Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nguy cơ nhiễm độc toàn thân khi dùng thuốc sai cách

Sạm da, tiêu chảy kéo dài, tổn thương gan và thận có thể xảy ra ở người bệnh dùng thuốc sai cách.

Thạc sĩ, bác sĩ Doãn Uyên Vy, Phụ trách Phòng khám Chống độc, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết gần đây, đơn vị này tiếp nhận nhiều ca bệnh có tình trạng suy gan cấp, ứ mật gây vàng da, da nổi sần sùi, sạm da...

Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm liên quan, các bệnh nhân này đều có cùng bệnh sử dùng thuốc điều trị không rõ nguồn gốc, thuốc đông y có nguồn gốc kim loại.

Nhiễm độc vì thuốc sai cách

Cách đây 3 năm, ông N.V.Đ. (ngụ tỉnh Đắk Lắk) mua thuốc đông y bổ thận về uống. Sau đó, người đàn ông có triệu chứng men gan nên tiếp tục tìm đến "thầy đông y" để bốc thuốc uống.

Sau đó, người đàn ông bắt đầu thấy triệu chứng ngứa, da bị nổi từng lát nên đến Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM khám bệnh.

Bác sĩ Uyên Vy cho biết ông Đ. không phải trường hợp dùng thuốc đông y không rõ nguồn gốc duy nhất đến khám tại đơn vị này do các vấn đề liên quan da, gan và thận.

Nguy co nhiem doc toan than anh 1

Da toàn thân của ông Đ. bị đen sạm, đóng vẩy. Ảnh: BVCC.

Các tình trạng khác khá phổ biến cũng được phát hiện như suy gan cấp, gan to, ứ mật gây vàng da, vàng mắt, da nổi sần sùi, sạm da. Một số ca bệnh bị tiêu chảy kéo dài gây viêm ruột mạn tính, làm mất đạm qua ruột.

Thậm chí, một số bệnh nhân bị tổn thương nhiều cơ quan khác nhau cùng lúc. Có trường hợp nặng nhập viện trong tình trạng suy tim cấp, cơ tim giảm động, suy thận cấp, viêm gan cấp tính, lơ mơ, hôn mê, nguy cơ tử vong.

Trước đó, những bệnh nhân này đều có tiền căn khỏe mạnh hoặc không có bệnh lý liên quan, sau đó đột ngột xuất hiện các triệu chứng và diễn tiến nặng dần lên.

Theo bác sĩ Doãn Uyên Vy, sau khi loại trừ bệnh lý nội khoa thường gặp, các bác sĩ đã tìm ra nguyên nhân là những bệnh nhân đều có sử dụng thuốc đông y không rõ nguồn gốc và liều lượng kéo dài với mục đích tăng cường sinh lý, bồi bổ sức khỏe, điều trị đau khớp hoặc ngăn ngừa đột quỵ.

Ngoài thuốc đông y không rõ nguồn gốc, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng tiếp nhận một số trường hợp bệnh nhân sử dụng thuốc tây y lâu dài và gặp tác dụng phụ.

"Có trường hợp uống thuốc giảm đau thông thường như Paracetamol 500 mg, 2 viên/ngày, nhưng sử dụng liên tục trong 5 tháng. Sau đó, bệnh nhân gặp tình trạng rối loạn đông máu, dễ bầm máu ở da, chảy máu chân răng khi đánh răng", bác sĩ Vy kể.

Bác sĩ này kết luận tình trạng này do tác dụng phụ của Paracetamol khi sử dụng liên tục mỗi ngày dù là liều thấp, không phải là liều độc.

Vì sao dùng thuốc sai cách có thể bị nhiễm độc?

Theo thạc sĩ, bác sĩ Doãn Uyên Vy, trong 20 năm nay, đã có những bằng chứng của y văn thế giới ghi nhận một số thuốc có chứa các kim loại nặng và gây bệnh nhiễm độc nếu sử dụng thuốc kéo dài, nhất là những vị như hùng hoàng, chu sa dùng điều trị nhiều loại bệnh ngoài da, viêm nhiễm, sốt rét, an thần, chống co giật, mất ngủ, giang mai, trẻ con khóc đêm...

Những vị thuốc này vốn có nguồn gốc từ đá, khoáng chất chứa thạch tín và thủy ngân. Do một số loại thuốc đông y thường được tự pha chế thủ công, việc cân đo liều lượng có thể không chính xác.

Nguy co nhiem doc toan than anh 2

Thạch tín - một trong những chất độc nguy hiểm. Ảnh minh họa: Sciencebuzz.

Điều này khiến cho một số viên thuốc được bào chế chứa hàm lượng thạch tín, thủy ngân cao gấp 10-30 lần so với liều trong sách thuốc đông y hướng dẫn.

"Các kim loại này sẽ tích tụ dần dần, đến thời điểm biểu hiện triệu chứng đầy đủ và rõ thì bệnh nhân đã bị nhiễm độc ở mức trung bình. Khi bị nhiễm độc quá nặng có thể chuyển thành ngộ độc bán cấp và cấp tính, dẫn đến tử vong nhanh", bác sĩ Vy phân tích.

TS.BS Cao Thanh Ngọc, Trưởng Khoa Nội cơ xương khớp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cảnh báo về thạch tín, loại hóa chất cực độc được gọi là “vua của các loại độc”.

"Thạch tín là chất độc hoàn hảo không mùi, không vị. Nếu lượng lớn xâm nhập vào cơ thể, chúng sẽ tác động xấu đến hệ tuần hoàn, thần kinh và có thể tử vong ngay lập tức. Nếu nhiễm độc dần dần, người bệnh sẽ dần dần hao mòn, từ rụng tóc, buồn nôn, sút cân đến giảm trí nhớ, viêm loét hoại tử da, ung thư thậm chí tử vong", bác sĩ Ngọc cảnh báo.

Các bác sĩ khuyến cáo thuốc đông y hay tây y đều có những độc dược dùng để trị bệnh, nhưng khi sử dụng phải đúng liều lượng và thời gian cho phép.

Nếu có các triệu chứng bất thường về sức khỏe, người bệnh cần tham khảo ý kiến chuyên môn của bác sĩ, điều trị bằng những thuốc đã được nghiên cứu, kiểm chứng rõ ràng về hiệu quả, độ an toàn, bởi đôi khi một chất với liều nhỏ có thể là thuốc chữa bệnh nhưng liều cao lại là thuốc độc gây chết người.

Những người chịu di chứng hậu Covid-19 nặng

Tỉnh dậy sau cơn hôn mê, bà Lan hoang mang khi xung quanh là những bệnh nhân bị tổn thương phổi, tình trạng nặng hơn cả mình.

Bích Huệ

Bạn có thể quan tâm