Ngày 8/4, mạng xã hội lan truyền clip ghi lại cảnh người mặc sắc phục CSGT đánh 2 người đàn ông tại chốt 141 ở quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội). Lãnh đạo Phòng CSGT Công an Hà Nội xác nhận sự việc xảy ra chiều 7/4. Khi đó, cảnh sát trấn áp 2 người đàn ông đi xe máy vi phạm nồng độ cồn, có hành vi chống đối.
Xem đoạn video được một người dân ghi lại, nhiều người thắc mắc CSGT có được dùng vũ lực để trấn áp người vi phạm chống đối hay không?
CSGT khống chế, đưa người vi phạm lên xe. Ảnh cắt từ clip. |
Luật sư Bùi Thị Thoan (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết để làm rõ hành vi của CSGT có được phép không, cần xác định nhiệm vụ, quyền hạn của họ theo Thông tư 01/2016/TT-BCA quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của CSGT.
Điều 5 Thông tư này nêu rõ CSGT có những quyền như dừng các phương tiện giao thông đường bộ; kiểm soát giấy tờ của phương tiện, người tham gia giao thông; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực mình phụ trách hay sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định của pháp luật.
Đối chiếu với những quy định trên, luật sư Thoan cho biết pháp luật không cho phép CSGT được sử dụng vũ lực đối với người vi phạm, trừ trường hợp bắt người phạm tội quả tang hoặc có chuyên đề kiểm tra, xử lý vi phạm.
Trường hợp này, cán bộ, chiến sĩ CSGT đang thực hiện nhiệm vụ của tổ công tác Y17 141 theo chuyên đề xử lý vi phạm nên họ có quyền trấn áp nếu người vi phạm chống đối.
Tuy nhiên, Điều 14 Nghị định 208/2013/NĐ-CP quy định người thi hành công vụ có trách nhiệm giải thích cho người vi phạm biết rõ là họ đã vi phạm và yêu cầu chấm dứt ngay hành vi vi phạm đó. Nếu họ không chấp hành, người thi hành công vụ mới được dùng đến biện pháp khống chế.
Do đó, cần làm rõ mức độ hành vi của những người vi phạm cũng như việc các cán bộ chiến sĩ, CSGT đã thực hiện nhiệm vụ đúng quy định chưa. Nếu phát hiện có sai phạm trong khi làm nhiệm vụ, những cán bộ, chiến sĩ sai phạm có thể bị nhắc nhở, khiển trách hoặc xử lý kỷ luật theo điều lệ ngành.
Theo Phòng CSGT Công an Hà Nội, chiều 7/4. Thời điểm trên, tổ công tác Y17 141 phát hiện Tòng Văn Chựa (sinh năm 1992, quê Sơn La) điều khiển xe máy chở Vũ Khắc Việt (sinh năm 1999, quê Bắc Ninh) có biểu hiện say xỉn.
Hôm đó, Chựa không xuất trình được giấy đăng ký xe, có nồng độ cồn là 0,705 mg/l khí thở. Khi cảnh sát làm thủ tục tạm giữ xe, 2 người này đã lăng mạ, cản trở. Lực lượng làm nhiệm vụ sau đó đã trấn áp, đưa 2 người này về trụ sở Công an phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm để xử lý.
“Tại đây, 2 người vi phạm đã tự viết kiểm điểm, tự nhận sai phạm và xin lỗi tổ công tác. Xử lý các trường hợp say xỉn là một thách thức với chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ”, lãnh đạo Phòng CSGT Công an Hà Nội nói.