Bước vào phòng làm việc của PGS.TS Trần Thiết Sơn – Trưởng khoa Phẫu thuật chỉnh hình BV Xanh Pôn (Hà Nội), điều đầu tiên đập vào mắt phóng viên là hình ảnh “bầu vú” giả chễm chệ trên bàn làm việc. Hình ảnh này đã đủ nói về công việc của vị bác sĩ này - chuyên biến hóa “màn hình phẳng” thành “màn hình cong”. Tuy nhiên, bác sĩ Sơn nói, công việc chủ yếu của ông vẫn là giúp người bị dị tật, biến dạng tuyến vú trở lại bình thường chứ không phải đơn thuần là giải phẫu thẩm mỹ.
Bác sĩ Sơn cho biết, hiện nay Việt Nam đang áp dụng 3 phương pháp nâng ngực phổ biến.
Với phương pháp không cấy độn ở bệnh nhân có thể tích vú sa trễ lớn, các bác sĩ chỉ cần cắt da thừa, chuyển quầng núm vú về vị trí mới. Bệnh nhân sẽ có lại bộ ngực căng tròn. Đây là phương pháp an toàn và đơn giản nhất.
Phương pháp độn túi ngực thường có 3 đường rạch tại nách, quầng vú và nếp vú. Trong 3 đường rạch này, không có đường nào ưu điểm hơn đường nào mà phụ thuộc vào kinh nghiệm, sở trường của các bác sĩ. Tuy nhiên, để đẹp, an toàn hơn, chuyên gia này cho biết việc rạch ở quầng vú và nếp vú sẽ tránh chảy máu và biến dạng.
Phương pháp ghép mỡ tự thân (có thể lấy mỡ bụng) hiện nay đang rất phổ biến. Tuy nhiên, với phương pháp này có một nguyên tắc bất di bất dịch là không bao giờ được ghép mỡ trực tiếp vào tuyến vú dễ tai biến và vô cùng nguy hiểm.
“Trường hợp TMV Cát Tường là một ví dụ cho việc ghép mỡ tự thân trực tiếp vào tuyến vú gây tai biến. Hơn nữa, mỡ được hút ra có tế bào gốc mà cấy thẳng vào tuyến vú có thể sẽ hình thành những khối u ác. Hiện nay, phần lớn TMV đang làm sai nguyên tắc này và đây là điều tối kỵ”, ông Sơn nhấn mạnh.
Đối với phương pháp ghép mỡ tự thân, PGS Trần Thiết Sơn cho biết, kỹ thuật long giãn da tuyến vú rất quan trọng để mỡ tự thân có thể sống được tại vị trí mới. Mỡ sẽ được ghép 100cc/lần dưới bầu ngực nhưng phải nằm ngoài tuyến vú.
Những biến chứng của việc làm ngực cũng được vị này cho biết như: nhiễm trùng sau mổ; túi ngực không đúng vị trí có thể dẫn đến 3-4 ngực; hình thành bao xơ xung quanh túi ngực gây đau đớn hoặc ngực bị nhỏ đi; rò rỉ dung dịch…
“Nếu không có gì bất thường về tuyến vú, không nên phẫu thuật và các chị em cần xác định có thể sẽ không được như mong muốn để cân nhắc cho kỹ”- PGS.TS Trần Thiết Sơn đưa ra lời khuyên.
Xuất hiện nhiều “ngực lép” sau sinh
Trong hành trình gần 30 năm trong nghề phẫu thuật chỉnh hình nói chung và nâng ngực nói riêng, PGS.TS Trần Thiết Sơn cho biết: sau khi sinh, tỷ lệ các chị em bị teo tuyến vú rất cao, khiến bộ ngực trở nên lép kẹp; hoặc sa trễ, da thừa nhăn nhúm mất thẩm mỹ. Do đó, nhu cầu nâng ngực ở nhóm đối tượng này khá cao.
Phẫu thuật vòng 1 cho bệnh nhân bị bệnh lý ngực phì đại, chảy xệ tại Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội). |
Ngoài ra, tỷ lệ người trẻ, đặc biệt là các thiếu nữ chưa lập gia đình cũng có nhu cầu nâng ngực vì trong nhóm này, có những người hoàn toàn không có tuyến vú. Đặc biệt, đối với các thiếu nữ trẻ thành thị, tỷ lệ “ngực lép” rất lớn do tốc độ đô thị hóa nhanh khiến con người thường xuyên phải dung nạp vào cơ thể những loại thức ăn đồ uống có chất bảo quản.
“Ngực của người thành thị thường nhỏ hơn người nông thôn, thậm chí ngày nay, các thiếu nữ thành thị không có tuyến vú rất nhiều. Ngực lép nên họ cũng có những mặc cảm nhất định”, PGS.TS Trần Thiết Sơn cho biết.
Ông cũng chia sẻ, nhu cầu nâng ngực, muốn làm tăng kích cỡ vòng 1 của người ngoại tỉnh chiếm đến 50% số ca mà ông từng nhận. Những bệnh nhân này thường phàn nàn vì bầu vú quá nhỏ hoặc bị biến dạng, sa trễ sau khi sinh.
Số ca có nhu cầu làm tăng kích cỡ vòng 1 có rất nhiều ở nhóm đối tượng từ 20-22 tuổi, chưa có gia đình. Đa số, tất cả các ca này đều có những bất thường như không có tuyến vú, vú lép chặt, không phát triển tuyến vú… Với nhóm này, mong muốn của họ thường chỉ đơn thuần là thay đổi kích thước bầu vú. Tuy nhiên, do chưa thực sự đủ chín chắn để có thể quyết định, bác sĩ Sơn này thường yêu cầu có sự đồng ý của cha mẹ các em mới tiến hành thay đổi khuôn ngực như mong muốn.
Cũng có nhiều chị em, tuyến vú hoàn toàn bình thường nhưng muốn “to hơn” đã tìm đến ông. Tuy nhiên, đối với những trường hợp này, ông thường tư vấn không nên phẫu thuật và đa số họ đều nghe theo.
Theo bác sĩ Sơn, đối với các chị em muốn thay đổi kích thước và hình dáng vòng 1 thì phải hiểu rõ nhược điểm cơ thể mình, phải có nhu cầu thực sự, không làm theo phong trào. Với những người làm ngực theo phong trào thường có biểu hiện không hài lòng và luôn phán xét kết quả sau khi phẫu thuật.
Sau khi hiểu rõ những khiếm khuyết trên bộ ngực mình, và mong muốn chỉnh sửa, các bác sĩ sẽ kiểm tra xem vòng 1 họ có thực sự bất thường không rồi đưa ra lời tư vấn phù hợp. PGS Trần Thiết Sơn đặc biệt lưu ý, chị em cần lường trước và chấp nhận những sự cố không mong muốn có thể xảy ra khi quyết định phẫu thuật nâng ngực.
Vợ nâng ngực chồng không nhận ra
Khi mặc áo rộng cổ, bộ ngực căng tròn lộ rõ, người nữ ngày nay dễ bị gán với 2 từ “bơm ngực” hay “làm ngực rồi”. Nhiều người cho rằng, việc nhìn ra một bộ ngực đã “tân trang” và bộ ngực nguyên bản vô cùng đơn giản. Tuy nhiên, Trưởng khoa Phẫu thuật chỉnh hình BV Xanh Pôn khẳng định, nếu không có biến chứng, bằng cảm quan mắt thường không thể nhận ra một bộ ngực “nhân tạo”.
“Họ cứ thấy người khác có ngực to, đẹp thì gán vậy thôi. Có bệnh nhân làm, chồng còn không phát hiện ra thì làm sao qua một lớp áo có thể nhận ra người ta làm ngực được”, PGS Trần Thiết Sơn nói.
PGS.TS Trần Thiết Sơn khuyên, không nên phẫu thuật nâng ngực nếu không thực sự cần thiết. Ảnh: GDVN |