Wu Yun được ưu tiên ghép thận nhờ là vợ của người hiến tạng. |
Wu Yun (không phải tên thật) bị suy thận và phải lọc máu 3 lần/tuần từ năm 2019. Cuối tháng trước, cô nhận được nội tạng hiến tặng tại một bệnh viện ở Hàng Châu (tỉnh Chiết Giang), theo Qianjiang Evening News.
Đáng lẽ, tương tự những bệnh nhân khác, người phụ nữ này sẽ phải đợi hơn 2,5 năm để được cấy ghép. Tuy nhiên, nhờ sự đóng góp của người chồng quá cố cho khoa học y tế, cô được đưa vào danh sách nhận ưu tiên.
Năm 2019, chồng Wu chết đột ngột ở tuổi 36 do xuất huyết não. Gia đình đã quyết định hiến thận, tim và gan của người đàn ông này.
“Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng anh ấy không chỉ cứu những người khác, mà còn giúp đỡ tôi và các con”, Wu chia sẻ.
Cô được chẩn đoán có vấn đề về thận ngay sau khi chồng qua đời. Suốt 3 năm tiếp theo, người mẹ 2 con liên tục phải dùng thuốc và lọc máu trong vài tháng, cho đến khi cô thực sự cần phải thay cơ quan nội tạng mới.
Người phụ nữ được ghép tạng ở Bệnh viện trực thuộc đầu tiên của Đại học Y khoa Chiết Giang (Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang). |
Nhờ sự đóng góp của chồng, cô được đánh giá là trường hợp ưu tiên. Không những được nhận thận sớm hơn thông thường so với các bệnh nhân khác, một phần chi phí cấy ghép cũng được miễn giảm do Wu là vợ của người hiến tặng.
Wu được trao một cuộc sống mới. Hơn nữa, người phụ nữ có con nhỏ mới 5 tuổi cho biết điều này còn giúp gia đình có thu nhập thấp như nhà cô thoát khỏi gánh nặng tài chính lớn. Vợ chồng Wu vốn là công nhân nhập cư ở tỉnh Chiết Giang. Họ gửi 2 con ở nhà họ hàng để đi làm xa.
Wu không biết gì về chính sách ưu tiên người nhận, cho đến khi một trong những nhà hoạt động xã hội kể với cô.
“Từ lâu, các bác sĩ đã nói với tôi rằng tôi cần ghép thận. Thế nhưng, tôi chưa bao giờ nghĩ đến điều đó vì không đủ khả năng chi trả hàng trăm nghìn NDT. Bên cạnh đó, tôi sẽ phải chờ rất lâu để có một quả thận khỏe mạnh”, cô nói.
Wu được xuất viện vào tuần trước sau ca cấy ghép thành công hôm 24/11. Cô cảm thấy tràn trề hy vọng và khao khát muốn sống tiếp vì các con.
Bên cạnh đó, người phụ nữ kể rằng cô giữ bí mật với con cái về việc chồng mình hiến tạng.
“Khi chúng trưởng thành, tôi sẽ cho các con xem giấy chứng nhận hiến tạng và nói rằng bố của chúng không chỉ giúp người khác, mà còn cứu cả mẹ”, cô chia sẻ.
Nhà có nhiều cột
Bình đẳng giới không phải là đưa phụ nữ ra khỏi nhà và đẩy đàn ông quay trở lại căn bếp. Xã hội nên là nơi mọi cá nhân được tôn trọng, tự do phát triển và đối xử bình đẳng bất kể thuộc giới tính nào. Mục Đời Sống giới thiệu tới độc giả cuốn Nghĩ bình đẳng, sống bình đẳng. Tác phẩm được hy vọng mang đến cho người đọc những nhận thức cơ bản về vấn đề bình đẳng giới và chất liệu cho các thảo luận về giới và thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam.