm 1949, hy sinh 1969) nên muốn phác họa lại chân dung của ông.
Hình ảnh về người lính năm xưa không có tài liệu nào lưu lại nên ông phải tìm gặp những người thân, đồng đội để dò hỏi.
Họa sĩ Thành cho hay: "Có người chỉ nhớ được mái tóc, màu áo ông hay mặc, có người chỉ nhớ được chân mày, mắt, cằm… nên tôi đã tổng hợp những đặc điểm đó rồi vẽ lại".
Cầm bức hình cha, bà Nguyễn Thị Phương (57 tuổi, ngụ TP Biên Hòa, Đồng Nai) không giấu được cảm xúc: “Khi tôi lên 2 thì ba hy sinh. Mẹ tôi nhớ những đặc điểm khuôn mặt của ba nên đã nhờ họa sĩ Thành vẽ lại. Nhờ đó mà chúng tôi được biết mặt ba, có hình ảnh để thờ tự".