Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nguy cơ ung thư từ vết mổ nâng ngực

Theo FDA, nguy cơ ung thư tăng lên ở một nhóm nhỏ phụ nữ từng cấy ghép túi nâng ngực, dù có bề mặt sần hay nhẵn.

Mới đây, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã phát cảnh báo liên quan những phụ nữ từng nâng ngực hoặc đang cân nhắc chỉnh sửa vòng một về việc một số bệnh ung thư có thể phát triển tại các mô sẹo hình thành xung quanh mô cấy ghép túi ngực.

Mối liên quan giữa nâng ngực và ung thư

Theo cơ quan này, các khối u ác tính xuất hiện trong trường hợp này là khá hiếm. Tuy nhiên, chúng có thể liên quan tới tất cả loại túi ngực, gồm bề mặt sần, nhẵn, làm từ nước muối sinh lý hay silicon.

Cụ thể, các nhà khoa học đã tìm ra mối liên hệ của chúng với một dạng ung thư là u lympho (ung thư hạch). U lympho hay ung thư hạch là bệnh lý ung thư liên quan tới hệ thống miễn dịch của cơ thể. Khối u dạng này thường xuất hiện nhiều hơn ở các trường hợp sử dụng túi nâng ngực có kết cấu và bề mặt sần.

ung thu sau nang nguc anh 1

Dù khá hiếm, u lympho tại các vị trí phẫu thuật nâng ngực vẫn cần được chú ý. Ảnh minh họa: victoria_strukovskaya.

Trên thực tế, FDA xác nhận mối liên hệ này đã được tìm ra từ cách đây khoảng một thập kỷ trước. Tuy nhiên, loại túi nâng ngực có bề mặt sần đã không còn trên thị trường từ năm 2019.

Trong cảnh báo mới, FDA khuyến cáo cần chú ý nhiều hơn tới một dạng ung thư khác là ung thư biểu mô tế bào vảy. Ngoài ra, một số dạng khác của ung thư hạch cũng có khả năng liên quan tới quá trình nâng ngực.

Dù vậy, số lượng trường hợp mắc ung thư được ghi nhận thể hiện sự liên quan giữa nâng ngực và nguy cơ ung thư còn khá nhỏ. FDA cũng thông tin chỉ có gần 20 ca ung thư biểu mô và gần 30 trường hợp ung thư hạch xuất hiện khối u xung quanh khu vực nâng ngực.

Tuy nhiên, với lịch sử và tốc độ mở rộng của số lượng các trường hợp có nhu cầu nâng ngực, cơ quan chức y tế liên bang tại Mỹ cho rằng việc lo ngại nguy cơ này là cần thiết.

Nhiều trường hợp được phát hiện bệnh sau nhiều năm nâng ngực. Trong khi đó, một số khác lại xuất hiện triệu chứng sưng, đau, nổi cục và thay đổi bất thường trên da.

Dù u lympho và các bệnh lý ung thư ở khu vực xung quanh vị trí nâng ngực khá hiếm gặp, FDA nhấn mạnh các cơ sở y tế và người dân không nên chủ quan do đã có các trường hợp gặp phải trong y văn.

Audra Harrison, phát ngôn viên của FDA, khẳng định vấn đề này hoàn toàn khác so với ALCL - một dạng bệnh ung thư máu phát triển từ bạch huyết bào được ghi nhận trước đó cũng xuất hiện trong các mô sẹo hoặc dịch xung quanh vị trí phẫu thuật nâng ngực.

TS Mark Clemens, giáo sư phẫu thuật thẩm mỹ tại Trung tâm Ung thư MD Anderson, Đại học Texas (Houston, Mỹ), cho hay các trường hợp phụ nữ nâng ngực mắc u lympho đã được công bố trước đó khoảng một thập kỷ. Tuy nhiên, các trường hợp này rất hiếm.

“Bệnh lý ALCL được phát hiện trước đó đã cho chúng tôi góc nhìn rõ ràng hơn rằng những vấn đề khác cũng có thể xảy ra ở vị trí phẫu thuật nâng ngực”, vị chuyên gia nói.

TS Clemens cho biết thêm từ lâu, y học đã ghi nhận việc các mô sẹo (như sẹo do phẫu thuật) có thể gây ra ung thư tế bào vảy. Đây là hệ quả có thể xảy ra ở những vết thương đang lành, nhất là các tổn thương có thời gian hồi phục dài.

Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng thừa nhận bản chất chính xác của mối liên quan giữa nâng ngực và ung thư, liệu nâng ngực có gây ra ung thư hay không, vẫn chưa rõ ràng.

Lưu ý sau khi nâng ngực

Trung bình mỗi năm, khoảng 400.000 phụ nữ tại Mỹ được thực hiện phẫu thuật nâng ngực. Trong đó, 300.000 trường hợp làm do nhu cầu thẩm mỹ, khoảng 100.000 ca còn lại được phẫu thuật tái tạo sau khi cắt bỏ tuyến vú để điều trị hoặc ngăn ngừa ung thư vú.

ung thu sau nang nguc anh 2

Phụ nữ sau khi phẫu thuật nâng ngực nên theo dõi kỹ các dấu hiệu bất thường. Ảnh minh họa: dainis_graveris.

Theo Hiệp hội Bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ Mỹ, con số trên đã giảm đáng kể trong năm đầu tiên đại dịch Covid-19 bùng phát.

Liên quan vấn đề này, FDA cũng thông tin khoảng 1/3 phụ nữ sau khi phẫu thuật nâng ngực có tình trạng đau vú, nhạy cảm hoặc giảm cảm giác, cảm giác không đối xứng tại cơ quan này.

Một nửa trong số phụ nữ nâng ngực có cảm giác đau khi bị thắt chặt ở mô sẹo xung quanh vị trí phẫu thuật. Một phần ba trường hợp gặp tình huống túi ngực bị vỡ hoặc rò rỉ.

Từ đây, 60% phụ nữ nâng ngực tại Mỹ đã phải trải qua một ca phẫu thuật khác để giải quyết vấn đề.

FDA khẳng định họ không khuyến nghị phụ nữ nên tháo bỏ túi độn ngực sau cảnh báo nói trên. Tuy nhiên, FDA cho rằng phụ nữ sau khi nâng ngực cần theo dõi sát quá trình phẫu thuật cũng như hậu phẫu và đến gặp bác sĩ khi phát hiện triệu chứng bất thường.

Những trường hợp không nên phẫu thuật thẩm mỹ

Tôi có dự định phẫu thuật nâng ngực. Tuy nhiên, tôi mắc bệnh nền nên còn rất phân vân. Xin hỏi bác sĩ những trường hợp nào thì không nên phẫu thuật thẩm mỹ?

Quốc Toàn

Bạn có thể quan tâm