23 năm trong nghề trung thành với nghề diễn xiếc trăn, nghệ sĩ ưu tú Tống Toàn Thắng hiện có một chú trăn nặng gần 100 kg, số còn lại từ 60 - 70 kg.
|
Năm 1991, Nghệ sĩ ưu tú Tống Toàn Thắng - Trưởng đoàn diễn viên Xiếc 3, quản lý hơn 30 diễn viên (thuộc Liên đoàn Xiếc Việt Nam) trở thành người Việt đầu tiên diễn xiếc với trăn. Anh nhớ lại, hồi mới đi diễn rất khó khăn, tưởng chừng phải bỏ nghề vì thu nhập quá bèo bọt lại thường xuyên đi xa. Năm 1992, anh đem trăn sang Trung Quốc biểu diễn và đã giành hai vị trí quan trong là giải đặc biệt và được khán giả yêu thích nhất. Sở hữu 7 chú trăn lớn nhỏ, con nặng nhất gần 100 kg, bé hơn 60 - 70 kg, anh được mọi người yêu mến gọi là "Thắng trăn", hay chàng "Thạch Sanh". |
|
Những bước đi đầu tiên khá vững chãi, nhưng anh không vì thế mà chủ quan. Hàng ngày anh thường xuyên luyện tập trau dồi những kỹ năng diễn xiếc của mình. Người nghệ sĩ tâm sự, chú trăn đầu tiên được anh lấy về chỉ nặng 5 kg, nhưng do công chăm bẵm nên lớn rất nhanh, thường xuyên đi biểu diễn các nước. "Nó được đặt tên là Quýt, sau này nó chết đi tôi vẫn giữ nó lại để làm kỷ niệm và ghi nhận công sức của nó", anh nói. |
|
Ngày mới bước vào nghề xiếc, anh Thắng chỉ cao 1,48 m, nặng chưa đầy 50 kg và được gọi là "Thắng con". Không tự ti về thể hình của mình, anh luyện tập thể thao thường xuyên nên trở thành một trong những người có cơ bắp nhất Liên đoàn Xiếc Việt Nam.
|
|
Hiện nay anh thường xuyên lên lớp ở rạp xiếc để chỉ bảo cho thế hệ sau. Anh ân cần sửa những động tác nhỏ nhất đến nội dung bài biểu diễn sao cho phù hợp với thị hiếu độc giả nhưng vẫn đảm bảo yếu tố nghệ thuật riêng biệt của người diễn xiếc. Nhiều năm làm công tác chuyên môn, đạo diễn, anh Thắng đã đào tạo được nhiều diễn viên nổi tiếng, đoạt nhiều huy chương tại các liên hoan xiếc nghệ thuật quốc tế.
|
|
Ngoài diễn xiếc với đạo cụ, với trăn, anh Thắng còn có những người bạn diễn khác rất dễ thương như lợn, vịt... "Người làm nghề xiếc phải coi những con vật đó là người bạn diễn chân thành của mình, có như vậy mới đồng cảm hiểu được tâm sự của từng con vật, diễn thế mới... phiêu", anh nói. |
|
Công việc của anh khá dày, dậy từ 5h sáng để tập thể thao, sau đó soạn thảo nội dung cho những diễn viên thuộc Đoàn xiếc 3. Có những ngày quên cả ăn trưa, diễn xuyên đêm. Anh là người đi diễn nhiều nhất tại liên đoàn với nhiều chuyến đi công tác tại Bắc Âu (Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan), Mỹ, các nước ASEAN và giành nhiều giải thưởng cao quý cũng như nhận được nhiều tấm lòng từ người dân bản xứ.
|
|
Nghệ sĩ ưu tú Tống Toàn Thắng trung thành với xiếc trăn 23 năm nay. Mỗi tiết mục anh thường diễn với hai chú trăn.
|
|
Diễn xiếc với trăn là chấp nhận đổ máu, tính mạng bị đe dọa, vì trăn là loài bò sát nguy hiểm. "Mỗi khi bị trăn cắn tôi đứng yên cho nó cắn rồi vuốt ve, dỗ dành nó từ từ vì nếu mình phản ứng theo bản năng con trăn càng bị kích thích, mình giật tay ra thì thịt mình cũng sẽ bị rứt ra. Khán giả từng chứng kiến toàn bộ giây phút nguy hiểm của tôi khi bị trăn cắn (lần ở Thái Lan), những lúc đó tôi vẫn tiếp tục diễn, chỉ đến khi ra sau sân khấu tôi mới gục xuống", anh tâm sự.
|
|
Con trăn đối với anh Thắng không phải con vật, mà là người bạn diễn, anh chăm sóc, đối xử với trăn để nó luôn cảm thấy yên bình và được yêu thương. Anh luôn tự hào vì được sở hữu những con trăn to nhất, và đóng góp lớn vào việc bảo tồn động vật. Năm 2000 anh mua hai con cá sấu và đưa chúng lên sân khấu biểu diễn nhưng hiện cả hai còn đều đã chết. "Tôi rất tiếc vì hai con cá sấu này rất ngoan, hiện tôi vẫn giữ một clip không ai có là lồng dây buộc nó đi bộ, dắt nó như dắt một con chó, có đồng cảm mới làm được như vậy", anh nói.
|
|
Vẻ mệt mỏi của người nghệ sĩ khi biểu diễn xong một tiết mục với trăn. Anh bảo, cuộc sống người nghệ sĩ là vậy, phía sau cánh gà sân khấu là những hình ảnh ít ai biết, không nhiều người có thể cảm nhận, thấu hiểu và cảm thông.
|
|
Gần đây, anh dàn dựng tiết mục xiếc “Đu quan họ” đi tham dự tại Liên hoan Xiếc quốc tế ở Italia và đoạt giải vàng. Đây không chỉ là niềm tự hào của ngành xiếc Việt Nam mà còn là sự ghi nhận sự sáng tạo của người nghệ sĩ khi gắn liền sự phát triển nghệ thuật xiếc với bản sắc văn hóa Việt Nam. Là người có nhiều kinh nghiệm về nắm bắt thị hiếu của khán giả Việt, vì vậy anh luôn chọn hướng phát triển nghệ thuật xiếc gắn liền với bản sắc văn hóa dân tộc.
|
|
Anh tâm sự, thế hệ trẻ bây giờ biểu diễn trên sân khấu với cảm xúc rất khác so với thế hệ trước. Không thể đổ lỗi hoàn toàn cho họ, vì họ sống trong một thời đại, một guồng quay xã hội với những trào lưu mới, bị tác động nhiều bởi môi trường xung quanh. Nhưng nếu họ không biết kết hợp sự năng động, sức bật của tuổi trẻ với những giá trị truyền thống, không được dìu dắt bởi những người có kinh nghiệm thì rất khó xác định hướng đi đúng cho mình, như thế lòng yêu nghề sẽ giảm sút và họ trở thành “công nhân nghệ thuật”, chỉ diễn như một cái máy, diễn để hoàn thành nhiệm vụ chứ không diễn với cảm xúc dâng trào nên không truyền được cảm hứng cho khán giả. |
|
Nghề xiếc lấy đi của anh nhiều thứ, nhưng cũng cho anh nhiều cơ hội. Anh là người đi nước ngoài diễn xiếc nhiều nhất Liên đoàn. Trong những năm ở Mỹ anh có gần 1.000 buổi biểu diễn, đã đi đến 97 thành phố, 40 tiểu bang. Sau đó anh lại có một năm sống tại 16 quốc đảo của Thái Bình Dương...
|
|
Sau mỗi buổi tập hay biểu diễn, anh cho những chú trăn vào chiếc thùng sắt màu xanh. Hàng ngày anh cho chúng ăn và tắm rửa, vuốt ve tâm sự như những người bạn thực sự. |
Ảnh: Lê Hiếu - Clip: Mạnh Thắng
nghệ sĩ xiếc
Tống Toàn Thắng
rạp xiếc Trung Ương
chàng Thạch Sanh