Số liệu đánh giá về mức độ vận động của người dân được các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Stanford (Anh) đưa ra, sau khi đã tiến hành thu thập dữ liệu từ điện thoại thông minh của hơn 700.000 người tại 46 quốc gia trên thế giới.
Nghiên cứu này dựa trên cơ sở dữ liệu của những người sử dụng ứng dụng Argus trên điện thoại của họ, được thiết kế để theo dõi hoạt động hàng ngày. Sau khi tổng hợp các kết quả nhận được, các nhà nghiên đã đưa ra một bảng xếp hạng.
Bản đồ xếp hạng mức độ vận động của người dân ở các quốc gia. Màu đỏ là mức độ thấp, màu xanh là mức độ cao. Ảnh: Tim Althoff. |
Người dân Hong Kong có thể tự hào rằng mình là những người “chăm chỉ” đi bộ nhất. Trung bình mỗi người đi 6.880 bước mỗi ngày, tương đương với khoảng 6 km.
Cũng theo bảng xếp hạng của Đại học Stanford, người dân ở Indonesia có chỉ số thấp nhất với 3.513 bước mỗi ngày. Ba trên tổng số năm vị trí cuối bảng xếp hạng thuộc về các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, ngoài Indonesia còn có Phillipines (4.008 bước) và Malaysia (3.963 bước).
Người dân Việt Nam cũng đi bộ gần 4.000 bước chân mỗi ngày, dưới mức trung bình thế giới, thuộc nhóm ít vận động.
Theo số liệu của một công trình nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature, số bước trung bình mà một người trưởng thành nên thực hiện mỗi ngày là 4.961 bước, tương đương với 4 km. Do vậy, nhìn vào bảng xếp hạng trên ta có thể thấy rất nhiều quốc gia không đạt được tiêu chí trên, bao gồm Mỹ, Canada, Australia hay New Zealand.
Đi bộ thường xuyên mang lại nhiều lời ích về mặt sức khỏe. Ảnh: Stafford Smoke Signal. |
Giáo sư Scott Delp, thuộc Đại học Stanford, cho biết nghiên cứu mới của nhóm có quy mô lớn hơn gấp nhiều lần so với bất kỳ nghiên cứu nào trước đây về khả năng chuyển động của con người. Không những thế, nghiên cứu này cung cấp được dữ liệu tại nhiều quốc gia, từ nhiều đối tượng khác nhau và được theo dõi liên tục.
Những lợi ích tuyệt vời đối với sức khỏe của việc hoạt động thể chất, mà ở đây là đi bộ mang lại không cần bàn cãi. Đi bộ đúng cách và đều đặn giúp kiểm soát trọng lượng cơ thể, giảm lượng mỡ dư thừa, bảo vệ hệ xương, giúp có một thân hình cân đối, khỏe mạnh. Ngoài ra, hoạt động này còn giúp phòng ngừa các bệnh về tim mạch, hô hấp, chống trầm cảm, mang lại giấc ngủ ngon, tránh suy giảm trí nhớ ở người cao tuổi.
Theo giáo sư Delp, những con số thể hiện trong bảng xếp hạng không thể phản ánh được tỷ lệ béo phì tại 46 quốc gia kể trên. Thay vào đó, sự chênh lệch giữa hai nhóm “chăm chỉ” và “lười” vận động tại cùng một quốc gia mới là thước đo chính xác nhất tỷ lệ béo phì.
Điển hình là Thụy Điển có khoảng cách giữa nhóm “chăm chỉ” và “lười” vận động nhỏ nhất và cũng là một trong những quốc gia có tỷ lệ béo phì thấp nhất thế giới.