Bao cao su từ lâu đã trở thành biện pháp phòng ngừa mang thai và các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục phổ biến và hiệu quả. Tuy nhiên, bạn đã bao giờ thắc mắc con người bắt đầu biết sử dụng chúng từ khi nào không?
Bao cao su ra đời như thế nào?
Bao cao su đầu tiên được làm từ ruột cừu hoặc màng động vật khác để bảo vệ khỏi các bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục. Tuy nhiên, hiệu quả của những loại bao cao su này trong việc ngăn ngừa mang thai và các bệnh truyền nhiễm như HIV, viêm gan B... kém hiệu quả.
Năm 1839, Charles Goodyear (nhà khoa học người Mỹ) đã có một phát minh đột phá là lưu hóa cao su. Phát minh này giúp tạo ra loại cao su chịu nước, nhiệt, lạnh và rất bền. Năm 1855, bao cao su đầu tiên được tạo ra. Chúng được sản xuất hàng loạt vào năm 1870 với độ dày 2 mm.
Vào cuối thế kỷ 19, Maison A. Claverie, Paris, Pháp, đã bán bao cao su được cuộn lại với tên mặt hàng là "Le Parisien" (người Paris). Chúng được làm bằng cao su co giãn và có thể sử dụng nhiều lần.
Chiếc bao cao su làm từ ruột cừu. Ảnh: Catawiki. |
Năm 1912, nhà sản xuất cao su Julius Fromm (Đức) đã phát triển phương pháp sản xuất bao cao su liền mạch bằng cách nhúng bầu thủy tinh vào dung dịch cao su. Từ năm 1930, mủ cao su đã được sử dụng làm vật liệu và sự phát triển này giúp việc sản xuất hàng loạt trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, việc bán bao cao su đã bị cấm ở nhiều nơi cho đến giữa thế kỷ 20, hoặc chỉ được phép sử dụng cho mục đích y tế.
Về nguyên tắc, các loại bao cao su ban đầu đều khá giống nhau. Sự khác biệt chính ở một số bao cao su là thiếu phần bể chứa như các loại bao cao su phổ biến ngày nay để hấp thụ tinh dịch. Trong những thập kỷ sau đó, các nhà sản xuất đã phát triển nhiều biến thể của bao cao su, khác nhau về chất liệu, kích cỡ (chiều dài và chiều rộng), độ bền, màu sắc, hình dạng và cấu trúc.
Có những loại bao cao su nào?
Hiện nay, bạn có thể tìm thấy nhiều loại bao cao su khác nhau trên thị trường từ kích thước, hương vị, kiểu dáng, lượng chất bôi trơn... Các bao cao su hiện rất phổ biến với cấu trúc rãnh và gai trên bề mặt để thúc đẩy sự kích thích. Chúng còn thêm một phần gel bôi trơn giúp cho việc quan hệ dễ dàng hơn.
Ngày nay, ngoài bao cao su trong suốt thì loại "áo mưa" màu cũng rất phổ biến. Ngoài ra, chúng ta còn có bao cao su màu huỳnh quang phát sáng trong bóng tối. Bao cao su có hương vị chủ yếu nhằm mục đích cải thiện quan hệ tình dục bằng miệng và che đi mùi vị nhạt nhẽo của cao su. Trái cây không phải là hương vị duy nhất. Các loại đồ uống có cồn như rượu Whisky cũng được các hãng sản xuất bao cao su sử dụng để tạo mùi cho sản phẩm của họ.
Ngoài ra, có những loại bao cao su giúp kéo dài thời gian quan hệ. Những loại bao cao su này thường có một vòng mỏng bên dưới quy đầu hoặc dày hơn ở khu vực phía trước. Chúng ta còn có bao cao su có lớp phủ chất diệt tinh trùng như chất Nonoxinol-9. Điều này được cho là cung cấp thêm sự bảo vệ, nhưng cũng đang gây tranh cãi.
Bao cao su thuần chay, tức là cao su không có thành phần động vật, cũng có sẵn trên thị trường hiện nay.
Bao cao su cho phụ nữ
Bao cao su nữ là cách duy nhất mà phái đẹp có thể tự bảo vệ mình khỏi lây nhiễm HIV và các bệnh qua đường tình dục khác. Điều này rất quan trọng nếu đối tác của bạn không muốn sử dụng bao cao su. Bao cao su nữ bao gồm lớp vỏ mỏng bằng cao su hoặc polyurethane. Chúng có một đầu đóng và một đầu mở. Nó được đặt trong âm đạo và ngăn không cho tinh trùng xâm nhập vào tử cung.
Bạn có thể tìm thấy nhiều loại bao cao su khác nhau trên thị trường từ kích thước, hương vị, kiểu dáng, lượng chất bôi trơn. Ảnh minh họa: Lindependant. |
Khi sử dụng đúng cách, loại cho nữ gần như an toàn như bao cao su nam. Vì không có tiếp xúc trực tiếp giữa dương vật và màng nhầy của âm đạo nên bao cao su nữ - giống như bao cao su nam - cũng bảo vệ khỏi HIV và bệnh lây nhiễm qua đường tình dục khác.
Cả hai đầu của bao cao su nữ đều có vòng mềm. Vòng ở đầu kín được đưa vào sâu trong âm đạo để che cổ tử cung. Vòng còn lại nằm bên ngoài cửa âm đạo trên môi ngoài của môi âm hộ và ngăn không cho bao cao su nữ trượt hoàn toàn vào trong.
Bao cao su nữ nên được tráng đủ chất bôi trơn ở bên trong, bên ngoài trước khi đưa vào để không bị dính vào dương vật và vô tình kéo ra khỏi âm đạo. Ngoài ra, bao cao su nữ phải được đưa vào trước khi dương vật đi vào âm đạo lần đầu tiên. Sau khi quan hệ tình dục, tốt nhất là trước khi ngủ dậy, bạn nên cẩn thận tháo bao cao su ra khỏi âm đạo.
Dùng bao cao su làm giảm cảm giác khi quan hệ tình dục?
Nghiên cứu từ Trường Y tế Công cộng Bloomington, Mỹ, được công bố trên Tạp chí Y học Tình dục (số tháng 1 năm 2013), cho thấy nam giới và phụ nữ khi quan hệ tình dục có hoặc không sử dụng bao cao su thì mức độ thỏa mãn như nhau.
Ảnh hưởng của chất bôi trơn đến quan hệ tình dục cũng được đưa vào nghiên cứu. Tuy nhiên, những người được hỏi hầu như nhất trí khi cho rằng việc sử dụng bao cao su không có tác động tích cực hay tiêu cực đến quan hệ tình dục. Chất bôi trơn cũng không tạo ra bất kỳ sự khác biệt liên quan nào. Gần 27% phụ nữ được khảo sát thậm chí không để ý xem bao cao su đã được bôi trơn hay chưa.
Phải làm gì khi bao cao su bị rách và đối tác mắc bệnh truyền nhiễm?
Ngay khi nhận thấy bao cao su bị rách, bạn nên rút "cậu nhỏ" ra và nhẹ nhàng rửa sạch nhiều lần với nước. Bạn phải đi tiểu càng sớm càng tốt để tống chất nhờn ra ngoài theo đường niệu đạo. Phía ngoài của âm vật và hậu môn cũng cần được rửa, làm vệ sinh sạch sẽ bằng nước.
Tuy nhiên, việc sục rửa sâu âm đạo không được khuyến khích. Các vết thương ở trên bề mặt da có thể xảy ra trong quá trình sục rửa, thậm chí làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Ngay khi nhận thấy bao cao su bị rách, bạn nên rút "cậu nhỏ" ra và nhẹ nhàng rửa sạch nhiều lần với nước. Ảnh minh họa: Telegra. |
Nếu tinh dịch hoặc máu dính vào miệng khi "yêu" bằng miệng, bạn nên nhổ chúng ra và rửa sạch bằng nước. Tuy nhiên, bạn không nên đánh răng. Điều này cũng có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm.
Để bảo vệ chống mang thai ngoài ý muốn, các bạn nữ có thể sử dụng viên uống tránh thai khẩn cấp. Tuy nhiên, nó không bảo vệ khỏi bị nhiễm HIV hoặc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.
Nếu không biết bản thân có thể đã nhiễm HIV hoặc một bệnh truyền nhiễm khác hay không, hãy liên hệ với trung tâm tư vấn hoặc bác sĩ càng sớm càng tốt. Bạn có thể thảo luận với bác sĩ về nguy cơ lây nhiễm, việc kiểm tra sức khỏe và các biện pháp tiếp theo như phòng ngừa HIV sau phơi nhiễm bằng thuốc.
Bài viết do TS.DS Tạ Thanh Sơn (từng học tại ĐH Philipps Marburg; tốt nghiệp tiến sĩ tại Viện Công nghệ Dược Sinh học, ĐH Marburg, CHLB Đức), cung cấp thông tin.