"Phiên bản Hàn 'hỗn' 1, phiên bản Việt 'hỗn' 1.000!" là một trong những nhận xét thú vị mà khán giả dành cho nhân vật giáo sư Baek Kang Hyuk (diễn viên Joo Ji-hoon thủ vai) của bộ phim Trung tâm chăm sóc chấn thương. Người đứng sau giọng nói đầy cá tính ấy chính là Lê Trường Tân (sinh năm 1987), diễn viên lồng tiếng kỳ cựu với hơn 16 năm kinh nghiệm.
Chất giọng đầy biểu cảm và sắc thái của Trường Tân trong hơn 12.000 từ thoại của giáo sư Baek đã góp phần tạo nên thành công cho phiên bản lồng tiếng của Trung tâm chăm sóc chấn thương, giúp bộ phim nổi tiếng của Hàn Quốc đến gần hơn với khán giả Việt Nam.
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, Trường Tân cho biết thực ra phiên bản gốc tiếng Hàn của giáo sư Baek vốn đã rất "hỗn", anh chỉ cố gắng bám sát tinh thần và sáng tạo lại để truyền tải tới khán giả Việt Nam trọn vẹn tính cách và nội tâm của nhân vật, theo cách "thuần Việt" nhất có thể.
"Tôi luôn tâm niệm rằng 'Thanh âm đẹp nhất trên đời không phải được nghe bằng tai, mà phải được cảm nhận bằng trái tim'. Chính vì vậy, tôi xem nhận xét 'mỏ hỗn' này như một lời khen tặng khán giả dành cho mình và rất trân trọng những phản hồi tích cực đó", anh nói thêm.
![]() ![]() |
Lê Trường Tân lồng tiếng cho vai giáo sư Baek Kang Hyuk trong "Trung tâm chăm sóc chấn thương". Ảnh: Netflix, NVCC. |
Từ Ngôn Nhất Trì đến pháp sư Howl
Trước khi trở thành "chiếc mỏ hỗn" trong phim Trung tâm chăm sóc chấn thương, Trường Tân đã tham gia lồng tiếng cho rất nhiều vai diễn trong phim điện ảnh, truyền hình và hoạt hình. Khi được hỏi có nhớ chính xác số lượng vai từng lồng tiếng không, anh cười đáp: "Tôi làm lồng tiếng nhiều tới nỗi như ăn cơm bữa mỗi ngày, làm gì có ai nhớ được mình đã ăn bao nhiêu chén cơm trong cuộc đời".
Tuy nhiên, nếu phải chọn ra những vai diễn đặc biệt nhất, anh nhắc đến ba cái tên: pháp sư Howl trong Lâu đài bay của pháp sư Howl, Ngô Minh Hàn trong Chuyện tôi và ma quỷ thành người một nhà và Jake Sully trong Avatar 2: Dòng chảy của nước.
![]() |
Lê Trường Tân có hơn 16 năm theo nghề lồng tiếng. Ảnh: NVCC. |
Howl là vai diễn gắn liền với tuổi thơ, giúp anh cảm thấy bình yên và được "chữa lành" trong tâm hồn. Ngược lại, Ngô Minh Hàn lại là nhân vật khiến anh phải khóc thật trong phòng thu, mang đến trải nghiệm giàu cảm xúc.
Còn Jake Sully là vai mang tới nhiều thử thách bởi yêu cầu kỹ thuật cao và việc lồng tiếng trên bản nháp đen trắng với lý do bảo mật nghiêm ngặt đòi hỏi trí tưởng tượng phong phú.
Bên cạnh những vai lớn, có một nhân vật chỉ xuất hiện vài giây nhưng lại tạo ra hiệu ứng không tưởng: Ngôn Nhất Trì trong một trailer game trực tuyến. Trường Tân cho biết ban đầu dự án này giao cho anh lồng tiếng một nhân vật khác, nhưng trong lần thu âm trailer, anh được chỉ định thu giùm vai Ngôn Nhất Trì với chỉ hai, ba câu thoại.
Kết quả, câu thoại "Chính là anh, Ngôn Nhất Trì, người chồng đoản mệnh của em!" do anh thực hiện lại viral khắp mạng xã hội. Mỗi khi vô tình nghe lại đoạn âm thanh "ám ảnh" này, anh cũng tự thấy buồn cười, không ngờ một đoạn lồng tiếng ngẫu hứng lại thành hiện tượng.
Đi tìm lý do cho chính mình
Trước khi trở thành diễn viên lồng tiếng chuyên nghiệp, Trường Tân từng theo học ngành Quản lý khách sạn. Nhưng chính sự tò mò và đam mê phim ảnh đã đưa anh đến với công việc này qua một buổi thử giọng tại kênh truyền hình HTV3. Kể từ đó, lồng tiếng không chỉ là nghề, mà trở thành cái "nghiệp" gắn bó với anh suốt hơn 16 năm qua.
Theo anh, để sống được với nghề lồng tiếng, ngoài giọng nói tốt, người diễn viên cần có sự nhạy bén, tinh thần học hỏi và đặc biệt là đam mê.
"Như một câu thoại hay của giáo sư Baek trong phim, tôi nghĩ rằng nếu không có một lý do đủ lớn để gắn bó công việc, bạn sẽ dễ bỏ cuộc trước những khó khăn", anh chia sẻ.
![]() |
Theo Trường Tân, giọng nói, sức khỏe và đam mê là những yếu tố phải có đối với diễn viên lồng tiếng. Ảnh: NVCC. |
Một trong những thử thách lớn của nghề lồng tiếng là việc truyền tải cảm xúc chỉ bằng giọng nói, mà không có biểu cảm gương mặt hay ngôn ngữ cơ thể hỗ trợ. Đặc biệt, khi lồng tiếng cho những nhân vật có phong cách diễn xuất độc đáo như giáo sư Baek, người lồng tiếng phải khớp khẩu hình, giữ nguyên tinh thần nhân vật mà vẫn đảm bảo tính tự nhiên trong ngôn ngữ tiếng Việt.
"Chúng tôi luôn cố gắng chọn lọc từ ngữ phù hợp nhất, vừa sát nghĩa, vừa khớp khẩu hình, lại không bị phô hay thô tục. Tiếng Việt rất phong phú, nên tôi muốn khán giả có một bản lồng tiếng chất lượng và trọn vẹn nhất", anh nói về quá trình làm việc.
Bên cạnh kỹ năng, sức khỏe cũng là yếu tố quan trọng. Với những cảnh đòi hỏi la hét, bộc lộ cảm xúc mạnh, anh thường phải thu đi thu lại nhiều lần để đạt chất lượng tốt nhất.
"May mắn là tôi có thói quen tập thể thao và từng học một khóa luyện thanh ngắn hạn, nên vẫn giữ được giọng nói khỏe và ổn định", anh cho biết.
Dù đã gặt hái nhiều thành công, Trường Tân vẫn không ngừng tìm kiếm thử thách mới. Anh mong muốn được thử sức với những vai phản diện gai góc, hoặc những nhân vật có tâm lý phức tạp hơn.
Anh cũng hy vọng ngành lồng tiếng ở Việt Nam sẽ ngày càng phát triển hơn, để diễn viên lồng tiếng có thể sáng tạo những nhân vật nguyên bản thay vì chỉ lồng tiếng cho các tác phẩm chuyển ngữ.
"Sẽ thật tuyệt nếu một ngày nào đó, các nhân vật hoạt hình được tạo ra dựa trên chính diễn xuất và sáng tạo của diễn viên lồng tiếng chúng tôi", anh bày tỏ.
Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.