Nghệ thuật là sáng tạo và mang dấu ấn cá nhân, cũng không thể gò ép vào một khuôn khổ nhất định, nhưng rất cần một định hướng để sự sáng tạo nghệ thuật có ý nghĩa, có ảnh hưởng tác động tích cực đến xã hội, chứ không chỉ là mua vui xả stress, rồi phóng túng, tự do, chạy theo thị hiếu tầm thường hay mục tiêu lợi nhuận, để rồi xây lâu đài cát cho điện ảnh Việt Nam tương lai.
Trúng số dự Oscar chỉ cho vui. Ảnh: TL |
Lỗi hệ thống
Năm thứ 12 của giải nghề nghiệp Cánh Diều và kỷ niệm 62 năm ngày thành lập ngành (15/3/1953 - 15/3/2015) diễn ra tối 12/3/2015 tại TP HCM như thêm một lần nữa khẳng định ngành điện ảnh Việt Nam (ĐAVN) đang có rất nhiều vấn đề nan giải từ nền móng, rường cột đến nóc nhà… làm day dứt những ai tâm huyết với nghề. Không giải vàng, có tới ba giải Cánh Diều bạc cho các phim: Những đứa con của làng (đạo diễn Nguyễn Đức Việt), Lạc giới (đạo diễn Phi Tiến Sơn) và Hương ga (đạo diễn Ngô Quốc Cường), cùng với ba bằng khen cho các phim: Chàng trai năm ấy (đạo diễn Nguyễn Quang Huy), Thầu Chín ở Xiêm (đạo diễn Bùi Tuấn Dũng) và Quả tim máu (đạo diễn Victor Vũ).
Nhìn vào phim đoạt giải, thấy ngay sự thỏa hiệp giữa phim nghệ thuật với thị trường, phim chính luận với phim giải trí. Và điều đáng nói, rõ ràng, có sự lệch pha, khi phim có công thức sex + giang hồ + đồng tính cùng đứng một hàng với phim về thời hậu chiến...
Gần nhất, phim VN tham dự hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất của Oscar năm 2015 được chọn là một phim thị trường - Trúng số, cho dù phim mang nội dung theo kiểu người tốt việc tốt, nhưng chưa phải là một tác phẩm nghệ thuật thực sự và có lẽ cũng chỉ xác định là tham dự cho vui, sau hai năm liền điện ảnh VN vắng bóng ở Oscar.
Khi phim Việt đã có nhãn 18+, thì có khả năng công thức phim Việt sex + giang hồ + hài + kinh dị sẽ càng được trọng dụng, khi dòng phim thị trường vẫn đang giữ thế thượng phong trong nền ĐAVN hiện tại, vì đây là các thể loại rất ăn khách, nhất là có một số lượng lớn khán giả xem phim như một cách giải trí, xả stress.
Thực tế ĐAVN đang có những đạo diễn trẻ tài năng, giành giải tại các LHP quốc tế và trong nước, nhưng xem một số phim của họ (không phải tất cả), nhiều khi thấy rõ sự xa lạ với văn hóa Việt, có lúc là sự bế tắc tâm lý, phơi bày những ẩn ức cá nhân trong cuộc sống riêng tư, hay chạy theo những chuyện loạn luân, sex trần trụi, đồng tính, những vấn đề mà những cây đa cây đề hay các thế hệ đàn anh trước của ĐAVN đều không chạm vào hay ngó lơ, thì họ - những người làm phim trẻ mạnh dạn chơi, khai thác để cốt giành được sự chú ý từ các quỹ tài trợ, giám khảo phương Tây? Nên khuyến khích các nhà làm phim trẻ tiếp tục khai thác các đề tài đương đại như vậy và xem đó là sáng tạo, đổi mới? Và liệu làm phim theo xu hướng này, cho dù có đoạt giải LHP quốc tế danh tiếng, thì có phản ánh đúng nền ĐAVN?
Ở chừng mực nào đó, dòng phim nghệ thuật VN vẫn chưa đủ để gọi là có tính nghệ thuật cao mà có thể hấp dẫn công chúng. Mà vấn đề này thuộc về căn bệnh lỗi hệ thống của ĐAVN từ nhiều năm qua chưa khắc phục được. Phim giải trí đang thống trị thị trường phim Việt, còn các đạo diễn cũng tự dễ dãi với mình, khiến các phim thị trường, giải trí đang dần làm cho thị hiếu khán giả thấp xuống, càng làm cho ĐAVN thiếu đi sự chuyên nghiệp của nền điện ảnh quốc gia….
Cửa đã mở…
Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt ngày 11.11.2013; Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Chính phủ phê duyệt ngày 25/1/2014 thông qua Quyết định 199/QĐ-TTg - hai văn bản rất quan trọng đối với sự phát triển của bộ môn nghệ thuật thứ bảy VN trong 5-15 năm tới, là tiền đề để thay máu, thay cả bình lẫn rượu đối với ĐAVN ngay từ bây giờ.
Không cần ai tự ve vuốt hay ăn mày dĩ vãng, mà sự thật, ĐAVN đang phát triển một cách khiếm khuyết. Phim Việt sản xuất, hiện tại dù số lượng tăng cao theo mỗi năm, nhưng vẫn là sự phát triển có lượng mà không chất, sản phẩm mang tính ác nhiều hơn thiện, phim nghệ thuật yếu kém để phim thị trường lấn át, đè bẹp… Không có nền điện ảnh quốc gia nào phát triển bằng thước đo những phim mang tính giải trí thuần túy, mà cần phải có sự cân bằng giữa các dòng phim, các thể loại, đặc biệt phải ưu tiên cho dòng phim nghệ thuật, vì đó mới là sự đánh giá chính thống ĐAVN để so sánh - song hành với các nền điện ảnh trong châu lục hay thế giới.
Huấn luyện viên bóng đá nổi tiếng Fabio Capello (Italia) từng nói: “Sáng nào tôi cũng nhìn vào gương để tự hỏi xem mình đã làm hết sức chưa?”
Có lẽ nhà quản lý và người nghệ sĩ cũng nên làm như Capello, vì nghệ sĩ cũng là một công dân. Một công dân với ý thức trách nhiệm và tâm huyết, làm ra những bộ phim điện ảnh ăn khách nhưng bằng sự độc đáo, tính nhân văn thay vì những chiêu trò sex + giang hồ một cách tầm thường, thậm chí lố bịch, thô thiển - cách giết chết nhanh nhất một nền điện ảnh đang có bệnh.