“Anh ta làm gián đoạn khoảng thời gian yên tĩnh của tôi, quay và tải lên một video mà không có sự đồng ý, biến nó thành một thứ nội dung khác”, bà Maree, một phụ nữ đến từ Melbourne (Australia), bức xúc sau khi bất đắc dĩ trở nên nổi tiếng trên mạng.
Trước đó, một sao mạng trên TikTok đã nhờ bà Maree cầm hộ bó hoa. Trước khi bà Maree kịp trả lại, người này đã rời đi. Phản ứng sửng sốt của bà được quay lại và chia sẻ lên TikTok kèm chú thích "Tôi hy vọng điều này sẽ giúp bà ấy có một ngày tốt lành hơn".
Clip này sau đó “viral” với 59 triệu lượt xem và 11 triệu lượt thích. Bà Maree được miêu tả kèm các tính từ như "người phụ nữ lớn tuổi" với một "câu chuyện đau lòng", “người già dễ rung động khi được quan tâm”.
Bà Maree vô tình trở thành nhân vật được đông người dùng mạng biết đến sau khi bị quay phim mà không xin phép. Ảnh: Guardian. |
Câu chuyện được lan truyền sai lệch hoàn toàn sự thật khiến người phụ nữ cảm thấy bản thân bị đưa ra làm công cụ câu like và gọi hành động của người đăng tải clip là “vô đạo đức”.
Giống với trường hợp của bà Maree, chuyện một người bình thường bỗng dưng nổi tiếng trên mạng xã hội có thể hoàn toàn không vui vẻ gì, khi nhân vật chính bị hiểu lầm và trước tiên, họ không hề có ý định muốn nhiều người biết đến.
Bỗng dưng thành hiện tượng Internet
Cuộc sống của Blake Boston, chàng trai 32 tuổi đến từ Massachusett (Mỹ) đảo lộn sau khi một bức ảnh của anh trở thành meme (ảnh chế) phổ biến.
Trong ảnh, Blake, khi đó 16 tuổi, đội mũ lưỡi trai và khoác áo cổ lông thú giả với vẻ mặt khó gần. Khoảnh khắc này được dân mạng đặt tên là “Scumbag Steve” (Steve đểu cáng) và dùng để chế thêm các câu mô tả hành động thiếu đứng đắn, vụng trộm.
Vẻ ngoài của Blake vô tình khiến nhiều người thấy ác cảm. Họ nghĩ anh thực sự là người đểu cáng và truy tìm danh tính, số điện thoại và tài khoản mạng của anh. Blake bắt đầu bị quấy nhiễu ngày đêm dù không hiểu chuyện gì xảy ra.
“Họ gọi tôi là kẻ đê tiện, phân biệt chủng tộc, thậm chí gọi điện làm phiền cả gia đình và bạn gái tôi lúc nửa đêm. Một số kẻ ác ý còn đăng ảnh siêu âm đứa con sắp chào đời của tôi và rủa nó chết đi. Bạn gái tôi từng khóc suốt đêm vì thấy bị xúc phạm nặng nề”, Blake nhớ lại.
Meme "Steve đểu cáng" từng khiến nhân vật chính bị xúc phạm trong thời gian dài. Ảnh: Know Your Meme. |
Việc con trai bất ngờ “nổi tiếng” và bị “ném đá” vô cớ khiến mẹ của Blake, bà Susan đau lòng theo. Nhiều năm về trước, khi nhờ con trai tạo mẫu để làm bài tập lớp nhiếp ảnh, bà Susan không hề ngờ đến một ngày bức ảnh mình chụp và đăng một cách vu vơ lên blog cá nhân lại gây ra rắc rối theo cách không ai có thể đoán trước.
Bà khóc khi thấy các email đe dọa, chửi bới tràn ngập hộp thư của Blake, buộc người mẹ phải gửi thư yêu cầu nhiều trang mạng xóa đi meme này.
“Thấy ảnh con xuất hiện khắp nơi khiến tôi phát ốm. Tôi cảm thấy như bản thân không thể bảo vệ những đứa trẻ của mình”. Chỉ đến khi người trong cuộc lên tiếng giải thích, số lượng meme bêu xấu, xúc phạm chàng trai mới giảm dần.
Tương tự, Josep Maria Garcia (Tây Ban Nha) cũng bất ngờ phát hiện gương mặt mình được chia sẻ tràn lan trên Internet, đi kèm với cụm từ “người tệ nhất thế giới” và bức ảnh chụp anh do anh rể chụp hộ từ năm 2014.
Năm 2018, bức ảnh của anh được người lạ dùng minh họa cho một bài báo trên tạp chí châm biếm của Mỹ, nói về những người đồng nghiệp khó ưa, hay nói chuyện vô nghĩa. Tại thời điểm đó, Garcia không mấy để tâm.
Bức ảnh khiến Garcia bị gán mác "người tồi tệ nhất bạn từng biết". Ảnh: Vice. |
Hai năm sau, Garcia mới nhận ra tấm ảnh của mình đã trở thành một meme toàn cầu, với gần 2 tỷ kết quả tìm kiếm.
Vì cụm từ nói trên là tiếng Anh, người dân địa phương hay công ty Gracia làm việc không biết về chuyện này. Bản thân anh cũng cố gắng để sự nổi tiếng trên mạng không ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày.
Tuy nhiên, khi một nhà báo có một loạt bài đăng trên mạng xã hội, viết về manh mối nhằm tìm ra anh, Garcia trở thành hiện tượng mạng ở quê nhà. "Tôi phải đọc một loạt bình luận không hay về gương mặt mình, như mặt tôi không phải người thiện hay tôi trông giống một kẻ thượng đẳng", người đàn ông kể.
Hai năm qua, Garcia từ chối các yêu cầu phỏng vấn và tránh xa mọi sự chú ý. Nhưng những tháng gần đây, anh dần nhận trả lời một số hãng truyền thông, song vẫn từ chối chụp ảnh, với lý do “sợ rằng nó sẽ bị lan truyền một lần nữa”.
Internet thay đổi cách thức nổi tiếng
Theo CNN, trong quá khứ, sự nổi tiếng hầu như chỉ đến với các nhân vật xuất hiện trên các phương tiện truyền thông truyền thống như tivi, báo giấy.
Còn giờ, khi Internet ra đời và mạng xã hội bùng nổ, sự nổi tiếng, tùy theo mức độ nhất định, có thể đến với bất kỳ ai, với tốc độ nhanh chóng. Một điệu nhảy có thể khiến bạn trở thành ngôi sao hay một cái nháy mắt cũng có thể giúp bạn có thêm vài triệu người theo dõi, theo India Times.
Kate Upton bên cạnh bìa tạp chí cô làm mẫu ảnh. Ảnh: CNN. |
Trước năm 2011, Kate Upton vẫn là một người mẫu làng nhàng, không mấy tiếng tăm.
Tuy nhiên, chỉ sau một clip ghi lại cảnh cô nàng nhảy nhót trong trận đấu của đội bóng rổ Los Angeles Clippers trở nên hot trên mạng, cô liền được mời làm gương mặt trang bìa cho tạp chí thể thao Sports Illustrated, giúp danh tiếng lên tầm cỡ khác, mở đường cho sự nghiệp thời trang tiến xa hơn.
Nói cách khác, với số lượng người dùng mạng đông đảo và thường xuyên từng giờ, những cú nhấn like, chia sẻ liên tiếp hoàn toàn có thể thay đổi cuộc sống của một người.
Với những người không muốn nổi tiếng, việc vô tình trở thành hiện tượng mạng đem lại cho họ nhiều rắc rối hơn là niềm vui.
Trong trường hợp thông tin sai lệch bị chia sẻ rộng rãi, chúng nhiều khả năng tồn tại trên Internet mãi mãi, dù người trong cuộc tìm nhiều cách xóa bỏ hay giải thích.
Danh tiếng trên mạng "chóng đến chóng đi" khi mạng xã hội thay đổi từng phút, song hoàn toàn có thể ảnh hưởng lâu dài đến cuộc sống thực của người trong cuộc bởi tính khó kiểm soát của chúng.