Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người Việt Nam đọc sách trung bình chưa tới 1 giờ/tuần

Kết quả khảo sát quốc tế được thực hiện năm 2016 và công bố trên trang Bookstr cho thấy tình trạng đáng báo động về thói quen đọc sách của người Việt.

Theo khảo sát này, chỉ có 30% người Việt đọc sách thường xuyên, 44% thỉnh thoảng mới đọc sách và 26% hoàn toàn không đọc sách.

Khi đọc sách chưa trở thành thói quen

Hoạt động sau mỗi giờ tan học của Huy Tùng (7 tuổi, Lâm Đồng) là tắm rửa, ăn tối, làm bài tập và giải trí bằng cách xem TV hoặc chơi đồ chơi. Việc đọc sách với em là gần như không có, ngoài những cuốn sách giáo khoa học trên lớp. Tùng có hẳn một tủ sách cất những cuốn được mua hoặc tặng từ nhỏ, nhưng em không động đến vì không đúng sở thích.

Chị Duyên, mẹ Huy Tùng chia sẻ: “Khi Tùng lên 2 tuổi, mình và chồng đã mua nhiều sách để đọc cho con nghe, nhưng con chỉ hứng thú thời gian đầu khi có mình hoặc chồng ngồi đọc cùng. Sau đó, khi bố mẹ bận, con lựa chọn các trò chơi khác vui hơn đọc sách rồi mất luôn thói quen xem sách mỗi ngày. Giờ hai vợ chồng mình cố gắng khuyến khích con đọc lại, nhưng vì lịch học khá bận nên cũng không ép nhiều”.

Có một thực tế rằng không ít phụ huynh Việt như chị Duyên lo ngại việc con không thích đọc sách như mình thời xưa, trong khi chính các cha mẹ chưa tạo được thói quen đó cho con. Nếu Mỹ có những lớp "Dạy làm cha mẹ" (Parenting class) để hướng dẫn phụ huynh đọc sách cho con từ khi chúng còn nằm trong bụng, cách dạy những đứa con lớn đọc truyện cho em bé nghe khi mới chỉ là trẻ sơ sinh… thì tại Việt Nam, việc đọc sách chưa được xây dựng để trở thành thói quen.

Ngoài ra, các thư viện sách miễn phí dành cho thế hệ trẻ còn rất hạn chế. Theo Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT, cả nước hiện có khoảng 17% trường tiểu học có thư viện riêng, gần 80% dùng chung thư viện học sinh với thầy cô. Tức là, học sinh không có không gian riêng để đọc sách. Thậm chí, có đến 4% số trường không có thư viện. Với các trường có thư viện, hơn 1/3 chưa đạt chuẩn về diện tích sử dụng và không có nhân viên thủ thư chuyên môn. Điều này cũng góp phần gây khó khăn cho công tác xây dựng thói quen đọc sách ở học sinh.

ABBank anh 3
Số lượng thư viện đạt chuẩn của các trường tiểu học của Việt Nam rất ít, hầu hết không đảm bảo về đầu sách và cơ sở vật chất.

Hành trình tìm lại văn hóa đọc

Xây dựng lại thói quen đọc sách và đầu tư cho các thư viện tri thức là việc khó, nhưng không ngoài tầm tay, nhất là khi chúng ta bắt đầu từ thế hệ trẻ và tìm kiếm sự đầu tư từ các tổ chức vì cộng đồng. Room to read và ABBank là 2 trong số những tổ chức như vậy.

Được thành lập vào năm 2000, Room to Read là tổ chức phi chính phủ hoạt động chính thức trong lĩnh vực giáo dục tại các cộng đồng có thu nhập thấp ở nhiều nước. Tại Việt Nam, dự án Thư viện thân thiện do Room to Read tổ chức trên nhiều tỉnh thành đã nhận được phản hồi tích cực.

Tháng 5, Thư viện thân thiện đã đến Lâm Đồng với sự đồng hành của ABBank. Hơn 51.000 cuốn sách với tổng giá trị 1,3 tỷ đồng đã được Ngân hàng An Bình trao tặng cho 14 trường tiểu học công lập của tỉnh, giúp 10.000 em nhỏ có cơ hội tiếp cận tri thức và hình thành thói quen đọc sách từ nhỏ.

Sau nhiều tháng triển khai, thành công của dự án đã trở thành động lực để ABBank tiếp tục mang Thư viện thân thiện tới Hải Phòng. Cụ thể, ngày 16/8 vừa qua, ABBank và Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đã tổ chức ký kết hợp tác. Theo đó, ABBank sẽ trao tặng 53.135 quyển sách, hỗ trợ về cơ sở vật chất cùng các vật phẩm giáo dục, với tổng giá trị hơn 1,6 tỷ đồng cho các em học sinh tại 10 trường tiểu học công lập Hải Phòng.

Các đầu sách mà Ngân hàng An Bình lựa chọn và trao tặng đều có sự tư vấn của chuyên gia về giáo dục, tâm lý thuộc tổ chức Room to Read; dựa trên sự sàng lọc, nghiên cứu phù hợp với từng độ tuổi, từ đó giúp các em tiếp nhận nguồn tri thức phong phú về khoa học, cuộc sống, phát triển trí tưởng tượng. Ngoài sách vở, các em nhỏ cũng sẽ có cơ hội tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa bổ ích: Ngày đọc sách, mượn và trả sách…

Chia sẻ về lý do đồng hành cùng dự án Thư viện thân thiện, bà Nguyễn Thị Hương - Phó tổng giám đốc ABBank cho biết: “Trong quá trình phát triển của mình ABBank luôn tâm niệm ‘nhân là gốc rễ cho mọi sự phát triển’. Vì vậy, chúng tôi dành nhiều tâm huyết cho các hoạt động liên quan đến giáo dục, phát triển các tài năng trẻ. Đồng hành cùng dự án Thư viện thân thiện là cách mà ABBank thể hiện sự chung tay trong việc nâng cao tri thức, văn hóa và kỹ năng sống cho trẻ em Việt Nam, giúp các em có thêm cơ hội tiếp cận với nhiều đầu sách bổ ích; và “ươm mầm ước mơ” cho thế hệ tương lai của đất nước”.

ABBank anh 6
ABBank đồng hành cùng Room to Read trong việc mang Thư viện thân thiện đến khắp Việt Nam.

Bà Nguyễn Diệu Nương, Giám đốc quốc gia Room to Read Việt Nam, chia sẻ: “Sự tham gia tích cực của ABBank là dấu hiệu đáng mừng cho thấy ngày càng nhiều doanh nghiệp trong nước quan tâm hỗ trợ việc phát triển văn hóa đọc tại Việt Nam, bắt đầu bằng cách xây dựng thói quen đọc cho học sinh ngay từ bậc tiểu học”.

Ngân hàng TMCP An Bình được thành lập năm 1993, với định hướng trở thành top đầu Ngân hàng TMCP bán lẻ, thân thiện với cộng đồng. Từ năm 2009 đến nay, ngân hàng đã dành gần 65 tỷ đồng cho hoạt động an sinh xã hội. Dự kiến tới cuối năm, con số này tiếp tục tăng lên cùng nhiều hoạt động tài trợ khác.

Giang Tiểu San

Bạn có thể quan tâm