Trong kết luận điều tra vụ án liên quan bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã làm rõ nguồn gốc toàn bộ số tiền mà bà Nhàn và thuộc cấp tại AIC chi để hối lộ cho cựu bí thư, cựu chủ tịch tỉnh Đồng Nai cùng nhiều lãnh đạo sở, ngành địa phương.
Theo Bộ Công an, bà Nhàn là người đại diện theo pháp luật, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty AIC từ năm 2005. Đây là doanh nghiệp được cổ phần hóa từ Trung tâm xuất khẩu lao động Tralacen, thuộc Bộ Giao thông Vận tải.
Công ty AIC có vốn điều lệ ở thời điểm năm 2005 là 5 tỷ đồng. Năm 2008, doanh nghiệp đăng ký bổ sung ngành nghề kinh doanh trang thiết bị, dụng cụ y tế. Qua 9 lần thay đổi, AIC tăng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng.
Sau khi tỉnh Đồng Nai lập dự án Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, để Công ty AIC trúng 16 gói thầu với tổng giá trị gần 666 tỷ đồng và thu lợi bất chính lớn từ dự án này, ngoài việc thiết lập các mối quan hệ với lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và nhiều sở ngành, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn còn thành lập ban thư ký tài chính do Nguyễn Thị Thu Phương (đã xuất cảnh khỏi Việt Nam) làm trưởng ban.
Bà Nhàn và ông Trần Mạnh Hà (giữa) đang bỏ trốn. |
Theo chức năng, ban thư ký tài chính thực hiện việc thu chi đối ngoại theo chỉ đạo của Nhàn. Mọi hoạt động đều ghi chép sổ sách, cập nhật trên máy tính riêng của ban, nhưng không hạch toán kế toán Công ty AIC.
"Nguồn tiền ban thư ký tài chính có được là tiền từ các công ty hợp tác chuyển về do ký các hợp đồng mua bán hàng hóa với giá cao, sau đó rút tiền chuyển về nhập quỹ của ban", kết luận nêu.
Từ năm 2011 đến năm 2020, nhóm nhân viên Công ty AIC gồm Đặng Minh Tâm, Trịnh Thị Vân Khánh, Phan Thị Hảo Thư, Trần Kiên và Lê Thị Ngọc Anh cùng một số người đã nhận tiền từ quỹ của ban thư ký tài chính để chuyển vào tài khoản của Hoàng Thị Phương Anh, nhân viên Công ty TNHH Tư vấn Công nghệ và Thương mại tổng hợp Nam Bộ (cũng là công ty do bà Nhàn thành lập, điều hành).
Sau đó, Nguyễn Thị Thu Phương chỉ đạo Phương Anh rút tiền mặt, giao cho Nguyễn Thị Thanh Nhàn và các phó tổng giám đốc AIC chi tiền theo “cơ chế”, “ngoại giao” mà bà Nhàn chủ trương để đưa hối lộ cho nhiều cá nhân là lãnh đạo tỉnh, sở, ngành và chủ đầu tư ở thời điểm đó. Theo Bộ Công an, giai đoạn 2011-2020, tổng số tiền mà nhân viên của ban thư ký tài chính chuyển cho Phương Anh là 495,5 tỷ đồng.
Quá trình điều tra, Phương Anh khai sau khi nhận được tiền chuyển khoản, cô đều trực tiếp rút và đưa cho bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn hoặc phó tổng giám đốc Trần Mạnh Hà. Số tiền mỗi lần nhận và rút ra từ 1 tỷ đồng đến 5 tỷ đồng.
Theo cáo buộc, bà Nhàn đã thành lập, điều hành, xây dựng bộ máy tổ chức Công ty AIC và các công ty thành viên; lãnh đạo các công ty do Nhàn thành lập; xây dựng quy trình, quy chế nội bộ, làm cơ sở để các cá nhân, đơn vị trong công ty phối hợp thực hiện các bước trong quy trình tham gia đấu thầu.
Để được trúng thầu, bà Nhàn còn lập các ban nội bộ do bà ta trực tiếp điều hành. Bị can giao những người thân tín phụ trách, thực hiện việc điều chuyển dòng tiền thu lợi bất chính, hợp thức hóa để chi ngoài sổ sách cho các lãnh đạo thuộc Tỉnh ủy, UBND tỉnh, chủ đầu tư theo cơ chế do Nhàn đặt ra.
Với cách thức luân chuyển dòng tiền trên, Bộ Công an cho rằng Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng thuộc cấp đã đưa hối lộ tổng số tiền 43,8 tỷ đồng cho các ông Trần Đình Thành (cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai), Đinh Quốc Thái (cựu chủ tịch tỉnh) và Phan Huy Anh Vũ (cựu Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai).
2 cuốn sách giúp hiểu rõ hơn về luật hình sự
1. Bộ luật Hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đề cập các điều luật về đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức.
2. 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật Hình sự giúp tìm ra những điểm mấu chốt mang tính bản chất để phân biệt tội danh này với tội danh khác.